-
Vì sao start-up cần thành lập hội đồng quản trị? -
Chủ tịch CEO viết sách mời người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư bất động sản -
Giúp khách hàng vượt qua thử thách và nắm bắt cơ hội mới -
Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản -
Doanh nhân nữ không cô đơn trên hành trình chuyển đổi kép -
Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Bình: Điểm tựa vững chắc của các doanh nhân nữ
Thổi hồn quốc tế vào tiếng rao đường phố
“Ai bánh mì đây!!!”, tiếng rao thân thuộc ấy đã vang lên khắp phố phường, in sâu vào tiềm thức của những người Hà Nội suốt vài thập niên cuối thế kỷ XX. Trong sâu thắm tâm trí của Nguyễn Danh Hiển, chàng thanh niên rời Hà Nội khi mới 17 tuổi, vào năm 1997, tới Thụy Sỹ với quyết tâm trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, luôn văng vẳng tiếng rao thân quen ấy.
Bởi vậy, sau 10 năm, khi Nguyễn Danh Hiển trở về Việt Nam với tấm bằng và kinh nghiệm trong ngành quản lý khách sạn, khác xa với giấc mơ ban đầu của Hiển, có lẽ cũng có nguồn cơn sâu xa của nó. Nhưng lúc này, Hà Nội đã vắng hẳn tiếng rao ấy. Nguyễn Danh Hiển trở thành quản lý tại Khách sạn Sofitel, rồi Nhà hàng Don’s Tay Ho…
Doanh nhân Nguyễn Danh Hiển, đồng sáng lập iBanhmi |
Tuy nhiên, về Việt Nam để làm quản lý khách sạn không phải là mục đích chính của Hiển. Anh ôm ấp tham vọng xây dựng một thương hiệu “bởi người Việt, cho người Việt” mang tiêu chuẩn quốc tế. Một lần nữa, ký ức về tiếng rao đường phố “Ai bánh mì đây!!!…” trở lại thôi thúc.
iBanhmi - một cái tên “hợp mốt” được Hiển lựa chọn để xây dựng cho thương hiệu fastfood của mình. Bỏ qua những lời phản đối từ bạn bè, rằng chữ “i” đã quá phổ biến và có vẻ như đang “ăn theo” những siêu phẩm công nghệ của Apple, iBanhmi được “cha đẻ” lý giải theo nghĩa, vừa là tiếng rao thân thương năm xưa (iBanhmi được đọc là “ai bánh mì”), vừa thể hiện mơ ước đưa thương hiệu vượt ra biên giới, bởi chữ “i” có ý nghĩa là “international” - quốc tế.
Còn lý do chọn bánh mì làm sản phẩm chủ đạo, Danh Hiển cho biết, trong những sản phẩm có thể làm fastfood có hamburger của nước ngoài, nhưng hamburger chưa gần gũi với người Việt Nam lắm nên anh chọn bánh mì. “Tôi phát triển nó ở mức độ khác, đưa nhiều hương vị, cách làm trên thế giới cho vào menu, để người Việt Nam đã ăn bánh mì nhiều rồi, nhưng vẫn có thêm những trải nghiệm khác về bánh mì”, Hiển chia sẻ.
Cũng phải thừa nhận đúng như Nguyễn Danh Hiển nhận xét, Việt Nam hiện chưa có thương hiệu fastfood. Văn hóa vỉa hè đang cản trở sự phát triển đó, nhưng không có nghĩa là không làm được. Hơn thế, ở châu Á, cũng có văn hóa ăn uống vỉa hè, hầu như nước nào cũng có một vài thương hiệu fastfood địa phương, như Jollibee của Malaysia – giờ đã là một thương hiệu quốc tế.
Tận dụng, chứ không chạy theo phong trào
Ý tưởng đã có, công nghệ nắm trong tay, điều duy nhất khiến Danh Hiển “lăn tăn” là gu thưởng thức của khách hàng.
Chính vì vậy, mất tới 2 năm để Hiển và người bạn cùng làm đi từ ý tưởng đến lúc khai trương cửa hàng đầu tiên. Trong thời gian đó, 2 người bạn lao vào nghiên cứu khẩu vị, thói quen ăn uống của khách hàng tại Hà Nội.
Ra mắt đúng lúc phong trào fastfood bánh mì nở rộ tại Hà Nội với hàng loạt thương hiệu như Bánh mì Ba miền, BamiKing hay Bánh mì của “Vua đầu bếp” Minh Nhật…, iBanhmi lựa chọn sự khác biệt từ vỏ bánh.
iBanhmi hiện có 8 loại vỏ bánh khác nhau, trong đó có loại bánh mì tinh than tre sử dụng tinh than tre Takesumi của Nhật Bản lần đầu xuất hiện tại Hà Nội, giúp người dùng thanh lọc cơ thể. Từ 8 loại vỏ bánh này, iBanhmi kết hợp thành 14 món bánh mì và 4 set combo (suất trọn gói).
Hiển quan niệm, để xây dựng một thương hiệu và kinh doanh ổn định, cần sự chuẩn bị dài hơi, bao gồm xây dựng sản phẩm đa dạng, có giá trị tương đối lâu dài. Sau 2 năm nghiên cứu thị trường, tháng 4/2015, iBanhmi chính thức ra mắt với cửa hàng đầu tiên tại vị trí đắc địa số 1 - Điện Biên Phủ (Hà Nội).
Giống như những “ông lớn” ngành fastfood thế giới khi đặt chân vào Việt Nam, iBanhmi cũng chú trọng thói quen sử dụng đồ ăn nhanh của giới trẻ Việt khi bố trí cửa hàng theo phong cách bắt mắt với cửa kính lớn, nhưng tạo sự khác biệt bằng những bộ bàn ghế sặc sỡ, quầy chế biến bằng kính để các bạn trẻ luôn có không gian “long lanh” cho nhu cầu check-in mỗi khi thưởng thức.
Danh Hiển chia sẻ, số vốn để mở cửa hàng không quá lớn, chỉ tương đương vốn mở một quán cafe tầm trung, nhưng không giống như nhiều thương hiệu khác liên tục tăng độ phủ nhờ mở cửa hàng mới, cuối năm 2015, iBanhmi mới mở cửa hàng thứ hai.
“Mặt bằng là cuộc chiến rất lớn đối với ngành fastfood, nó là một trong những yếu tố quyết định thành công”, vị doanh nhân trẻ cho hay.
Thừa nhận tốc độ phát triển cửa hàng mới chỉ đạt 2/3 mục tiêu đề ra, song Hiển chia sẻ, thời gian đầu tương đối thành công, nhưng sau đó có những thời điểm không tốt vì bánh mì không phải là món ăn hàng ngày của người Việt. “Tôi biết bánh mì đã trở thành phong trào, nhưng ý tưởng đầu tư của tôi là làm thương hiệu cho 5-10 năm tới chứ không phải để khách ăn 1-2 lần. Tôi tận dụng thời điểm phong trào lên chứ không chạy theo phong trào”, đồng sáng lập của iBanhmi Nguyễn Danh Hiển khẳng định.
Tồn tại bằng giá trị chuẩn mực
Cụm từ được Nguyễn Danh Hiển nhắc lại hàng chục lần khi trò chuyện là “quy trình”. Có lẽ nó gắn liền với kinh nghiệm 2 năm làm phục vụ tại cửa hàng McDonald’s khi anh ở Thụy Sỹ. Hiển kể, dù có hàng chục ngàn cửa hàng khắp thế giới, McDonald’s luôn duy trì được chất lượng đồng đều nhờ bí quyết nằm trong cuốn sách dày… cả gang tay, mô tả chi tiết những công việc vận hành một cửa hàng bán đồ ăn nhanh.
Quy trình đó đã thấm vào trong con người cũng như cách làm việc của Danh Hiển, giúp iBanhmi - một thương hiệu còn non trẻ, nhưng bắt đầu có mang dáng dấp đầu tiên của ông lớn ngành fastfood - đó là sự chuyên nghiệp.
Đằng sau tấm kính trong veo tại các cửa hàng, tất cả nguyên liệu để tạo ra món bánh mì iBanhmi được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ 0 độ C cho nhân thịt và 8 độ C với rau. Điều này giúp nhân viên của iBanhmi, mà hầu hết là sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, chỉ cần qua 1 tháng đào tạo có thể phục vụ một suất ăn chỉ trong 3 phút rưỡi.
Anh bật mí, từ 8 loại vỏ bánh cho tới nguyên liệu, nước chấm để làm ra những sản phẩm đưa tới tay khách hàng đều được chính anh lựa chọn từ khâu đầu vào, chế biến và đóng gói chân không tại một xưởng bánh công nghiệp, trước khi được đem tới từng cửa hàng của iBanhmi.
Nhiều người đã cho rằng, Nguyễn Danh Hiển và cộng sự đang ném tiền qua cửa sổ, bởi bỗng dưng bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng - con số không hề nhỏ - để đầu tư xưởng làm bánh và nguyên liệu, chỉ để thu về bằng việc bán từng chiếc bánh mì. Tuy nhiên, sự kỹ tính đến từng chi tiết mà Danh Hiển lĩnh hội được suốt những năm tháng sống tại đất nước của những chiếc đồng hồ nhỏ bé có hàng trăm chi tiết đều tăm tắp, cùng tham vọng dài hơi với thương hiệu iBanhmi khiến anh không thể bỏ qua bất cứ một khâu nào trong quy trình đã định.
Hiện tại, Hiển muốn mở thêm nhiều cửa hàng, vì bánh mì là món ăn chưa đủ hấp dẫn để khách hàng phải mất công đi xa để thưởng thức. Hơn thế, anh cũng muốn phổ biến món ăn này tới khách nước ngoài. Do đó, franchise (nhượng quyền thương hiệu) là điều mà anh đã nghĩ đến và cũng đã nhận được một số lời đề nghị.
Với tính cách từng trải của một người đàn ông ngoài 30 tuổi, Nguyễn Danh Hiển không vội vã “gật đầu”, mà tiếp tục chèo lái iBanhmi theo một quy trình của riêng mình dựa trên những chuẩn mực và kinh nghiệm anh đã tích lũy gần 20 năm trong nghề.
Tiết lộ về những dự án mang tính dài hơi, mà trước mắt là mở 5-6 cửa hàng iBanhmi trong 2 năm tới, Nguyễn Danh Hiển cho biết, anh không kỳ vọng viết nên câu chuyện McDonald’s thứ hai, nhưng sẽ là doanh nghiệp fastfood đầu tiên tại Việt Nam có cuốn sách hướng dẫn quy trình một cách chuyên nghiệp và cặn kẽ như McDonald’s.
iBanhmi có phải là dự án đầu tiên của anh?
Tôi đã mở mô hình khác, nhưng quy mô nhỏ hơn là cơm văn phòng với tên gọi “Cơm nhà”. Mục đích là đưa bữa ăn gia đình đến những người làm văn phòng. Trong 1 năm rưỡi thực hiện, lúc đầu khá ổn, nhưng sau phải dừng lại vì … hàng xóm cạnh tranh với giá bán chỉ bằng 2/3. Tôi không thể giảm chất lượng để cạnh tranh.
Vậy, lúc này có phải là thời điểm tốt để phát triển thương hiệu iBanhmi?
Tôi chọn thời điểm này để ra mắt iBanhmi vì thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam dường như đã nằm trọn trong tay các thương hiệu nước ngoài. Nếu không làm, khi chúng ta hội nhập sâu hơn nữa, sẽ không có đất cho doanh nghiệp Việt Nam. Lúc đó, nếu muốn bắt đầu thì số vốn bỏ ra không thể là 1-2 tỷ đồng mà là rất rất nhiều.
Anh muốn chia sẻ điều gì với những người muốn tham gia kinh doanh fastfood tại Việt Nam?
Mình đánh giá cao những bạn trẻ đang làm các thương hiệu vừa phải, nhưng phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, để cạnh tranh, quan trọng nhất là phải duy trì cái cốt lõi là phát triển thương hiệu bền vững, chứ không chỉ quan tâm đến bành trướng hoặc chỉ nghĩ đến lợi nhuận.
-
Benoît Chaigneau, Nhà sáng lập Chu Ben Fish Sauce: Nâng tầm nước mắm Việt Nam -
Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản -
Doanh nhân nữ không cô đơn trên hành trình chuyển đổi kép -
Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Bình: Điểm tựa vững chắc của các doanh nhân nữ -
Doanh nhân Nguyễn Thúy Cải: Ba thập kỷ lan tỏa giá trị ẩm thực và tiệc cưới truyền thống -
Chu Văn Nam, nhà sáng lập thương hiệu Nada Oils: Tìm chỗ đứng trên thị trường tinh dầu -
Ông Dương Văn Bắc làm Tổng giám đốc Novaland
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025
- Ấm lòng lễ tri ân của CT Group đến các thầy cô giáo
- Tập đoàn Stavian nhận cú đúp giải thưởng trong Bảng xếp hạng Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024
- AZB - Hành trình kiến tạo "Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024"