Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Nguy cơ khô vốn tại 5 dự án hàng hải cấp bách
Bảo Như - 20/05/2021 09:27
 
Sau gần 1 năm níu giữ bất thành, Cục Hàng hải phải nộp ngân sách hơn 700 tỷ đồng tiền vượt thu phí bảo đảm hàng hải từng được lên kế hoạch đầu tư cho 5 dự án cấp bách.
Kiểm tra thi công tại Dự án Nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết
Kiểm tra thi công tại Dự án Nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết

 “Buông” hy vọng giải trình với Kiểm toán Nhà nước

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có Công văn số 1706/CHHVN-KHĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giải trình ý kiến của các bộ, ngành về việc sử dụng nguồn vượt thu phí bảo đảm hàng hải đầu tư 5 dự án cấp bách ngành hàng hải trị giá 747,6 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý nhất là, tại công văn này, Cục Hàng hải Việt Nam chính thức kiến nghị bộ chủ quản làm việc với Kiểm toán Nhà nước về việc cho phép đơn vị này được giữ lại 26,829 tỷ đồng để trả nợ Dự án Nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết đã hoàn thành và các phần công việc đã thực hiện ký hợp đồng thuê tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư đối với 4 dự án: Đóng mới 1 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ; Thiết lập Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới; Xây dựng các trạm luồng hàng hải; Đầu tư xây dựng công trình các đèn biển, nhằm tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Quy mô vốn của 5 Dự án hàng hải cấp bách

Theo đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải vào tháng 8/2017, Dự án Đóng mới 1 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ có quy mô vốn 423,057 tỷ đồng; Dự án Thiết lập

Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới: 108,787 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng công trình nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết cho tàu biển 1.000 DWT: 27,794 tỷ đồng; Dự án Xây dựng các trạm luồng hàng hải: 48 tỷ đồng; Dự án Xây dựng công trình các đèn biển: 140 tỷ đồng.

Phần kinh phí còn lại từ nguồn phí bảo đảm hàng hải kết dư đến ngày 31/12/2016 trị giá 721 tỷ đồng, Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất nộp vào ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

“Đề nghị Bộ GTVT sớm kiến nghị với cấp có thẩm quyền quan tâm, bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025 cho 4 dự án cấp bách ngành hàng hải còn lại để triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, công văn do ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ký nêu rõ.

Với đề xuất này, Cục Hàng hải Việt Nam đã chính thức “buông” hy vọng giải trình với Kiểm toán Nhà nước để có thể tiếp tục được giữ lại 747,6 tỷ đồng vượt thu phí bảo đảm hàng hải lũy kế đến hết ngày 31/12/2016 để đầu tư vào các dự án nói trên.

Trên thực tế, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã nhận được những tín hiệu không thuận từ Bộ Tài chính, khi tại Công văn số 2922/BTC-TCDN gửi Bộ GTVT vào ngày 23/3/2021, bộ này tiếp tục bảo lưu quan điểm đưa ra hồi tháng 11/2020 liên quan đến việc xử lý số tiền vượt thu phí bảo đảm hàng hải lũy kế đến hết ngày 31/12/2016 đã bị Kiểm toán Nhà nước “thổi còi”.

Cụ thể, tại Công văn số 2922/BTC, Bộ Tài chính khẳng định, chủ trương Bộ GTVT được sử dụng nguồn phí bảo đảm hàng hải vượt thu lũy kế đến ngày 31/12/2016 để đầu tư cho 5 dự án cấp bách ngành hàng hải đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn vướng mắc về phương thức quản lý, thanh toán, quyết toán đối với nguồn vốn thực hiện dự án, nên quá trình thực hiện còn kéo dài.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời, đảm bảo chủ trương Bộ GTVT sử dụng nguồn phí bảo đảm hàng hải vượt thu lũy kế đến ngày 31/12/2016 để đầu tư cho 5 dự án cấp bách ngành hàng hải được thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện nộp ngân sách nhà nước số phí bảo đảm hàng hải vượt thu lũy kế đến ngày 31/12/2016 (số phí còn lại chưa thực hiện phân bổ) theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án cấp bách ngành hàng hải theo quy định của pháp luật đầu tư công trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và hàng năm của Bộ GTVT.

Trước đó, tại Báo cáo kiểm toán số 146/KTNN-TH, ngày 17/7/2020 của Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Bộ GTVT, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số ngân sách do Cục Hàng hải Việt Nam quản lý trị giá 984,969 tỷ đồng, trong đó có số phí bảo đảm hàng hải vượt thu kết dư đến ngày 31/12/2016 trị giá 747,6 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, theo quy định của Luật Phí và lệ phí (năm 2015), sau khi quyết toán, số tiền phí, lệ phí được trích lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định đến ngày 1/1/2018, số tiền lệ phí còn dư phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Cấp bách “hụt hơi”

Trong quá trình đề xuất sử dụng số phí bảo đảm hàng hải vượt thu kết dư đến ngày 31/12/2016 để đầu tư vào 5 dự án hàng hải cấp bách, Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành trung ương.

Theo Bộ GTVT, do từ năm 2014 - 2016, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện tốt các giải pháp cho phép các tàu trọng tải (tổng dung tích) lớn với mớn nước phù hợp trong điều kiện thực tế tại từng thời điểm ra vào cảng biển Việt Nam, nên số lượt tàu và sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tăng cao.

Đồng thời, nhờ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thu phí, nên số thu phí đảm bảo hàng hải hàng năm đều vượt dự toán giao và có tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2016, sau khi nộp toàn bộ số thu phí bảo đảm hàng hải theo dự toán, số phí bảo đảm hàng hải vượt thu còn lại là 747,6 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2016, số phí vượt thu lên tới 420 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, cuối năm 2016, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này sử dụng nguồn vượt thu phí bảo đảm hàng hải lũy kế đến năm 2016 và các năm tiếp theo để triển khai một số dự án đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị quan trọng, cấp bách phục vụ công tác bảo đảm hàng hải.

Ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2189/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sử dụng nguồn phí bảo đảm hàng hải vượt thu để thực hiện một số dự án cấp bách ngành hàng hải.

Tại công văn này, Phó thủ tướng đồng ý về chủ trương Bộ GTVT được sử dụng nguồn vượt thu phí bảo đảm hàng hải lũy kế đến ngày 31/12/2016 để chi cho các nhiệm vụ: thanh toán dứt điểm các khoản chi nhiệm vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải đến hết năm 2016 chưa có nguồn thanh toán; các nhiệm vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải đang thực hiện dở dang; ưu tiên sử dụng để nạo vét các tuyến luồng hàng hải; lắp đặt thiết bị, sửa chữa các đèn biển hải đăng; số kinh phí còn lại được sử dụng để bố trí thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải theo nguyên tắc tổng mức đầu tư của các dự án không vượt quá nguồn kinh phí thực có.

Tháng 8/2017, sau khi rà soát các dự án cấp bách ngành hàng hải, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho phép sử dụng nguồn phí bảo đảm hàng hải vượt thu kết dư đến ngày 31/12/2016 cho 5 dự án hàng hải cấp bách.

Trên cơ sở các ý kiến của bộ, ngành và báo cáo giải trình của Bộ GTVT, tại Công văn số 13925/VPCP-KTTH, ngày 30/12/2017, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương để Bộ GTVT được sử dụng nguồn vượt thu phí bảo đảm hàng hải lũy kế đến ngày 31/12/2016 để đầu tư cho 5 dự án cấp bách ngành hàng hải, trong đó, giao Bộ GTVT tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tuy nhiên, do ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chưa thống nhất về phương thức quản lý nguồn vốn, nên 5 dự án cấp bách ngành hàng hải chưa thể thực hiện đầu tư theo quy định.

Phải đến tháng 5/2020, sau khi Luật Đầu tư công (năm 2019) có hiệu lực (từ ngày 1/1/2020), Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có cơ sở ban hành Văn bản số 2958/BKHĐT-KCHTĐT hướng dẫn Bộ GTVT thực hiện bố trí nguồn vốn đầu tư 5 dự án cấp bách ngành hàng hải từ nguồn phí bảo đảm hàng hải vượt thu lũy kế đến hết ngày 31/12/2016 theo quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã có Quyết định số 946/QĐ-BGTVT, ngày 18/5/2020 giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2020 từ nguồn vượt thu phí đảm bảo hàng hải cho 5 dự án cấp bách hàng hải, bao gồm các dự án: Đóng mới 1 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ (5,816 tỷ đồng); Thiết lập Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới (2 tỷ đồng); Nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết cho tàu biển 1.000 DWT (27,713 tỷ đồng); Xây dựng công trình các đèn biển (7,065 tỷ đồng) và Xây dựng các trạm luồng hàng hải (3,154 tỷ đồng).

Đến cuối tháng 12/2020, chỉ có Dự án Nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết đã hoàn thành, 4 dự án còn lại đều đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, Dự án nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quyết toán dự án; tổng số kinh phí chưa quyết toán cho các đơn vị thiết kế kỹ thuật và nhà thầu thi công đã lên tới 25,948 tỷ đồng (không bao gồm phí dự phòng).

“Việc chậm ban hành hướng dẫn sử dụng và phân bổ nguồn vốn vượt thu là lý do 5 dự án cấp bách đã không hoàn thành sớm. Cho đến tháng 4/2020 - thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, mới chỉ có Dự án Nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết được khởi động”, Cục Hàng hải Việt Nam thừa nhận.

Cần nói thêm rằng, thời điểm hiện tại, không thể thực hiện bổ sung danh mục dự án trong kế hoạch 2016 - 2020, nên việc bố trí vốn đầu tư công 2021 - 2025 gặp khó khăn. Đây là lý do khiến Cục Hàng hải Việt Nam phải xin giữ lại 26,829 tỷ đồng để trả nợ cho Dự án Nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết (đã hoàn thành) và các phần công việc đã thực hiện ký hợp đồng đối với 4 dự án để tránh nợ đọng xây dựng trong trường hợp cấp có thẩm quyền vẫn quyết định việc thu nộp ngân sách mhà nước nguồn phí trên.

Được biết, hiện mối quan tâm lớn nhất của Cục Hàng hải Việt Nam chính là việc được cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí vốn ngân sách cho 4 dự án hàng hải cấp bách còn lại sau khi không thể tiếp tục sử dụng phần phí đảm bảo hàng hải vượt thu.

“Đây đều là các dự án rất cấp thiết, cần triển khai để bảo đảm công tác an toàn hàng hải phục vụ tàu thuyền hàng hải an toàn, tăng cường phương tiện cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải phục vụ nhiệm vụ nhân đạo, bảo đảm an toàn sinh mạng con người và tài sản trên biển và góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo Tổ quốc”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định.

Cục trưởng Cục Hàng hải lên làm Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 799/QĐ –TTg ngày 9/6/2015 bổ nhiệm ông Nguyễn Nhật làm Thứ trưởng Bộ Giao thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư