Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 10-15/1: Tâm lý Fomo lên cao, cổ phiếu bất động sản hút tiền
Phan Hằng - 09/01/2022 14:04
 
Thị trường tuần tới vẫn sẽ Fomo (tâm lý sợ bỏ lỡ) liên tục và phân hoá mạnh. Cổ phiếu bất động sản được dự báo chưa dừng “sức nóng”.

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 1/2022, nhóm cổ phiếu Bluechips chưa có sự bứt phá, trong khi các nhóm midcap, penny (nhất là lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng…) dậy sóng, đã khiến chỉ số VNindex giảm 0,09 điểm xuống mức 1.528,48 điểm, trong khi chỉ số VN30 lao dốc gần 13 điểm - đóng cửa tại 1.532,24 điểm. 

Sau năm trời “cách biệt”, VN-Index tiến sát VN30 khi nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ lên ngôi.

Những cổ phiếu tác động mạnh đến đà giảm của chỉ số chung là MSN, VIC, CTG, VPB, VRE..., trong khi nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ tăng mạnh, VHG kịch trần với số lượng giao dịch khủng 14,7 triệu đơn vị; PVX… cũng tăng hết biên độ. Hàng loạt mã bất động sản vẫn tiếp tục đà tăng ấn tượng, CEO leo gần đến mức 100.000 đồng/cổ phiếu, SGR tăng gần kịch trần, DXG tiệm cận vùng 40.000 đồng/cổ phiếu, LDG, DIG, FLC, BCG, CII… tiếp tục đóng cửa giá trần. 

Các quỹ đầu tư quý IV/2021 gần như đứng hình vì danh mục không tăng bao nhiêu, trong khi nhiều nhóm ngành trên thị trường tăng mạnh mẽ. 

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam đánh giá, tuần đầu tiên của năm mới, thị trường có sự lan toả, khi 2 phiên đầu tuần là nhóm bluechip (ngân hàng, chứng khoán…) tăng tốt, sau đó 3 phiên cuối tuần giao dịch giằng co, trong đó có 2 phiên giảm điểm, các nhóm penny, midcap (bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ…) tăng rất mạnh, thậm chí hơi nóng. 

Xu hướng chung của thị trường là tích cực với đặc điểm chủ đạo là dòng tiền chạy liên tục qua các nhóm, và nổi bật trong 2 tháng nay là bất động sản và vật liệu xây dựng với thanh khoản rất cao và tăng giá mạnh nhất. 

Ông Nguyễn Tuấn Long, Giám đốc môi giới cao cấp Công ty Chứng khoán Tiên Phong - chi nhánh Hà Nội nhìn nhận, tuần mở cửa năm mới ấn tượng khi VN-Index đã vượt 1.500 điểm. Tuy nhiên, nhiều mã cổ phiếu đã tăng rất mạnh (tăng vượt nhiều so với giá trị thực) do dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn, dẫn đến Fomo liên tục trong từng phiên giao dịch. 

Ông Long dự báo, thanh khoản thị trường năm nay sẽ dao động từ 30.000-50.000 tỷ đồng/phiên. Điều này cũng rất tích cực với thị trường theo đúng chủ trương: Chứng khoán là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Dự báo cho tuần sau, về điểm số, ông Ngọc cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn là tuần tăng điểm và có sự hồi phục nhẹ ở nhóm bluechip, bởi 3 phiên tuần trước có thể xem là điều chỉnh mạnh trong bối cảnh thị trường đang rất tích cực. 

Với nhóm cổ phiếu bất động sản, ông Ngọc đánh giá vẫn hút tiền, nhưng mức độ tăng không lớn nữa, nhiều cổ phiếu bất động sản đang trong giai đoạn bùng nổ, đi vào giai đoạn nước rút, tính Fomo cao. 

Đây là câu chuyện đầu cơ trong một nhóm ngành mà đã nổi sóng rất mạnh trong thời gian, đi đủ trình tự: đi lên trong nghi ngờ - thoả mãn - hưng phấn, tự tin. Khi câu chuyện đầu cơ mà lên cao trào, có rất nhiều người đã sẵn sàng mua ở vùng cao thì câu chuyện phía sau mới là vấn đề. nhưng tuần sau, cổ phiếu bất động sản vẫn đang hấp dẫn dòng tiền, nếu có điều chỉnh một chút thì dòng tiền đổ vào ngay.

Ông Ngọc cho rằng, để kết thúc sóng ngành nào đó để chuyển qua ngành khác thì thường là thời điểm công bố kết quả kinh doanh, để nhà đầu tư đánh giá cụ thể cơ hội đang mua, đang nắm giữ có tốt không, rồi mới soi xét lại quá trình hoạt động thời gian qua qua. Đối với doanh nghiệp là doanh thu, là lợi nhuận, với doanh nghiệp  bất động sản thì quý IV là điểm rơi lợi nhuận. Vậy doanh nghiệp nào thực sự có điểm rơi lợi nhuận, hay doanh nghiệp nào ăn theo, thậm chí tiếp tục lỗ. Khi bức tranh được vén màn, để nhà đầu tư nhìn rõ thì mới có sự dịch chuyển dòng tiền - dự kiến xảy ra sau 20/1/2022 sẽ kết thúc một đợt tăng giá mạnh của ngành hiện nay, chuyển sang ngành khác. 

“Dòng tiền đang rất tích cực, tâm lý fomo đang rất rõ”, ông Ngọc nói. 

Còn ngân hàng, hay bluechip thì sóng lớn đâu đó xảy ra cuối tháng 3/2022, giai đoạn chuẩn bị ĐHĐCĐ và kết quả kinh doanh quý I/2022, câu chuyện chia thưởng, chia cổ tức sẽ rõ ràng hơn.

Ông Long cũng đồng quan điểm, thị trường tuần tới vẫn sẽ Fomo liên tục và phân hoá mạnh. Đối với cổ phiếu dòng ngân hàng có thể chốt lời sau thông tin từ Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất từ 0,5 - 1% để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19. Dòng bất động sản chốt lời dần và cần thiết có sự điều chỉnh của dòng này để thay máu và tiếp tục đi lên (bất động sản tăng giá với mục tiêu bù lạm phát và cũng là kênh quản trị tài sản cho những nhà đầu tư muốn an toàn và phân bổ tài sản).

Các dòng khác: Phân bón, xây dựng, đầu tư công nên giải ngân dần đón đầu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt quý IV/2021: DCM, DPM, HBC, FCN... Ông Long cũng khuyến nghị vào dòng chứng khoán với thanh khoản tốt và kết quả tốt: CTS, VIX, SSI …..

Nói chung, thị trường trong xu hướng tăng và đặc tính Fomo, nên việc có chỉnh nhẹ cũng là điều bình thường. Nhưng để an toàn, các chuyên gia khuyến cáo nên bán và tránh những mã bị loại khỏi danh sách Margin của UBCK, những doanh nghiệp in giấy, những doanh nghiệp không có core (hoạt động cốt lõi) cơ bản.

Ông Ngọc khuyến nghị, cuộc chơi đầu cơ thì bắt buộc cần kỷ luật, lỗ bao nhiêu % thì phải cắt để bảo vệ tài sản. Chẳng hạn, quy trình giải ngân nhiều lần, tránh all in 1 cổ phiếu mà đúng đỉnh sẽ dẫn đến cháy tài khoản, có thể giải ngân 30-30-40%, khi 30% đợt giải ngân đầu tiên về tài khoản mà thấy đúng thì giải ngân tiếp tăng tỷ trọng. Trường hợp giải ngân đợt 1 mà hàng về bị lỗ 10% thì cắt lỗ, khi đó mới chỉ tương ứng 3% tổng tài sản. Việc tham gia thị trường lúc này với dòng tiền đầu cơ chi phối thì kỹ năng trading và kỷ luật là vô cùng quan trọng.

Gần 170 mã tăng trần, cơn “cuồng loạn” vì cổ phiếu đầu cơ trở lại?
Cổ phiếu bất động sản-xây dựng, dầu khí và nhóm đầu cơ tiếp tục có phiên giao dịch thăng hoa. Nhưng cũng có một số cổ phiếu vốn hóa lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư