Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
NHNN công bố đường dây nóng, ATM hết tiền sẽ bị phạt
Thùy Liên - 31/12/2014 14:46
 
NHNN vừa giải đáp hàng loạt thắc mắc về xử phạt tình trạng ATM hết tiền. Cơ quan này cũng khẳng định có thể xác định được ATM không nhả tiền là do hết tiền hay bị lỗi để làm căn cứ xử phạt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
ATM hết tiền, hãy gọi đường dây nóng
Ngân hàng bị phạt nếu để ATM hết tiền
“Mưa phí” ngân hàng bủa vây khách hàng
Chưa Tết, nhiều ATM đã trục trặc
Chưa Tết, nhiều ATM đã trục trặc

Hàng loạt ATM "chết"

Từ ngày 12/12 vừa qua, Nghị định 96/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, từ ngày 12/12 đến nay, tình trạng ATM hết tiền vẫn tiếp tục diễn ra.

Cụ thể, theo phản ánh của khách hàng Nguyễn Mạnh Hùng, ngày 23/12 vừa qua, hai cây ATM của Agribank tại khu vực Gia Lâm không thể rút được tiền và khách hàng cũng không nhận được thông báo nào.

Chị Nguyễn Thị Vân, khàng hàng của Vietcombank cũng cho hay, ngày 28/12 mới đây, cây ATM cuối đường Bà Triệu (Hà Nội) cũng bị "chết", khách hàng phải xếp hàng dài rút tiền tại hai cây ATM còn lại.

Tại nhiều địa phương khác, tình trạng ATM trục trặc, hết tiền, nghẽn mạng hay tạm thời đóng cửa cũng diễn ra rất nhiều khiến người dân rất bức xúc. Nhiều chủ thẻ băn khoăn không biết báo tình trạng ATM hết tiền cho ai, ngân hàng có bị phạt không, số điện thoại đường dây nóng là bao nhiêu, người dân không báo thì NHNN có biết mà xử phạt hay không?... Trước những thắc mắc này, NHNN đã có những giải đáp cụ thể.

Hết tiền 4 tiếng sẽ bị phạt

Theo Điều 28 Nghị định 96, trong trường hợp ngân hàng “không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định” sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10-15 triệu đồng.

NHNN khẳng định, việc xử phạt sẽ được áp dụng nếu ngân hàng để ATM hết tiền quá 04 giờ làm việc (đối với ATM nằm trong nội đô, thị xã, trung tâm huyện) hoặc quá 08 giờ làm việc (đối với ATM ở xa trung tâm) và 01 ngày nếu ngoài giờ làm việc (Theo Thông tư 36/2012/TT-NHNN). Trường hợp các ngân hàng không tuân thủ đúng quy định về thời hạn tiếp quỹ nêu trên thì sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng.

Trong trương fhợp cá nhân, tổ chức phát hiện vi phạm không thông báo, NHNN vẫn có thể phát hiện vi phạm thông qua việc quản lý, giám sát hoạt động ATM theo quy định tại Thông tư 36 và xử phạt đối với ngân hàng vi phạm.

Tuy nhiên, để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm đối với hoạt động ATM, đề nghị cá nhân, tổ chức khi phát hiện vi phạm kịp thời phản ánh về NHNN, như vậy, qua đó góp phần vào việc giám sát để chất lượng dịch vụ ATM tốt hơn.

Đổ thừa lỗi mạng, NHNN sẽ truy ra ATM hết tiền

Theo quy định của Nghị định 96, ngân hàng chỉ bị phạt khi để ATM hết tiền mà không tiếp quỹ kịp thời. Tuy nhiên, khi ATM hết tiền, các máy ATM thường chỉ báo lỗi. Các chủ thẻ băn khoăn, làm thế nào để xác định ATM hết tiền hay bị lỗi.

Về vấn đề này, NHNN khẳng định, các ngân hàng sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, giám sát ATM từ xa để kiểm tra tình trạng hoạt động của ATM, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh (cảnh báo mức tiền tối thiểu để tiếp quỹ, cảnh báo ATM ngừng hoạt động…), nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM cũng như thực hiện tốt quy định pháp luật hiện hành.

Do đó, nếu khách hàng khiếu nại, phản ánh tới NHNN, NHNN có thể xác định ATM hết tiền hay bị lỗi thông qua kiểm tra nhật ký hoạt động của máy. Hiện nay, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đã thành lập bộ phận thường xuyên giám sát tình hình hoạt động ATM trên địa bàn, nếu phát hiện ngân hàng nào sai phạm thì NHNN sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

ATM là thiết bị công nghệ nên việc trục trặc, sự cố là khó tránh khỏi, tuy nhiên các trục trặc, sự cố này phải được ngân hàng xử lý kịp thời. Bên cạnh hệ thống giám sát ATM từ xa, các ngân hàng còn bố trí lực lượng trực để khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động trong thời gian nhanh nhất có thể, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, ổn định.

Không phải để ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ sẽ bị phạt

Theo Điều 28 Nghị định 96, ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ mà không báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng thì bị phạt.

Ngược lại, nếu ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ nhưng đã báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và đã thông báo rộng rãi cho khách hàng thì không bị xử phạt..

Xử phạt có quá thấp? 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt các ngân hàng để xảy ra tình trạng ATM hết tiền chỉ 10-15 triệu đồng là quá thấp. Dù vậy, NHNN cho rằng, việc xử phạt ít hay nhiều không quan trọng bằng việc "đánh" vào uy tín các ngân hàng.

Cụ thể, theo NHNN, việc nâng cao chất lượng dịch vụ ATM là nhiệm vụ thường xuyên, là mục tiêu phấn đấu của các ngân hàng, bởi chất lượng dịch vụ có tốt thì ngân hàng mới thu hút và duy trì được khách hàng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các ngân hàng luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Để tăng cường trách nhiệm của ngân hàng cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng, ngày 28/12/2012, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 36 và chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm các quy định tại Thông tư này được cụ thể hóa tại Nghị định 96, qua đó các ngân hàng chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của hệ thống ATM.

Các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM đã được NHNN và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm trên cơ sở xem xét tổng thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc ngân hàng bị xử phạt sẽ có ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngân hàng, vì vậy, các ngân hàng phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt khách hàng.

Đường dây nóng là bao nhiêu?

Theo quy định tại Thông tư 36, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Vì vậy, NHNN khuyến cáo, khách hàng nếu phát hiện vi phạm có thể phản ánh về các đơn vị nêu trên theo số điện thoại đường dây nóng đăng tải tại ô “Đường dây nóng” trên trang thông tin điện tử của NHNN: www.sbv.gov.vn.

Box: số điện thoại đường dây nóng tại NHNN

1. Tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Văn phòng NHNN:

+ Số cố định: (043) 8.266.344

+ Số di động: 0974899702

+ Số Fax: (043) 8.241.534

+ Email: [email protected]

- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:

+ Số cố định: (04) 3936.1017

+ Số di động: 0983.163750

+ Email: [email protected] 2.

-Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội

+ Số cố định : (043) 8.253.962 / (043) 8.253.961

- Liên quan đến thủ tục hành chính và giao dịch: (043) 8.253.962.

- Liên quan đến chính sách: (043) 8.261.280/ (043) 8.256.078. - Liên quan đến ngoại hối: (043) 8.256.057.

- Liên quan đến công tác thanh tra: (043) 9.361.067.

+ Số di động: 0913.545.255 / 0912.795.886

+ Số Fax: (043) 8.258.884

+ Email: [email protected]

3. Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh

+ Số cố định: (083) 8.211.230

+ Số Fax: (083) 8.217.856

+ Email: [email protected]

Bình luận bài viết này
  • Thương 09:51 | 13-03-2018
    Cây atm hết tiền giữ thẻ lâu mới nhả ra và rất nhiều người bị!cho mình hỏi số điện thoại phản hồi tại bình dương là số nào vậy
Xem thêm trên Báo Đầu Tư