Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Nhiều người trẻ mắc rối loạn tiền đình
D.Ngân - 04/09/2024 20:22
 
Các bác sĩ đã tiếp nhận người bệnh mắc rối loạn tiền đình ở lứa tuổi trên 20, trong khi đó đây là bệnh hay xảy ra ở người trên 40 tuổi.

Chị B.C.M. (29 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) mỗi khi lên cơn chóng mặt, hoa mắt, chị nằm một chỗ, không thể đi lại, không thể tự ăn uống. Chị thấy mọi thứ xoay vòng, như sụp đổ, buồn nôn. Mỗi lần cơn chóng mặt bùng phát, cuộc sống của chị đảo lộn.

Bệnh rối loạn tiền đình đang có dấu hiệu trẻ hóa (ảnh minh họa)

Chị nghỉ làm, chồng chị cũng ở nhà chăm sóc chị. Chị thường xuyên thức khuya đến 2-3 giờ sáng để giải quyết công việc tồn đọng ở công ty, chị nhận thêm nhiều công việc khác, ngồi trước máy tính 14-15 giờ/ngày, không vận động. Công việc áp lực, stress, chị thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu.

Cách đây 3 năm, chị được chẩn đoán rối loạn tiền đình ở một bệnh viện khác. 3 năm qua, chị sống chung với bệnh, điều trị theo toa thuốc bác sĩ nhưng bệnh hay tái phát. Chị ám ảnh mỗi khi nghĩ đến phải sống chung với bệnh cả đời.

Còn chị T.L.T. (27 tuổi, quận Tân Bình) cấp cứu tại bệnh viện vì hoa mắt, chóng mặt, nôn ói khi đang làm việc, được chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Với vị trí trưởng phòng, chị T. làm việc liên tục hơn 10 tiếng/ngày, không có ngày cuối tuần, ngủ mỗi ngày chỉ 3-4 giờ. Nhiều lần chị T. kiệt sức, chóng mặt phải nhập viện.

Sau khi khám, đo chức năng tiền đình bằng hệ thống máy Interacoustics công nghệ ảnh động nhãn đồ VNG ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, thạc sỹ bác sỹ CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chẩn đoán cả chị M. và chị T. đều bị rối loạn tiền đình dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) hay còn gọi là thạch nhĩ lạc chỗ, một dạng rối loạn tiền đình ngoại biên.

Cũng theo bác sỹ Hằng cho biết mỗi tháng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận hơn 100 người trẻ dưới 40 tuổi bị rối loạn tiền đình, chiếm 13,8% tổng số bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) do thạch nhĩ (sỏi tai) lạc chỗ, đặc biệt nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu do hoa mắt, chóng mặt, nôn ói. Trong khi bệnh này thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên, theo Thư viện Y khoa Mỹ.

Trong quá trình khám, bác sỹ Hằng chia sẻ sở dĩ nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình do chế độ sinh hoạt chưa khoa học, lành mạnh như lịch làm việc dày đặc, phải làm việc liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi; công việc quá áp lực; thường xuyên stress, căng thẳng; ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính; không vận động; thiếu ngủ…

Khi căng thẳng, stress, cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol tác động tiêu cực đến việc truyền thông tin từ hệ thống tiền đình đến não, khiến hệ thống tiền đình nhận thông tin không chính xác, dẫn đến rối loạn.

Khi ngồi trước máy tính nhiều giờ liền, không vận động ảnh hưởng đến lưu thông máu đến não, có thể gây rối loạn tiền đình trung ương. Căng thẳng không trực tiếp gây chóng mặt nhưng góp phần gây rối loạn chức năng phần tai trong kiểm soát sự cân bằng (hệ thống tiền đình).

Điều này cũng được nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận, khoảng 5% người Mỹ trưởng thành bị chóng mặt khi căng thẳng, lo âu. Theo Healthline, một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng, người rối loạn lo âu có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) cao gấp 2,17 lần. Thư viện Y khoa Mỹ ghi nhận trầm cảm là một trong những yếu tố nguy cơ gây rối loạn tiền đình.

Máy đo chức năng tiền đình công nghệ ảnh động nhãn đồ, ứng dụng AI hỗ trợ bác sỹ trong chẩn đoán và điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bác sỹ Hằng cho biết tỷ lệ hồi phục khi điều trị người trẻ rối loạn tiền đình thường cao hơn so với người lớn tuổi nếu chẩn đoán chính xác sớm và điều trị đúng cách. Các tế bào và mô trong cơ thể người trẻ hoạt động hiệu quả hơn trong việc phục hồi tổn thương. Đồng thời, người trẻ cũng không mắc các bệnh nền vốn làm phức tạp thêm quá trình điều trị và hồi phục như tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh về tim mạch.

Như trường hợp chị M. và chị T., chỉ sau 2 tuần điều trị, thực hiện các bài tập nhằm tái định vị sỏi tai với sự hướng dẫn của bác sỹ và sự hỗ trợ của máy phục hồi chức năng tiền đình công nghệ ảnh động nhãn đồ ứng dụng AI, được kê đơn thuốc chống nôn ói, kiểm soát căng thẳng lo âu… đã hồi phục hơn 90%.

Rối loạn tiền đình là một chuỗi phức tạp những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết với hệ thống tai trong, hệ thống dẫn truyền từ tai trong vào não, hệ thống não phản xạ…

Rối loạn tiền đình gồm 2 dạng: rối loạn tiền đình ngoại biên (chiếm khoảng 90%) và rối loạn tiền đình trung ương. Nếu rối loạn tiền đình trung ương thường gặp nhất do bệnh Migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác thì rối loạn tiền đình ngoại biên thường do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp, rối loạn chuyển hóa bao gồm: suy giáp, tiểu đường, tăng urê…

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bên cạnh việc ứng dụng AI trong chẩn đoán, điều trị rối loạn tiền đình còn có phối hợp đa chuyên khoa giữa bác sỹ tai mũi họng và bác sỹ thần kinh.

Từ đó, các bác sỹ có phương pháp điều trị đúng hướng, tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Số người điều trị khỏi bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên đến 70%, trong đó riêng bệnh rối loạn tiền đình dạng chóng mặt kịch phát tư thế lành tính BPPV đạt hiệu quả điều trị đến 99% chỉ sau 2 tuần.

Do đó, khi người bệnh thấy triệu chứng chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình, cần đi khám sớm, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và đối diện nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn.

“Rối loạn tiền đình trung ương nguy hiểm hơn, để lại biến chứng lâu dài, nguy cơ đột quỵ, tai biến nếu không điều trị kịp thời”, bác sĩ Hằng nói.

Tin mới y tế 3/2: Nỗi lo rối loạn tiền đình dịp Tết
Tăng ca cuối năm, dọn dẹp nhà cửa với cường độ cao hay tất bật ra đường sắm sửa cho Tết… khiến chị Mai, 45 tuổi, thường xuyên chóng mặt,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư