Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Nhà sáng lập nên làm gì khi cảm thấy kiệt sức?
Đức Thọ - 02/03/2023 15:31
 
Những gánh nặng phải mang trên vai khiến các nhà sáng lập start-up dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, đòi hỏi cần có biện pháp cụ thể để lấy lại tinh thần, tiếp tục hành trình khởi nghiệp.

Tiếng Anh có thuật ngữ “burnout” để chỉ tình trạng “cháy sạch” của một con người. Đó là khi người ấy cảm thấy cạn kiệt năng lượng, hoài nghi với công việc mình đang làm và cuối cùng giảm sút hiệu quả chuyên môn. Bên cạnh đó, các triệu chứng phổ biến của “burnout” còn bao gồm trầm cảm, bất ổn tinh thần, lo lắng, chán nản, cô lập...

Đối với các nhà sáng lập start-up, triệu chứng “burnout” có thể xảy đến với họ bất cứ lúc nào. Bởi nhà sáng lập start-up luôn mang nhiều gánh nặng trên vai. Một mặt, họ phải cố gắng đưa start-up tiến lên, duy trì các chỉ số tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Mặt khác, họ cần phải làm hài lòng nhiều người cùng một lúc: khiến đối tác khách hàng sử dụng hài lòng sản phẩm dịch vụ của mình; khiến nhân viên hài lòng, được trả lương xứng đáng với công sức và tiếp tục ở lại công ty; khiến nhà đầu tư hài lòng, luôn tin tưởng vào kỳ vọng tăng trưởng của start-up...

Bên cạnh đó, guồng quay làm việc liên tục tại một công ty khởi nghiệp non trẻ, thời gian nghỉ ngơi ít, khiến những người đứng đầu start-up dễ rơi vào tình trạng “burnout”. Thậm chí, nếu không sớm tìm được biện pháp cân bằng, họ có thể dần kiệt quệ về tinh thần, mất động lực phấn đấu và từ bỏ hoàn toàn start-up.

Khi nhận thấy mình rơi vào tình trạng “burnout”, các nhà sáng lập nên chủ động tìm biện pháp xử lý, sớm giải thoát bản thân khỏi hội chứng này thông qua một số cách cụ thể sau.

Thứ nhất, duy trì kết nối với mọi người. Những kết nối quan trọng trong cuộc sống như gia đình, bạn bè sẽ đem lại cho nhà sáng lập giây phút thư giãn bên ngoài công việc, giảm cảm giác căng thẳng của hiện tại. Bên cạnh đó, nhà sáng lập cũng cần giữ kết nối với sứ mệnh và tầm nhìn của start-up, với khách hàng, với nhân viên của mình. Khi một nhà sáng lập có động lực sâu sắc với những kết nối đó, nhân viên sẽ được truyền động lực và năng lượng.

Thứ hai, tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ. Đảm nhận vị trí người đứng đầu khiến các nhà sáng lập phải chịu trách nhiệm với nhiều công việc cùng một lúc. Vì vậy, trong trường hợp thấy quá tải, họ nên san sẻ bớt trách nhiệm cho những người đồng sáng lập khác, hoặc những người phụ trách chuyên môn. Ngoài ra, tìm kiếm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, ví dụ các nhà sáng lập đi trước hay các nhà đầu tư thiên thần, nhà cố vấn, chuyên gia của quỹ đầu tư… cũng là một cách tốt để họ tham khảo và tìm ra lời giải cho tình trạng của bản thân.

Thứ ba, dành thêm thời gian để thư giãn. Nghỉ ngơi, thư giãn là cách tốt nhất để thoát khỏi cảm giác kiệt sức vì công việc. Vì thế, nếu cảm thấy mình đang bị “burnout”, các nhà sáng lập nên cho mình một số khoảng nghỉ ngắn. Những lúc này, họ cần tận dụng để cơ thể được nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng. Tập luyện yoga, thiền có thể kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể, nhờ đó giúp họ thoát khỏi “burnout” dễ dàng hơn.

Ngoài ra, tập thể dục cũng là một liều thuốc tốt để giải tỏa áp lực từ “burnout”. Để đạt hiệu quả tốt nhất, mỗi cá nhân có thể đặt mục tiêu mỗi ngày tập thể dục tối thiểu 30 phút hoặc chia thành các đợt tập ngắn, mỗi đợt tập 10 phút. Các môn thể dục nhịp điệu, bơi lội, võ thuật... cũng là một gợi ý không tồi mà những người đang căng thẳng thường tìm đến khi cảm thấy quá mệt mỏi với công việc.

Đến nay, “burnout” vẫn được xem là một hội chứng tâm lý, không phải là bệnh. Vì thế, nếu biết cách dung hòa công việc và cuộc sống, sắp xếp thời gian hợp lý thì những nhà sáng lập hoàn toàn có thể đối phó với “burnout” và sớm tìm lại động lực trong hành trình của mình.

Các start-up đề cao tính hiệu quả, khả thi trong hoạt động
Năm 2023 được nhận định có nhiều khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). Để tồn tại, các start-up đang đề cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư