Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Nhà giàu “bỏng tay” với eCommerce
Anh Hoa - 26/10/2021 15:08
 
Cạnh tranh về tốc độ giao hàng và chi phí vẫn là vấn đề nhức nhối đối với mọi “tay chơi” trên thị trường eCommerce (thương mại điện tử).
DHL eCommerce chính thức đóng cửa, nhưng các mảng DHL Express, DHL Global Forwarding và DHL Supply Chain vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam
DHL eCommerce chính thức đóng cửa, nhưng các mảng DHL Express, DHL Global Forwarding và DHL Supply Chain vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam

Khi nhà giàu “khai tử”

“DHL eCommerce chính thức đóng cửa ở thị trường Việt Nam từ tháng 11/2021. Cuộc chơi không chỉ có nhiều tiền là chiến thắng”, là status đáng chú ý đối với nhiều người của Lê Thanh Hoài, Sáng lập và CEO SuperShip về ông lớn trong lĩnh vực logistics thế giới DHL.

DHL eCommerce Solutions quyết định ngừng cung cấp dịch vụ chuyển phát bưu kiện trong nội địa Việt Nam. Quyết định này không ảnh hưởng đến vị thế quan trọng của thị trường Việt Nam với DHL. Mảng DHL Express, DHL Global Forwarding và DHL Supply Chain vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.

Theo ông Ken Lee, CEO của DHL Express châu Á - Thái Bình Dương, châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) trong năm 2020 đã chứng kiến lượng hàng vận chuyển tăng 17,3% so với năm 2019, nhất là trong các tháng cao điểm cuối năm 2020 do các chủ hàng tích cực hơn và chi tiêu cho mỗi khách hàng cao hơn 21%.

Theo thống kê từ Bộ Công thương, chi phí eLogistics ở Việt Nam chiếm 30% doanh thu, cao hơn rất nhiều so với Ấn Độ (15%), Mỹ (17%) và Trung Quốc (12%). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các công ty chuyên về thương mại điện tử như Lazada,Tiki, Shopee liên tục báo lỗ.

Khi điểm xuất phát của thị trường rất thấp, quy mô thị trường nhỏ, chi phí cố định sẽ chiếm tỷ trọng cao, bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ, khi tham gia thị trường buộc phải đầu tư hạ tầng - vật chất ban đầu. Đó là lý do tỷ trọng chi phí logistics trong doanh thu ở Việt Nam lại cao hơn nhiều so với các nước khác.

Còn khi quy mô thị trường lớn hơn, các ông lớn bắt đầu tham gia cuộc chơi, họ sẽ tận dụng các hạ tầng sẵn có, chéo giữa các mảng dịch vụ, hạ tầng phần cứng, trang thiết bị, cũng như công nghệ thông tin. Lúc này, tỷ lệ chi phí logistics/doanh thu mới giảm xuống.

Trong hai tháng đó, 65% lô hàng theo hình thức doanh nghiệp với khách hàng (Business to customer - B2C), trong đó các sản phẩm công nghệ tiêu dùng và quần áo thời trang đóng góp nhiều nhất. Sự gia tăng không suy giảm về khối lượng này càng nhấn mạnh sự tăng trưởng trong mua sắm trực tuyến và nhu cầu vận chuyển xuyên biên giới, khiến các nhà cung cấp dịch vụ logistics phải liên tục thích ứng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Statista, trong năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, doanh số bán hàng toàn cầu trên các trang web và thị trường thương mại điện tử B2B đã đạt 12.200 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2018, vượt xa quy mô thị trường của lĩnh vực B2C.

Đại dịch Covid-19 và kết quả là tăng tốc số hóa, khối lượng thương mại điện tử B2B toàn cầu ước tính đạt 20.900 tỷ USD vào năm 2027. Những gì được dự đoán cho tương lai của lĩnh vực B2B đã được nhìn thấy trong sự gia tăng đáng kể của thương mại điện tử B2C những năm qua, nơi DHL Express có tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là trong các mùa cao điểm nghỉ lễ.

Mặc dù vậy, Deutsche Post DHL vẫn quyết định “khai tử” DHL eCommerce sau 4 năm ra mắt tại Việt Nam. Ở thời điểm ra mắt dịch vụ DHL eCommerce, đã có 100 điểm được đưa vào vận hành. Công ty đặt mục tiêu trong vòng một năm sẽ mở 1.000 điểm dịch vụ (service points) trên cả nước. Đây là những điểm hỗ trợ người bán và người mua.

Tuy nhiên, DHL eCommerce sẽ không trực tiếp mở các điểm dịch vụ này, mà hợp tác với các doanh nghiệp như cửa hàng cà phê, siêu thị mini, tiệm giặt là... Mô hình này giúp DHL eCommerce tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp các cửa hàng có lượng khách vãng lai tìm đến, có thể gia tăng doanh thu. Công ty thử nghiệm thành công ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và Mỹ La tinh. Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ mở đường vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Để bổ trợ DHL eCommerce, sau khi đã phát triển được 250 điểm dịch vụ, tháng 6/2018, DHL Việt Nam ra mắt dịch vụ vận chuyển trong ngày DHL Parcel Metro Same Day tại TP.HCM và Hà Nội. Dịch vụ được thêm vào nhóm các dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa, nhằm tận dụng nguồn lực giao hàng sẵn có của DHL như đội xe tải, xe máy, các tuyến vận chuyển hàng không và đường bộ kết nối các trạm trung chuyển.

Để có thể giới thiệu được dịch vụ mới này, DHL đã đầu tư rất mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin. Đó là thế mạnh của DHL. Ngoài ra, Công ty có hệ thống các dịch vụ kho bãi, mạng lưới cung cấp các dịch vụ, vừa nhận hàng đóng gói, tiếp nhận hàng hoá cho khách hàng.

Tại thời điểm ra mắt dịch vụ mới, ông Thomas Harri, CEO DHL eCommerce Vietnam khẳng định, đã bắt kịp những đối thủ khác trên thị trường và chắc chắn trong tương lai gần sẽ vượt các đối thủ. Thậm chí, 99% hàng hóa do Công ty giao đến đều được khách hàng nhận, trong khi trên thị trường, tỷ lệ khách mua trả lại hàng vì không hài lòng chiếm trên 10%.

Theo ông Thomas Harri, việc có quá nhiều đối thủ cạnh tranh cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất lớn. Thị trường đang có rất nhiều cơ hội về mở rộng - tăng trưởng cho các doanh nghiệp logistics và mảng thương mại điện tử.

Dù không tiết lộ cụ thể, nhưng đại diện một doanh nghiệp logistics trong nước cho hay, DHL eCommerce đã “đốt” khá nhiều tiền. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, phải có nhiều đối tác chất lượng mới thắng. Chưa kể, mô hình quản trị của châu Âu chưa phù hợp với văn hóa kinh doanh của các nước châu Á. Những “ông lớn” trên thế giới thường có bộ máy quản lý cồng kềnh, nhất là luôn yêu cầu các đối tác phải có đơn hàng nhiều, trong khi giá cả cũng không cạnh tranh.

Theo báo cáo mới nhất của Google - Temasek, quy mô thị trường eCommerce Việt Nam dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 43% trong giai đoạn 2015 - 2025, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Thị trường eCommerce tăng trưởng thần tốc chính là động lực thúc đẩy ngành eLogistics phát triển. Alibaba, Tencent, đã gia nhập cuộc chơi eCommerce tại Việt Nam thông qua các thương vụ đầu tư vào Lazada, Tiki, Shopee.

Cạnh tranh về tốc độ giao hàng và chi phí

Giới chuyên môn cho rằng, quá trình giao hàng được chia thành các giai đoạn đầu, giữa và cuối. Trong đó, khâu đầu và giữa lấy hàng hoá từ nhà bán lẻ, nhà sản xuất và vận chuyển tới công ty giao vận. Giữa và cuối là giai đoạn chuyển chúng qua lại giữa các trung tâm xuất - nhập kho, xử lý đơn hàng, đóng gói. Cuối cùng là việc lấy hàng hoá đã được đóng gói và vận chuyển chúng tới khách hàng cuối.

Do đó, trong eCommerce, khâu cuối cùng rất quan trọng, bởi tương tác trực tiếp với tâm lý khách hàng, khi đặt hàng trực tuyến luôn muốn nhận hàng nhanh nhất có thể. Đây là yếu tố then chốt mà các “tay chơi” trong ngành eCommerce phải đầu tư mạnh tay để có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Tuy nhiên, eLogistics, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ last-mile delivery tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Khi nhà bán lẻ có số lượng đơn hàng khổng lồ mỗi ngày,

nhu cầu giao hàng nhanh, ít sai sót, mà tiết kiệm chi phí cho các đơn vẫn chưa được đáp ứng.

Để thực hiện các công đoạn nhập, xuất kho, phân loại đơn, đóng gói và vận chuyển, một số nền tảng eCommerce đã phát triển đội ngũ và hạ tầng logistics của riêng mình. Điển hình là Lazada E-logistics Express và Tiki Now.

Lazada chọn phát triển bộ phận logistics riêng để xử lý khoảng 55-60% các đơn hàng, song song với việc sử dụng dịch vụ 3PL để đảm bảo dịch vụ khách hàng, các chương trình khuyến mãi, cũng như tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các eCommerce khác như Shopee, Sendo vẫn thực hiện khâu giao vận chủ yếu thông qua các đối tác giao hàng 3PL để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ theo chuỗi muốn tận dụng triệt để mạng lưới các cửa hàng lớn của mình, nên đã tự giao hàng như Thegioididong, dienmayxanh, FPT shop và Nguyễn Kim…

Những hạn chế nói trên là cơ hội nảy sinh các start-up trong phân khúc eLogistics. Giao Hàng Nhanh (GHN), Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK), NinjaVan, SuperShip… đã trở thành đối tác giao hàng của các công ty eCommerce lớn tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng ngay lập tức của khách hàng, đặc biệt là trong phân khúc giao hàng thực phẩm, thì dịch vụ giao hàng theo yêu cầu đang bùng nổ ở Việt Nam. Điều này mở ra sân chơi cho các start-up như Ahamove, LalaMove, NowShip (đổi tên thành Shopee Express Instant), Grab, Gojek, Be…

Các chuyên gia cho rằng, các nhà cung cấp eLogistics vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, việc phải đáp ứng giao dịch bằng tiền mặt khi giao hàng (COD) dẫn đến sự phức tạp trong quản lý nhân sự và chi phí vận hành cao hơn. Với khối lượng giao dịch eCommerce ngày một tăng lên, các nhà cung cấp dịch vụ logistics cũng cần quản lý một khối lượng lớn hàng hóa bị trả lại, đổi trả và bị hư hỏng lớn. Địa chỉ giao hàng lỗi (đặc biệt tại khu vực nông thôn) và các đơn hàng không giao được cũng là những thách thức lớn mà các doanh nghiệp eLogistics phải đối mặt.

Ngoài ra, 75% các đơn đặt hàng eCommerce tại thị trường Việt Nam vẫn diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là hai đô thị luôn gặp vấn đề ách tắc giao thông. Do đó, sự cạnh tranh về tốc độ giao hàng và chi phí sẽ là vấn đề gây nhức nhối cho các doanh nghiệp cung cấp eLogistics trên eCommerce.

Ông lớn bưu điện và hàng không bắt tay phát triển logistics
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần Logistics hàng không ALS, Công ty Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế - Interserrco vừa ký kết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư