Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 11 năm 2024,
Nhiều kế hoạch hút vốn ngoại được đẩy mạnh trong năm 2025
Thùy Vinh - 29/11/2024 09:58
 
Mua bán, sáp nhập (M&A) lĩnh vực tài chính, ngân hàng hứa hẹn còn sôi động trong thời gian tới khi nhiều nhà băng có chủ trương hút thêm vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính.

Nhiều kế hoạch hút vốn ngoại

Lãnh đạo cấp cao Techcombank cho biết, hiện room ngoại của ngân hàng này là khoảng 22%. Tỷ lệ này cho phép Techcombank phát hành 10% cho cổ đông chiến lược và Ngân hàng cũng đang xem xét việc này. Thông thường, phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, mang lại lợi ích chung cho các cổ đông. Techcombank đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn, sẽ gặp được đối tác ngoại phù hợp.

HDBank đã có sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và Ngân hàng tìm được những đối tác phù hợp. HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Nhiều ngân hàng khác cũng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức rất thấp, thậm chí vẫn còn nguyên room ngoại như NCB, Eximbank, SHB, LienVietPostBank, SeABank, VietCapital Bank, Nam A Bank, SaigonBank.

Đối với Eximbank, sau khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thoái sạch vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này tính đến đến nay chưa tới 10% vốn điều lệ và Eximbank chưa có kế hoạch bán vốn ngoại. Còn Sacombank cho biết, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu, Ngân hàng dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.

Nam A Bank cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác nước ngoài để tìm nhà đầu tư chiến lược phù hợp. Ngân hàng này sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Trong khi đó, HĐQT Vietcombank quyết định tạm hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 6,5%, dự kiến trị giá khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025. Tương tự, BIDV quyết định hoãn kế hoạch phát hành thêm 9% vốn điều lệ sang năm 2025. LPBank đã hủy kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại.

Kỳ vọng được nới room

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ, room ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng có thể sẽ được nới lên 49%, thay vì 30% như hiện tại. Điều này đồng nghĩa, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém gồm Vietcombank, MBBank, HDBank và VPBank có thể được nới room ngoại lên 49% vốn điều lệ.

Để xử lý khoản lỗ lũy kế của ngân hàng yếu kém, lãnh đạo MB cho biết, biện pháp quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn. Nếu tái cơ cấu không thành công, ngân hàng nhận chuyển giao không thể trả lại ngân hàng yếu kém cho Nhà nước, nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.

Theo Vietcombank, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý ngân hàng chuyển giao bắt buộc, nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách, như chuyển sang ngân hàng số. Còn nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng yếu kém có thể sáp nhập vào ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc…

Tuy nhiên, Quyết định 22/QĐ-CP năm 2021 yêu cầu Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng thương mại quốc doanh trong giai đoạn 2021-2025. Còn theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam, không áp dụng với các ngân hàng có vốn nhà nước.

M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn “dậy sóng” với chủ trương đẩy mạnh xử lý ngân hàng yếu kém. Không chỉ đẩy mạnh chuyển giao các ngân hàng yếu kém và xử lý DongA Bank, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án xử lý SCB trong tháng 12/2024; trình phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt.

Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, chính sách tiền tệ, tài khóa thời gian qua đã được điều hành hiệu quả, hợp lý, xử lý được 2 ngân hàng yếu kém và chuẩn bị xử lý tiếp ngân hàng yếu kém, nhằm ổn định hệ thống và phục hồi nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có 4 nhà băng được đưa vào diện bắt buộc mua lại yếu kém là CBBank, OceanBank, GPBank, DongA Bank.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM), việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng tăng thêm nguồn lực tài chính, mà còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay đối với nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư