Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nguyên nhân chủ yếu khiến tiến độ cổ phần hoá chậm trễ
Hiếu Minh - 08/11/2015 08:49
 
Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2015 vừa công bố mới đây, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng cổ phần hóa DNNN chậm trễ chủ yếu xuất phát từ chủ quan DN.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ Tài chính năm 2014, cổ phần hóa DNNN đạt 143 DN, 8 tháng đầu năm 2015 đạt 93 DN, theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), việc chậm trễ trong cổ phần hóa ngoài nguyên nhân khách quan là TTCK chưa thực sự khởi sắc, cung vượt quá sức cầu của thị trường thì còn xuất phát từ hàng loạt nguyên nhân chủ quan khác. Và đây mới là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa DNNN.

“Cơ chế, chính sách cổ phần hóa DNNN đã được quan tâm, cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập”, ông Dương nói và phân tích thêm, việc xác định giá trị DNNN khi tiến hành cổ phần hóa gặp không ít khó khăn, nhất là trong xác định giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế, quyền thuê đất.

Định giá khởi điểm bán cổ phần nhà nước chưa hợp lý, thường cao hơn so với giá thị trường kỳ vọng, dẫn tới tỷ lệ cổ phần trúng giá đạt thấp, có DN không bán được cổ phần, phải tổ chức lại hoặc tạm dừng bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài.

Việc phát hành một loại cổ phần phổ thông chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh TTCK suy giảm, ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ cổ phần hóa.

Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn Nhà nước của nhiều DN chưa đảm bảo tiến độ. Nhiều cơ quan, tổ chức và DN chưa tích cực triển khai kế hoạch. Các hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hóa chưa bị xử lý triệt để dù đã có chủ trương về vấn đề này.

Cũng theo báo cáo của CIEM, hiện vẫn còn nặng về tình trạng xây dựng phương án cổ phần hóa để lại tỷ lệ cổ phần nhà nước ở mức cao, làm cho nhà đầu tư bên ngoài không mặn mà với cổ phần hóa, thậm chí vẫn duy trì cổ phần nhà nước chi phối hoặc có cổ phần nhà nước trong khi không thuộc diện nhà nước phải nắm cổ phần chi phối hoặc có cổ phần. Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đặc biệt khó khăn.

Việc phân chia DN cổ phần hóa thành các đối tượng nhà nước nắm giữ trên 75%, 65%, 50% và dưới 50% cổ phần vừa phức tạp về cách phân loại, vừa tạo tâm lý e ngại về quyền kiểm soát quá lớn của Nhà nước sau cổ phần hóa.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đây chính là lý do khiến chất lượng cổ phần hóa thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu.

“Khi chuyển sang công ty cổ phần, điều quan trọng nhất là DN cần có sự thay đổi về mặt quản trị, tuy nhiên, theo cách thức này thì sau cổ phần hóa nhiều DN đã có thay đổi nhất định về quản trị, nhưng chưa phải là thay đổi căn bản, do đó mục tiêu cao nhất của cổ phần hóa là phải đa sỡ hữu, phải tư nhân hóa thì vẫn chưa đạt được”, ông Cung nhận xét.

Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra một loạt các nhóm nguyên nhân khác xuất phát từ bản thân DNNN khiến việc cổ phần hóa không thu hút được nhà đầu tư.

Cụ thể, những yếu kém trong cơ chế hoạt động của DNNN trước khi cổ phần hóa chậm được khắc phục, đặc biệt các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngoài ra, đó là còn chưa kể tới những hạn chế lớn của DNNN sau cổ phần hóa khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Đó là cơ chế hoạt động của khu vực DN này chưa thật sự hướng tới cơ chế thị trường, thể hiện ở sự hạn chế về quyền tự do định giá, tự do hợp đồng và quyền tự chủ nói chung hạn chế hơn so với DN khác.

Chế độ viên chức quản lý chưa tạo động lực cho cải thiện hoạt động của DNNN. Trách nhiệm giải trình của những người bảo vệ lợi ích cho chủ sở hữu còn thấp, kỷ luật tài chính và ràng buộc ngân sách cứng bị xâm phạm ở một bộ phận DNNN.

Chi phí vốn thấp hơn so với giá thị trường, việc xem xét thấu đáo chi phí cơ hội hiếm khi được quan tâm. Đặc biệt là việc một số DNNN yếu kém thuộc diện phải giải thể, phá sản vẫn được hỗ trợ để tiếp tục tồn tại, thậm chí đưa vào diện cổ phần hóa là những điểm yếu lớn khiến nhà đầu tư nản lòng không muốn quan tâm.

Theo nhận định của CIEM, việc phải gấp rút hoàn thành cổ phần hóa với một số lượng lớn DN trong thời gian ngắn còn lại của kế hoạch 2014 – 2015, tương đương 50% của cả giai đoạn chắc chắn sẽ là một thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó, xét về mục tiêu và vai trò của tái cơ cấu DNNN trong tổng thể tái cơ cấu kinh tế, kết quả cổ phần hóa DNNN 2014 - 2015 chưa thể đạt yêu cầu thu hút nhà đầu tư bên ngoài, phân bổ lại nguồn lực giữa khu vực nhà nước với các thành phần kinh tế vào cuối năm 2015 và vì vậy, sẽ không có tác động lớn đến tái cơ cấu kinh tế.

“Sẽ thực tế hơn khi tiếp tục xem xét tới kết quả thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn cuối của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 và tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020”, ông Cung nhận định.

Việc hoàn thiện khung khổ thể chế và pháp luật về DNNN nói chung, CPH nói riêng để có những thay đổi quan trọng cũng như thay đổi cách thức thực hiện cổ phần hóa DNNN là những khuyến nghị mà CIEM đưa ra để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa một cách hiệu quả và chất lượng hơn.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair muốn gỡ khó cổ phần hóa cho VEC, Vinalines
Văn phòng Tony Blair tại Việt Nam muốn hỗ trợ cổ phần hóa (CPH) cho 2 DNNN thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư