Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Nhận định TTCK 18/1: Phiên sáng vẫn còn áp lực bán nhưng sẽ dần ổn định hơn
Phan Hằng - 18/01/2022 07:22
 
Mất mốc quan trọng 1.470 điểm nhưng xu hướng tăng trung hạn VNindex vẫn đang duy trì, không nên bán tháo bằng mọi giá. Cuối phiên hôm nay dự kiến cân bằng hơn

Trước đà giảm mạnh ở nhiều cổ phiếu, trong đó ở các cổ phiếu bất động sản tăng nóng nằm sàn khá sớm, thì thông tin về áp lực “call margin chéo” trong phiên sáng hôm qua truyền đi rất nhanh chóng.

Cụ thể theo các thông tin này, thị trường đang bị ảnh hưởng từ các tài khoản nắm giữ FLC, ROS, HAI, KLF, CII, NBB... bị call margin nhưng do không có thanh khoản nên các cổ phiếu khác trong danh mục gặp áp lực bán rất mạnh nhằm thu tiền về. Call margin chéo có thể giải thích như sau: Thông thường khi vi phạm tỷ lệ 0,3 (call margin) 0,25 (force sell)  nhưng hiện tại nhiều mã bị “bít cầu”, chất lệnh dư mua sàn quá lớn khiến CTCK không bán được. Do vậy, CTCK sẽ bán các mã cổ phiếu khác để call tiền về. Vì vậy lệnh quét bán các cổ phiếu đang khiến thị trường rung lắc mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư

Chính bởi suy nghĩ như vậy, nên nhóm giảm điểm mạnh phiên 17/1 là cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu chứng khoán

Trước hết nói về nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn dĩ là nhóm có đà giảm sau đó duy trì vùng giá này trong giai đoạn vừa qua dù thanh khoản thị trường trong quý 4/2021 được đánh giá là tăng vọt lên vùng cao mới, thường xuyên 30.000-35.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng các triển vọng kinh doanh đã được phản ánh vào giá, định giá P/B ở nhiều cổ phiếu chứng khoán đều ở mức rất cao, đều từ 2,5-3,4 lần. Để có thể lên vùng cao mới, thị trường đang chờ đợi các động lực và chất xúc tác mới, chẳng hạn như vượt KQKD dự báo trước đó, hay câu chuyện tăng vốn mạnh, cũng như điều kiện thị trường tích cực. 

Phiên giảm 17/1 của nhóm này được cho là đến từ lo ngại về rủi ro CTCK bị thiệt hại khi cho vay ở các mã cổ phiếu giảm mạnh, mất thanh khoản, cụ thể như FLC, ROS, DIG, CII, NBB…Nhà đầu tư cần lưu ý, nghiệp vụ cho vay margin được CTCK kiểm soát khá chặt chẽ thông qua tỷ lệ cho vay, giá chặn (giá tối đa để tính gía trị tài sản đảm bảo của tài khoản) và room cho vay trên từng mã. 

Trong đó, giá chặn của các cổ phiếu là rất thấp so với giá thị trường, ở nhiều CTCK, giá chặn cho vay ở FLC chỉ 2.000-3.000 đồng/cp, ở ROS chỉ khoảng vài nghìn đồng, hay DIG có giá chặn dươi 30.000 đồng/cp, CEO do đang thua lỗ nên không đủ điều được giao dịch ký quỹ…

Với tỷ lệ cho vay và giá chặn thấp, nên rủi ro của các CTCK đối với các cổ phiếu này là không đáng kể và có thể nói, phiên giảm điểm hôm nay "khá oan" cho nhóm này. 

Nhưng, rủi ro từ các “kho” - với tính đòn bẩy cao và danh mục cho vay rộng rãi hơn hẳn, có cả những cổ phiếu không nằm trong danh mục được phép giao dịch ký quỹ do hai Sở công bố - tác động một phần lên đà bán mạnh trên thị trường thì hoàn toàn có thể. 

Phiên 17/1 toàn thị trường gần 800 cổ phiếu giảm điểm, trong đó có tới 183 mã giảm sàn nổi bật là nhóm bất động sản và chứng khoán

Lý do quan trọng và thể hiện bản chất hơn, chính là đà tăng nóng của nhóm cổ phiếu bất động sản, chỉ cần các thông tin không tích cực xuất hiện cũng có thể tác động tâm lý tiêu cực cho nhóm cổ phiếu này. Giai đoạn qua thị trường có phần méo mó khi mà nhiều cổ phiếu không có cơ bản nhưng vẫn “đánh trần”, nhiều cổ phiếu cũng bị vượt giá trị thực. Khi có 1 thông tin không tốt cũng có thể tác động domino tới các cổ phiếu tương tự. Điển hình như nhóm cổ phiếu FLC và CII, việc tăng mạnh trong thời gian ngắn, thì thông tin “bán chui cổ phiếu”, và việc Tân Hoàng Minh huỷ cọc đấu giá – châm ngòi cho đà giảm, tác động tới trạng nhà đầu tư từ hưng phấn sang hoảng sợ - dẫn đến việc mất thanh khoản đã liên tục diễn ra 4 phiên ở 2 nhóm cổ phiếu trên. 

Chính Phủ, phía cơ quan quản lý nhìn thấy sự tăng nóng của thị trường Bất động sản và cổ phiếu Bất động sản đã có những cảnh báo, và có kế hoạch thanh tra lại các dự án, giám sát chặt tín dụng vào bất động sản -  vốn bị các nhà đầu tư “bỏ ngoài tai” thì các phiên gần đây lại trở thành thông tin tác động tới tâm lý nhà đầu tư. 

Theo chuyên gia CTCK VNDIRECT, nguyên nhân thị trường bị bán mạnh trước tiên là sự tiêu cực đến từ nhóm bất động sản, nhiều cổ phiếu đã tăng nóng giai đoạn qua, như DIG tăng một mạch từ vùng 40.000 đồng/cp lên 120.000 đồng/cp, gấp 3 lần và chưa có tiền lệ giảm sàn liên tục 4 phiên (trước đó chỉ giảm 1 phiên và lấy ngay lại thế cân bằng). 

Hay như CEO tăng từ 10.000 đồng lên hơn 90.000 đồng/cp. Chuyên gia VNDIRECT cho rằng, CEO vẫn được đánh giá là doanh nghiệp có tài sản tốt, quỹ đất nhiều nhưng với việc kì vọng quá lớn khiến cổ phiếu tăng nóng – cũng bị giảm mạnh theo đà cổ phiếu bất động sản. Hiện CEO đang nằm ở vùng lưng chừng, sau phiên 17/1, CEO đang về vùng tích luỹ trước đó là vùng 60.000 -64.000 điểm, và đang tìm điểm cân bằng trở lại.

Cổ phiếu bất động sản không xấu, và bất động sản vẫn là tài sản có giá trị nên dòng tiền tìm đến là dễ hiểu. Nhưng chính vì tiềm năng và kì vọng bị đẩy lên cao quá đã kích thích tính Fomo của nhà đầu tư. Thị trường chỉ cần có lý do bán xuống sẽ rất rủi ro cho nhà đầu tư.

Sự tiêu cực lan toả tới cả nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, VIC, VHM, GVR, lần lượt giảm mạnh

"Trong đó cần để ý, cổ phiếu VIC cứ tới gần phiên đáo hạn phái sinh (thứ 5 tuần này 20/1) – cổ phiếu có vai trò dẫn dắt chỉ số. Cách đánh cổ phiếu VIC rất dứt khoát, vẫn nằm trên đường MA 200, là ngưỡng hỗ trợ cứng của VIC, cứ rơi về ngưỡng 100.000 đòng/cp thì có xu hướng bật lại. Lưu ý, các phiên giao dịch cận kề ngày đáo hạn phái sinh thì nhiều nhà đầu tư thường phân tích xu hướng tạo lập vote cho lên – xuống thì diễn biến cổ phiếu trụ cũng phản ánh một phần ý định của họ. Ở phiên 14/1, VIC bị đánh thủng MA200 – dấu hiệu đang vote cho “cửa xuống”, chuyên gia VNDIRECT nhìn nhận. 

VHM cũng tương tự, phiên 17/1 thủng MA200. Đây là cổ phiếu vốn được cho là có vị thế ông lớn trong lĩnh vực bất động sản, nếu theo xu hướng tăng của cổ phiếu bất động sản vừa qua thì theo logic thông thường, VHM phải là cổ phiếu dẫn dắt. Tuy nhiên, VHM vẫn chỉ loanh đường MA200. 

Ở cổ phiếu trụ trong nhóm ngân hàng là VCB là cổ phiếu hiếm hoi tích cực, là phao neo còn lại cho tâm lý thị trường. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, có 2 cổ phiếu có tầm ảnh hưởng lớn là VCB và CTG, thì trong 2 phiên giao dịch gần nhất là tích cực. 

Với HPG ở vùng này là vùng cân bằng, dù đã thủng MA200, nhưng khối lượng giao dịch rất nhỏ, không còn nhiều ngừoi muốn bán, phiên 17/1 có thể xem là phiên cạn kiệt người bán. Có khả năng là cổ phiếu HPG đang có cú “set up” lại, để khi thị trường ổn định trở lại thì có lẽ HPG là nhân tố mới – và là cổ phiếu đáng chú ý. 

Chuyên gia VNDRECT cho rằng, thông thường sau các phiên washout chỉ cần một cổ phiếu trụ châm ngòi bùng nổ đi lên, như VCB HPG tăng điểm trở lại, thị trường sẽ chính thức đi vào điểm cân bằng, thị trường có “ván  mới”. NDT nên quan sát giai đoạn này, cơ hội vẫn còn nhiều nhất là dòng cổ phiếu ngân hàng và thép. 

Dự báo phiên hôm nay, 18/1, đầu phiên vẫn tiêu cực, khi lượng margin call sẽ tăng, khi lượng margin call được hấp thụ hết, hi vọng thị trường sẽ ổn định dần vào cuối phiên. Kinh nghiệm trong các lần điều chỉnh lớn ở các năm trước đây cho thấy nhà đầu tư nên chủ động giảm margin và chỉ mua vào khi giá cổ phiếu thực sự rơi vào vùng hấp dẫn. 

Mất mốc 1.470 điểm – là mốc quan trọng, nhưng xu hướng tăng của VNindex đã có được từ tháng 29/7/2020 tới nay, không nên bán tháo bằng mọi giá. Cổ phiếu nào vi phạm ngưỡng cắt lỗ hay tăng quá nóng thì nên tìm điểm cutloss, không cần hoảng loạn bán sàn. Còn với cổ phiếu đầu cơ có thanh khoản trở lại thì bình quân giá và đợi nhịp tăng để chốt lời. Với nhà đầu tư đang cầm tiền thì cũng không nên vội vàng mua cổ phiếu mà bình tĩnh chọn lọc ngành tốt. 

Hiện dòng tiền đang phân bổ lại, chuyển từ nhóm đầu cơ, penny sang trú ẩn ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã giảm mạnh như thép, ngân hàng, - vốn có triển vọng lợi nhuận tốt trong quý 4, và giá cổ phiếu đã chiết khấu về vùng định giá phù hợp. Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp cũng có thể là điểm đến.

Góc nhìn TTCK tuần 17-21/1: Dự báo nhiều cơ hội chọn lọc gia tăng cổ phiếu cơ bản
Tuần này dự kiến sẽ có nhiều cơ hội chọn lọc gia tăng các cổ phiếu cơ bản, đầu ngành. Xu hướng này cũng là điểm nhấn giao dịch trong tuần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư