Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhập viện cấp cứu vì uống thuốc Nam để sinh con trai
D.Ngân - 30/03/2021 07:05
 
Nghe theo mách bảo đi mua thuốc Nam về uống để đẻ con trai, 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng cao gấp nhiều lần mức bình thường và phải nhập viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Vũ Minh Đức, Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, xét nghiệm cho thấy cô gái có men gan cao gấp khoảng 20 lần so với bình thường.

Các cơ sở y tế liên tục ghi nhận các ca ngộ độc do thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

"Men gan của người bệnh tăng cao bất thường, khả năng cao do thuốc Nam gây ra. Men gan cao cũng cho thấy gan đã nhiễm độc, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới vàng da, vàng mắt, suy gan", bác sĩ Đức nêu.

Trước đó không lâu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận.

Được biết, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống, trong thuốc có chứa chất phenformin đã bị cấm sử dụng từ lâu. 

Các bác sĩ tại đây cho hay trung bình một tháng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Tại nhiều cơ sở y tế khác, tình trạng bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do lạm dụng thuốc Nam cũng phổ biến. Thông tin từ Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho hay, vừa qua cơ sở tiếp nhận ca bệnh nhi S. nguy kịch do cha mẹ tự ý bỏ điều trị theo phác đồ mà sử dụng thuốc Nam.

Bệnh nhi S. mắc hội chứng thận hư, sau đợt điều trị kéo dài khoảng 10 ngày tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi ổn định và được cho xuất viện

Theo phác đồ điều trị, sau khi trẻ xuất viện, các bác sỹ sẽ kê đơn thuốc uống tại nhà và yêu cầu theo dõi tái khám định kỳ. Tuy nhiên, do chủ quan, gia đình không cho trẻ uống thuốc theo phác đồ đã được hướng dẫn mà đưa bé đến thầy lang cắt thuốc nam về uống.

Sau uống thuốc, tình trạng bệnh của trẻ chuyển biến xấu, gia đình mới đưa bé đến Bệnh viện. Lúc vào, trẻ khó thở nhiều, bụng chướng to và phù toàn thân kèm theo tình trạng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim rất nặng nề.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ mắc bệnh thận nặng nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bỏ điều trị để sử dụng thuốc Nam.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiên, Khoa Thận, lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, cháu N.V.T (12 tuổi, Sóc sơn, Hà Nội) đã sống chung với căn bệnh thận hư từ năm lên 7 tuổi.

Khi được các bác sĩ điều trị, cháu bé đáp ứng thuốc rất tốt. Tuy nhiên, gần đây, bố mẹ cháu nghe người hàng xóm mách mua thuốc nam ở Thái Bình uống là chữa được bệnh.Trẻ uống thuốc khoảng 1 tuần thì tình trạng phù tăng lên nhanh chóng, cháu mệt mỏi.

Gia đình đưa con vào trong tình trạng rất nặng. Hiện bệnh nhân phải lọc máu do suy thận kèm tình trạng phù nặng không đáp ứng điều trị kèm theo nhiễm trùng (viêm mô tế bào, viêm phúc mạc) do biến chứng của hội chứng thận hư.

Cũng giống trường hợp của bệnh nhân T., bệnh nhi N.N.Q (15 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) được chẩn đoán suy thận mạn từ tháng 4/2020. Cháu được chỉ định điều trị thận thay thế bằng lọc máu hoặc lọc màng bụng.

Tuy nhiên, gia đình đã bỏ điều trị cho trẻ, uống thuốc Nam. 2 tuần sau trẻ vào viện trong tình trạng rối loạn điện giải nặng (Kali máu 7,2 mmol/l), thiếu áu nặng, khó thở, nhịp tim chậm. Rất may, sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tích cực, hiện tình trạng của trẻ đã ổn định hơn.

Không may mắn như trường hợp cháu Q., bệnh nhi K.T.B.N (5 tuổi, ở Hải Phòng) đã được chẩn đoán HCTH kháng thuốc từ lúc 2 tuổi. 3 năm chiến đấu với bệnh thận là số lần ra vào viện liên tục do bệnh tái phát.

Sốt ruột trước tình trạng của con, gia đình nghe người quen mách cho trẻ dùng thuốc Nam. Việc gia đình tự ý điều trị cho trẻ dẫn dến tình trạng suy thận của trẻ tiến triển nặng. Hiện cháu đã phải lọc màng bụng do bệnh suy thận đã tiến triển tới giai đoạn cuối.

Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương và cho rằng thuốc Nam lành tính, không bổ ngang thì cũng bổ dọc, nhiều người đã bất chấp mua về uống. Không những thế, dư luận thường gắn mác và đồn thổi về những "thần y", "thần dược" khiến người dân dễ dàng tin theo, phó thác sức khoẻ và tính mạng cho những "lang băm".

Theo bác sĩ Đức, việc sử dụng thuốc Nam trong điều trị bệnh được cha ông ta áp dụng từ xa xưa và hiện những bài thuốc Nam được cấp phép từ những cơ sở uy tín vẫn có tác dụng tốt cho việc điều trị bệnh.

Tuy nhiên, nếu người dân sử dụng thuốc Nam "trôi nổi" rất nguy hiểm do không rõ thành phần, nguồn gốc, xuất xứ. Khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và qua thận. Nếu có những thành phần độc hại, thuốc sẽ làm tổn thương gan, thận, có thể gây suy gan, suy thận, có thể tử vong.

Bình Dương: Ngộ độc thực phẩm làm 6 người nhập viện, 1 người tử vong
Cơ quan chức năng của Bình Dương đã lấy 16 mẫu chả và pate chay để kiểm nghiệm liên quan tới vụ ngộ độc sau bữa ăn chay tại miếu Chiêu Liêu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư