Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhập khẩu và tồn kho than tăng mạnh
Thanh Hương - 19/05/2016 09:53
 
Tồn kho than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện đã chạm con số 10 triệu tấn, còn lượng than nhập khẩu 4 tháng qua cũng đã đạt 4,7 triệu tấn.
TIN LIÊN QUAN

Than nhập gia tăng

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, tháng 4/2016, lượng than nhập khẩu đạt 1,252 triệu tấn với trị giá 77,9 triệu USD. Tổng cộng 4 tháng đầu năm 2016, lượng than nhập khẩu đã đạt con số 4,7 triệu tấn với trị giá 289,4 triệu USD.

Như vậy so với cả năm 2015, lượng than nhập khẩu đạt 6,96 triệu tấn với kim ngạch 548,5 triệu USD thì than nhập khẩu đã có sự gia tăng nhanh chóng về mặt lượng, trong khi giá bình quân lại giảm.

.
.

Tại Quảng Ninh, 4 tháng đầu năm, lượng than nhập khẩu đã đạt 1,6 triệu tấn, cao hơn con số 1,4 triệu tấn của cả năm 2015. Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, hiện có 18 đơn vị  nhập khẩu than qua địa bàn này. Hiện than nhập khẩu có thuế 0%, với sự suy giảm của thị trường năng lượng thế giới, giá dầu xuống thấp kéo theo giá than cũng giảm mạnh, than ngoại đang có lợi thế hơn so với than nội khoảng 5-8 USD/tấn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một doanh nghiệp sản xuất điện có vốn đầu tư nước ngoài tính toán, nếu nhập khẩu than ngoại về phối trộn với than nội thì giá thành hiện vẫn rẻ hơn khoảng 10% so với mua than nội hoàn toàn. Do vậy, nhà đầu tư cân nhắc rất kỹ.

Bởi vậy, ngay đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị cho được nhập khẩu than do giá rẻ hơn than nội. Lãnh đạo EVN khi đó cũng chỉ khuyến cáo, phải tính toán và có hợp đồng dài hơi để tránh tình trạng hiện giá rẻ dễ mua, nhưng tới khi thị trường quay đầu, giá than tăng mạnh, không có hợp đồng dài hạn sẽ không mua được than, ảnh hưởng tới sản xuất điện.

Xu hướng nhập khẩu than cũng được xem là tất yếu khi số lượng các nhà máy nhiệt điện than vẫn đang gia tăng. Hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than và sẽ tăng lên 52 nhà máy vào năm 2030 với tổng số lượng than cần nhập khẩu khoảng 85 triệu tấn/năm.

Riêng Vinacomin cũng lên kế hoạch nhập khẩu 1,5 triệu tấn than trong năm 2016 sau khi đã nhập khẩu khoảng 500.000 tấn trong năm 2015.

Được biết, tại khu vực Quảng Ninh, lượng than nhập khẩu thuộc Vinacomin trong 4 tháng đầu năm là khoảng 300.000 tấn.

Áp lực tồn kho

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, hết 4 tháng đầu năm, lượng than tồn kho của Vinacomin đã là xấp xỉ 10 triệu tấn. Đây được xem là con số không nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp ngành than cho biết, giá các mặt hàng năng lượng như dầu mỏ và than trên thị trường quốc tế không có dấu hiệu tăng mạnh vào những tháng tới sẽ khiến Vinacomin phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp ngành khác sẽ chủ động đi mua than ngoại về để cung cấp cho hoạt động của mình.

Theo kế hoạch, năm 2016, Vinacomin sẽ khai thác trên 38 triệu tấn than nguyên khai, trong đó có hơn 35 triệu tấn than sạch. Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc cũng vừa được Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than, trong đó riêng Vinacomin là 2 triệu tấn như đề nghị của Bộ Công thương.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, trong quá trình sản xuất và sàng tuyển sẽ có những loại than chất lượng cao mà trong nước hiện không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết, nếu đem pha trộn để tạo những chủng loại than chất lượng thấp hơn cho nhu cầu trong nước thì rất lãng phí, không sử dụng hiệu quả tài nguyên than. Trong khi đó, nếu để lâu than sẽ bị phong hóa, giảm chất lượng và giảm giá trị đi rất nhiều. Giá bán than chất lượng cao như than cục 4, 5 và than cám 1, 2, 3 cũng cao hơn gấp đôi than cám 5, cám 6 dùng cho sản xuất điện.

Thống kê của Cục Hải quan Quảng Ninh cũng cho hay, quý I/2016, mới có 30.800 tấn than được xuất khẩu qua khu vực này, với trị giá 2,2 triệu USD, giảm 94% về lượng (tương đương 515.000 tấn) và giảm 96% về trị giá (tương đương 59,6 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng than xuất khẩu giảm mạnh như trên, số thu thuế xuất khẩu mặt hàng này mới chỉ đạt 5 tỷ đồng, giảm 96% (tương đương 116 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, để gia tăng lượng than xuất khẩu trong thời gian tới, dù là than chất lượng cao - cũng đòi hỏi Vinacomin phải nỗ lực nhiều bởi giá than thị trường quốc tế đang ở mức thấp.

Đó là chưa kể tới thực tế, để có được than chất lượng cao xuất khẩu với giá tốt hơn cũng sẽ có một lượng than phẩm cấp thấp hơn được khai thác ra đồng thời. Khi đó áp lực tiêu thụ than phẩm cấp thấp, trong điều kiện than nhập khẩu có giá tốt hơn là không nhỏ, dễ dẫn tới hậu quả là tiếp tục tạo ra tồn kho lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư