Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Nhà mạng vào cuộc chiến mới giành thị phần
Hữu Tuấn - 26/06/2018 07:14
 
Việc tạm hoãn chuyển mạng giữ số đã khiến cuộc cạnh tranh giành thị phần và khách hàng giữa các nhà mạng tạm lắng xuống, nhưng hứa hẹn sẽ bùng nổ khi quy định này được thực thi.

Nhà mạng đã chuẩn bị sẵn sàng

Đã gần 6 tháng kể từ khi Thông tư 35/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số - MNP có hiệu lực (từ ngày 8/1/2018), nhưng hiện tại việc chuyển mạng giữ số vẫn chưa được tiến hành.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, nguyên nhân dẫn đến việc chuyển mạng giữ số chưa thể thực hiện theo kế hoạch là việc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa yêu cầu các nhà mạng đồng loạt thực hiện chuyển đổi thuê bao từ 11 số về 10 số, bắt đầu thực hiện từ ngày 15/9/2018 đến hết 30/6/2019.

Mô hình kết nối với Trung tâm chuyển mạch quốc gia với các nhà mạng
Mô hình kết nối với Trung tâm chuyển mạch quốc gia với các nhà mạng

“Rất có thể, việc chuyển mạng giữ số phải tạm gác lại trong năm 2018. Sớm nhất phải từ đầu năm 2019 mới triển khai được”, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Phát triển dịch vụ, Tổng công ty VinaPhone cho biết.

Đại diện MobiFone cũng cho rằng, không thể tiến hành song song cả việc đổi mã đầu 11 số về 10 số và chuyển mạng giữ số. Việc thay mã mạng buộc phải làm trước, hoàn thành rồi mới tiến hành chuyển mạng giữ số. Cả hai việc này đều là việc lớn, đòi hỏi tập trung đội ngũ kỹ thuật, ảnh hưởng sâu rộng đến khách hàng, nên nhà mạng phải tập trung nguồn lực hoàn thành từng việc.

Cũng theo các nhà mạng, họ đã sẵn sàng cho việc chuyển mạng giữ số. Đến thời điểm hiện tại, VinaPhone đã hoàn thành thực hiện thử nghiệm thành công kết nối chuyển mạng cho các thuê bao Viettel, MobiFone và Vietnamobile. Hệ thống cổng chuyển mạng có năng lực xử lý cao về chuyển mạng giữ số của VinaPhone đã kết nối thành công với Trung tâm chuyển mạng quốc gia. “Chúng tôi dự kiến thời gian hoàn thiện các thủ tục đăng ký chuyển mạng chỉ trong vòng 30 phút, kể từ khi khách hàng đến đăng ký tại các điểm giao dịch của VinaPhone”, ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VinaPhone khẳng định.

Các nhà mạng phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, nếu khách hàng không hài lòng sẽ chuyển sang nhà mạng khác và vẫn giữ nguyên số của họ.

Các nhà mạng MobiFone, Viettel và Vietnamobile cũng đã hoàn tất việc thử nghiệm để tiến hành việc áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số.

“Với kinh nghiệm triển khai tại một số quốc gia trên thế giới, chúng tôi hoàn toàn làm chủ kỹ thuật việc chuyển mạng giữ số và thực hiện ngay khi có yêu cầu”, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nói.

Cuộc đua mới của nhà mạng

Có thể thấy, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là công cụ để khuyến khích người sử dụng dịch vụ đăng ký chính xác thông tin thuê bao và cũng là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy cạnh tranh, được nhiều nước trên thế giới triển khai.

Tại Việt Nam, các yếu tố cạnh tranh như vùng phủ sóng, chất lượng đường truyền, giá dịch vụ của các nhà mạng tương đương nhau nên yếu tố “hút khách” đến với các nhà mạng là chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Chính vì thế, kế hoạch trọng tâm của các nhà mạng năm 2018 là giữ và phát triển khách hàng trong đợt chuyển mạng giữ số. Không nhà mạng nào muốn khách hàng rời mạng của mình chuyển sang dùng dịch vụ của nhà mạng khác. 

Bà Imogen Colton, cố vấn cao cấp chính sách và cơ sở hạ tầng của Bộ Truyền thông Australia đánh giá, nếu áp dụng chính sách này, thì cạnh tranh trên thị trường di động rất khốc liệt, các nhà mạng phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, nếu khách hàng không hài lòng sẽ chuyển sang nhà mạng khác và vẫn giữ nguyên số của họ.

Còn ông Stewart Wallace, chuyên gia của Tập đoàn Tesltra cho rằng, sau khi vượt qua “nỗi đau” ban đầu về chi phí, chính sách chuyển mạng giữ số sẽ kích thích sáng tạo nhiều hơn.

Theo ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số, thị trường viễn thông di động mới thực sự có sự cạnh tranh. Bởi vì khách hàng sẽ bỏ nhà mạng có dịch vụ kém để chuyển sang mạng có dịch vụ tốt hơn. 

Động lực để nhà mạng thay đổi

Theo thực tế của các nước, sẽ có khoảng 5-10% khách hàng thực hiện việc chuyển mạng giữ số. Nếu tỷ lệ này xảy ra ở Việt Nam, sẽ có từ 6,5 - 13 triệu thuê bao chuyển mạng giữ số, một con số lớn có thể làm thay đổi cơ bản thị phần, doanh thu của các nhà mạng.

Theo ông Phạm Ngọc Tú, dịch vụ chuyển mạng giữ số di động được xem là một cơ hội tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc khách hàng của VinaPhone. “VinaPhone sẽ có nhiều chương trình chăm sóc khách hàng tốt hơn nữa. Chúng tôi đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho các khách hàng hiện hữu và sẽ phục vụ được tốt hơn các thuê bao mạng khác khi chuyển đến”, ông Tú cho biết.

Đại diện MobiFone cũng khẳng định, MobiFone cam kết khách hàng của mình sẽ được hưởng các chính sách chăm sóc đặc biệt và nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Cuộc chiến mới đã được âm thầm xác lập, các nhà mạng ngoài việc nỗ lực giữ chân thuê bao sẽ tìm mọi cách để kéo thuê bao về mạng của mình. Trong cuộc chiến đó, chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng nhà mạng nào tốt hơn sẽ dành chiến thắng.

Chuyển mạng giữ số: Nhà mạng khẳng định không gây xáo trộn thuê bao
Cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã bắt đầu thử nghiệm việc chuyển mạng giữ số và khẳng định, việc này không gây xáo trộn cho thuê...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư