Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Nhân rộng mô hình trồng thanh long hữu cơ tại các hợp tác xã
D.Ngân - 14/07/2024 10:08
 
Mô hình trồng thanh long hữu cơ được các hợp tác triển khai đang thu được nhiều lợi ích cho người trồng bởi giá trị kinh tế cao.

Tiến ra thị trường quốc tế

Vừa qua, 5 tấn thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha và 27 hộ dân ở các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, huyện Thuận Châu được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Italia thông qua hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm hữu cơ Hà Nội. Số thanh long xuất khẩu sang thị trường Italia đợt này là lứa thu hoạch thanh long đầu tiên của vụ năm 2024.

Mô hình trồng thanh long hữu cơ đang thu được nhiều lợi ích cho người trồng bởi giá trị kinh tế cao.

Trước đó, năm 2018, huyện Thuận Châu xây dựng chuỗi cho sản phẩm thanh long ruột đỏ, liên kết với hợp tác xã Ngọc Hoàng cung ứng giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Đây là một trong 8 chuỗi liên kết sản xuất về phát triển cây ăn quả bền vững của huyện. Đến nay, huyện có 50 ha thanh long ruột đỏ, trong đó 44 ha được liên kết theo chuỗi, tập trung chủ yếu tại các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lăng, Mường É. Năm 2024, sản lượng thanh long thu hoạch ước đạt trên 500 tấn, giá bán bình quân từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg.

Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La) là đơn vị tiên phong sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ. Nhờ kiên trì với triết lý “chỉ có sản xuất an toàn mới có thể phát triển bền vững”, các sản phẩm của hợp tác xã không chỉ rộng đường đi vào nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước, cửa hàng thực phẩm sạch mà còn xuất khẩu đi các thị trường khó tính trên thế giới.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, hợp tác xã được thành lập năm 2016 với hoạt động chính là sản xuất cây ăn quả, nhất là thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn, hữu cơ. Đến nay, tổng diện tích thanh long của hợp tác xã hơn 215 ha, sản lượng hàng năm gần 6.000 tấn.

Năm 2023, hợp tác xã đã cung cấp ra thị trường trong nước hơn 5.000 tấn thanh long thông qua hệ thống các siêu thị như Co.opmart, Big C, cửa hàng hoa quả sạch từ Nghệ An trở ra phía Bắc và xuất khẩu được hơn 800 tấn. Hiện tại, hợp tác xã đang tiếp tục đàm phán với các đối tác để xuất khẩu thanh long ruột đỏ chế biến sấy giòn vào thị trường Nga.

Theo ông Vinh, khi canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất thanh long có thể đạt 35 - 40 tấn/ha, gia đình chăm sóc tốt thậm chí đạt 60 tấn/ha (canh tác thông thường chỉ đạt 20 - 25 tấn/ha).

Bên cạnh đó, quả thanh long có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp nên giá bán trung bình trong nước luôn ở mức từ 20.000 đồng/kg trở lên, xuất khẩu 37.000 - 38.000 đồng/kg (canh tác thông thường đạt 10.000 - 15.000 đồng/kg).

Để có được kết quả này, ngay từ ban đầu hợp tác xã đã thống nhất với tất cả các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt, áp dụng chung một quy trình canh tác nói không với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học để thuận lợi quản lý về chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm.

Về phân bón, các hộ sử dụng chuối, ngô hạt xay nhỏ, đậu tương, cá ngâm ủ với men vi sinh để bổ sung dinh dưỡng cho cây thay thế đạm và kali hóa học. Những nguyên liệu này tại địa phương rất sẵn có với giá thấp, qua đó giúp các hộ tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất.

Về phòng trừ sâu bệnh, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi nên cây thanh long được trồng trên đất Sơn La ít sâu bệnh, chỉ đề phòng ruồi vàng, rệp, nấm (khi thời tiết mưa nhiều). Do đó, hợp tác xã chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh phun (loại không có thời gian cách ly), sử dụng bẫy ruồi vàng.

Theo ông Vinh, năm 2017, hợp tác xã đã xuất khẩu được lô hàng thanh long đầu tiên đi thị trường Dubai. hợp tác xã nhận ra rằng, để sản phẩm có thể xuất khẩu thì phải đảm bảo chất lượng liên tục và nhất định phải chuyển hướng canh tác an toàn, hữu cơ.

Xuất khẩu được quả thanh long đi nước ngoài rất khó khăn, theo ông Vinh, hợp tác xã phải lấy mẫu từ vườn được cấp mã số vùng trồng (hợp tác xã có 1 mã số xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc, 1 mã đi thị trường châu Âu) gửi mẫu vào TP.HCM kiểm tra 760 chất. Nếu tất cả các chỉ số đạt yêu cầu thì sản phẩm mới đủ điều kiện xuất khẩu, khi đó hợp tác xã mới tiến hành thu hoạch.

Cũng theo ông Vinh, muốn canh tác hữu cơ nhất định phải kiên trì mới làm được. Người sản xuất phải nhận thức rõ hữu cơ là gì, giá trị của nó mang lại thế nào thì mới nên bắt tay vào làm.

Bản thân ông cùng các thành viên giai đoạn đầu không định nghĩa được hữu cơ là như thế nào. Có người hiểu sử dụng vật tư đầu vào hoang sơ nhất là hữu cơ, thế là dùng phân bò, phân chuồng tươi bón trực tiếp cho cây, vừa ô nhiễm môi trường vừa sản sinh ra nhiều loại nấm. Sau này tìm hiểu mới biết phải sử dụng men vi sinh ủ cho hoai mục rồi mới sử dụng cho cây…

Nâng dần vị thế nhờ tuân thủ quy trình trồng an toàn

Tại Vĩnh Phúc, có một khu vườn trồng thanh long ruột đỏ cũng đang thu hút nhiều thương lái bởi chất lượng. Vườn trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Vân Trục (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) những ngày này tấp nập thương lái đến tranh nhau mua hàng. Nhiều người không ngần ngại trả cao hơn 1 đến 2 giá để mong có được những thùng thanh long chất lượng.

Theo chị Thanh, sở dĩ có được niềm vui như vậy là do toàn bộ 500 trụ thanh long của gia đình được trồng theo hướng hữu cơ, nói không với thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nên thương lái rất ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Năm 2021, gia đình chị bén duyên với hình thức canh tác theo hướng hữu cơ khi được sự hỗ trợ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và vật tư đầu vào (phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học) của Công ty Quế Lâm Phương Bắc (thuộc Tập đoàn Quế Lâm).

Giai đoạn đầu tiếp cận với hình thức canh tác mới chị không khỏi mông lung, lo lắng. Tuy nhiên, trăm hay không bằng tay quen, vừa làm vừa học, chị nhận ra sản xuất theo hướng hữu cơ không có gì quá phức tạp và khác biệt so với sản xuất thông thường trước đây.

Điểm khác duy nhất là sử dụng toàn bộ vật tư đầu vào hữu cơ, sinh học thay thế cho vật tư hóa học để cải thiện dinh dưỡng, độ tơi xốp, tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển và bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp cây trồng thuận lợi hấp thu dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh…

Chị Thanh chia sẻ, yếu tố then chốt để trồng thanh long theo hướng hữu cơ thành công là sự kiên trì và nghiêm túc. Bởi lẽ, thời gian dài sử dụng vật tư hóa học khiến chất đất bị chai cứng, thiếu dinh dưỡng.

Cây trồng quen với việc hấp thu các chất dinh dưỡng tan nhanh nên khi chuyển đổi cần nhiều thời gian để tăng dần tỷ lệ hữu cơ cung cấp cho cây rồi mới tiến tới thay thế toàn bộ.

Lượng phân bón hữu cơ sử dụng cho 1 trụ thanh long mỗi năm khoảng 50kg (trung bình mỗi năm bón 4 đợt, mỗi đợt 12 - 13kg/trụ) và định kỳ phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giá thành của những vật tư này cao hơn so với dùng vật tư hóa học. Cho nên nếu người trồng không kiên trì, nghiêm túc tuân thủ kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, không thay đổi thói quen hám rẻ, xuề xòa thì sẽ không thể làm được.

Cũng theo chị Thanh, qua theo dõi nhận thấy năng suất trung bình của thanh long khi canh tác theo hướng hữu cơ đạt từ 25 - 30kg/trụ/năm (không chênh lệch quá lớn với sản xuất thông thường). Tuy nhiên, những lợi ích khác thu được lại không hề nhỏ.

Vườn trồng thanh long nằm bao quanh khu vực gia đình sinh sống nên từ khi không dùng vật tư hóa học, môi trường trở nên trong lành, sức khỏe gia đình được cải thiện. Bên cạnh đó, khi sức khỏe đất được tăng lên, cây trồng trở nên khỏe mạnh, độ bền cây cao, giúp giảm nhiều công chăm sóc.

Đặc biệt, sản phẩm tạo ra thuận lợi trong tiêu thụ, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường. Nhờ đó, giá bán luôn cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với sản phẩm canh tác thông thường.  

Lợi ích khi canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn ai cũng nhìn thấy. Bản thân các hộ trồng cũng không ngại thay đổi. Tuy nhiên, quan trọng nhất phải có thị trường, đầu ra ổn định với giá bán tốt cho dòng sản phẩm này thì mới kích thích được số đông thay đổi phương thức canh tác dựa vào vật tư hóa học.

Thu nhập bình quân của nhiều hợp tác xã nông nghiệp có xu hướng tăng
Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ các hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng có xu hướng tăng lên, tạo ra cơ hội xuất khẩu cho hợp tác xã,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư