Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhiều ông chủ ngành dược đau đầu với vấn nạn hàng lậu, hàng kém chất lượng
D.Ngân - 23/05/2022 17:55
 
Nhiều loại dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo xách tay mà không được kiểm chứng về chất lượng đang là bài toán khó cho các ông chủ ngành này.

Nhiều nguy cơ 

Tại Hội thảo "Chuyển dịch Maketing dược: Biến nguy thành cơ" do Học viện M&P và Công ty Tư vấn chiến lược Pharmaco tổ chức vừa qua nhiều doanh nghiệp đã nêu lên áp lực khi phải đấu tranh với vấn nạn hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Các ông chủ ngành Dược phẩm, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang gặp nhiều khó khăn do vấn nạn hàng lậu gây ra.

CEO Natures Way tại Việt Nam Nguyễn Trung Dũng cho rằng, khái niệm hàng xách tay ở lĩnh vực dược phẩm mà nhiều người đang dùng nhằm quảng cáo cho các sản phẩm nhập khẩu là không đúng, đó phải gọi là hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Sở dĩ như vậy là do hàng xách tay mục đích là chỉ để mua và sử dụng cho cá nhân mỗi người, cho, tặng, không được nhằm mục đích kinh doanh, thương mại. Muốn đưa sản phẩm ra thị trường các sản phẩm đó phải bảo đảm các yêu cầu do cơ quan quản lý đặt ra về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cũng như phải nộp thuế. 

“Tất cả các hàng xách tay hiện nay được chào bán trên thị trường đều không đáp ứng được các yêu cầu này nên chúng ta không thừa nhận đó là hàng hóa đảm bảo chất lượng”, CEO Natures Way tại Việt Nam nêu.

Nhưng theo ông Nguyễn Trung Dũng, hàng xách tay lại đang bành trướng và thu hút lượng người dùng lớn bằng cạnh tranh về giá bởi họ không phải thực hiện việc nộp thuế cũng bỏ ra các chi phí nhập khẩu khác khiến các doanh nghiệp nhập khẩu, làm ăn chính quy đối diện với rất nhiều khó khăn.

Về phía doanh nghiệp, để nhập khẩu được các sản phẩm chất lượng phía đối tác thường yêu cầu các giá trị tối thiểu cho một đơn hàng. Ngoài ra là hàng loạt vấn đề tiếp theo về thủ tục nhập khẩu. Nếu kéo dài thủ tục mà không đưa được sản phẩm ra thị trường thì doanh nghiệp lại phải đối diện với nỗi lo sản phẩm cận date. 

“Có trường hợp sản phẩm khi nhập về Việt Nam chỉ còn hạn vài tháng liền bị các nhà thuốc từ chối sử dụng, khi ấy thì doanh nghiệp chỉ còn nước khóc ròng”, CEO Nguyễn Trung Dũng nêu.

Ngoài ra, khủng hoảng niềm tin đang là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp dược Việt Nam đang đối diện. Thực tế này nếu không được các doanh nghiệp khắc phục thời gian tới, có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, thậm chí là rơi vào tình trạng phá sản, ngừng hoạt động.

Bà Lê Phương Dung, Giám đốc điều hành Pharmaco Agency cho hay, ngành Dược đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khủng hoảng khác nhau như khủng hoảng kênh phân phối, khủng hoảng nhân sự, khủng hoảng truyền thông.

Chuyên gia này cho hay, nhiều doanh nghiệp không có tầm nhìn chiến lược đã cho ra đời ồ ạt các sản phẩm theo trend, tăng trưởng nhanh nhưng suy thoái nhanh, vòng đời thậm chí chỉ tính theo tháng.

Theo đó, nếu như trước kia, chỉ những nhà máy lớn mới đưa ra thị trường được sản phẩm tốt, do có những phòng nghiên cứu lớn, nhưng nay trên Facebook, mạng xã hội giới thiệu những sản phẩm mới nhiều và nhanh, không thể hiện được giá trị cốt lõi về hiệu quả, dẫn đến người tiêu dùng mất niềm tin và quay lưng lại với nhiều sản phẩm, kể cả những sản phẩm đã được khẳng định. Người tiêu dùng cũng không tin các mẫu quảng cáo của ngành dược.

Bên cạnh đó, ngành dược cũng rơi vào khủng hoảng trong kênh phân phối khi chậm thay đổi theo xu hướng chuyển đổi số. Cụ thể, hiện nay người tiêu dùng dần chuyển đổi hành vi mua thuốc online thay vì tại điểm bán khiến cho nhiều cơ sở chưa kịp thích ứng.

Chưa kể, sự phát triển của chuỗi nhà thuốc lớn, và các sàn thương mại điện tử đã khiến cho các nhà thuốc truyền thống cũng bị tụt giảm doanh số, kéo theo sự suy giảm của cả các doanh nghiệp chỉ phân phối đơn kênh.

Vấn đề tiếp theo mà nhiều doanh nghiệp đối diện, theo bà Lê Phương Dung, đó là khủng hoảng nhân sự. Đây là một vấn đề lớn, đã tồn tại nhiều năm trong ngành dược, khi số lượng dược sỹ ra trường ngày càng tăng, thất nghiệp nhiều, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao thì vẫn luôn khan hiếm.

Hiện nhiều doanh nghiệp dược đang phải để trống nhiều vị trí chủ chốt như giám đốc marketing, giám đốc kinh doanh, quản lý nhãn hàng.

Chưa kể, tình trạng trình dược viên làm nhiều việc, nhảy việc liên tục, khó tối ưu năng suất làm việc của đội sales, cũng là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp dược phẩm.

Đặc biệt, hiện nay khi Facebook, Google đang siết chặt mẫu quảng cáo khiến cho cho nhiều doanh nghiệp dược phẩm rơi vào thế bế tắc vì chi phí tăng cao, không biết tháo gỡ khó khăn từ đâu để tìm lại đà tăng trưởng.

Lấy làm thật là tiêu chí hàng đầu

Để lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng trong nước theo CEO Nguyễn Trung Dũng, thị trường ngành Dược ở thời điểm hiện tại cung lớn hơn cầu nên việc cạnh tranh rất khốc liệt, doanh nghiệp muốn tồn tại phải lấy yếu tố chất lượng thật, làm thật lên hàng đầu.

Ý kiến của ông Đặng Quốc Hưng, CEO Livespo thì để vượt qua cuộc khủng hoảng niềm tin, phát triển bền vững các doanh nghiệp dược phải tìm cách chuyển dịch mô hình, tìm kiếm những giải pháp để vượt qua các vấn đề khủng hoảng mà mỗi công ty đang phải đối mặt.

Các CEO tham dự Hội thảo "Chuyển dịch Maketing dược: Biến nguy thành cơ" đang giải đáp các vấn đề liên quan công tác Marketing dược.

Đó có thể là chuyển dịch trong chiến lược R&D sản phẩm, hay việc đầu tư công nghệ, phần mềm để quản trị hiệu quả đội ngũ trình dược viện và gia tăng kết nối trực tiếp với hệ thống nhà thuốc, giảm chi phí phân phối trung gian. Hoặc đa dạng kênh truyền thông, sử dụng content sáng tạo để tối ưu chi phí quảng cáo và tạo sự khác biệt, tăng tiếp cận với người tiêu dùng.

Còn bà Lê Phương Dung thì cho rằng, để phát triển bền vững, vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư R&D và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bài bản, có chuyên môn sâu rộng.

Cụ thể, các doanh nghiệp dược cần nghiên cứu và phát triển cho đối tác những sản phẩm tác động lên một bệnh cụ thể, tạo ra sự khác biệt của sản phẩm bằng cách giải quyết được các vấn đề cho khách hàng mà những sản phẩm khác không làm được.

“Đồng thời các doanh nghiệp dược phải tạo được niềm tin khách hàng từ chính các sản phẩm có nguồn gốc thực tế, rõ ràng và giàu tính nhân văn. Đặc biệt, cần hợp tác, tạo dựng một hệ sinh thái nhân sự sâu rộng về nghiên cứu, sản xuất, marketing, phân phối trong ngành Dược. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dược tăng trưởng bền vững, không còn lo lắng khủng hoảng”, bà Lê Phương Dung nêu quan điểm.

Đưa ra giải pháp về marketing, bà Dung cho rằng, để giúp ngành dược tăng trưởng mạnh, không lo phải đối mặt với khủng hoảng, cần bắt kịp xu hướng truyền thông mới, đồng thời có cái nhìn rộng mở hơn. "Marketing dược không nên chỉ làm theo lối mòn, mà đánh mất cơ hội tăng trưởng, nhất là trong xã hội thay đổi nhanh như hiện tại”, CEO Lê Phương Dung nêu.

Ở một góc nhìn khác, ông Huân Võ, CEO của Stella Kinetics, Optimax cho hay, để phù hợp hơn với xu hướng chuyển dịch kinh tế hiện tại và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp nên kiên trì xây dựng hệ thống phân phối, chuyển dịch quyền lực từ người bán sang người mua, dành ngân sách cho định hướng, nghiên cứu phát triển sản phẩm (quan tâm về chất lượng nhiều hơn là số lượng).

Đồng thời các doanh nghiệp nên có những chiến lược bài bản để thay đổi tư duy, cái nhìn của người dùng về chất lượng và lợi ích thật sự khi sử dụng sản phẩm. Xây dựng hệ thống phân phối chuẩn mực, áp dụng số hóa trong quản trị (DMS).

Hợp tác đưa ra thị trường các sản phẩm Đông dược chất lượng
Việc bắt tay hợp tác giữa nhà khoa học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp từ lâu đã trở thành động lực cho sự phát triển, đưa ra thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư