Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoạt động M&A ngân hàng còn sôi động
Vân Linh - 23/11/2024 09:25
 
Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hứa hẹn còn sôi động trong thời gian tới, nhất là khi việc xử lý các ngân hàng yếu kém đang từng bước được đẩy mạnh.

Đẩy mạnh chuyển giao

Hiện có 4 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, gồm CBBank, Ocean Bank, GPBank, DongA Bank.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc CBBank cho Vietcombank và Ocean Bank cho MB. Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CBBank và Ocean Bank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Còn GPBank và DongA Bank sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, quyền lợi của người gửi tiền sẽ được đảm bảo trước, trong và sau quá trình chuyển giao. Mục tiêu chuyển giao để đưa các ngân hàng yếu kém quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động.

Ocean Bank xuất thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Sau khi được ông Hà Văn Thắm tham gia mua lại cổ phần, nhà băng này chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị, đổi tên thành Ngân hàng Đại Dương vào năm 2007. Sau sự kiện ông Thắm bị bắt, Ocean Bank được NHNN mua lại và VietinBank hỗ trợ quản trị.

Còn CBBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Rạch Kiến, được chuyển đổi lên mô hình đô thị năm 2006 với tên gọi là Đại Tín (Trust Bank). Năm 2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Đến năm 2015, NHNN mua lại VNCB, được Vietcombank tham gia hỗ trợ, quản trị điều hành, sau đó đổi tên thành CBBank.

Để xử lý khoản lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao bắt buộc, lãnh đạo MB cho biết, biện pháp quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ của NHNN. Theo đó, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn. Bên cạnh đó, nếu tái cơ cấu không thành công, ngân hàng nhận chuyển giao không thể trả lại ngân hàng đã tiếp nhận cho Nhà nước, nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.

Còn theo Vietcombank, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Cụ thể, nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán ngân hàng chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách. Nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc cũng có thể sáp nhập vào ngân hàng nhận chuyển giao…

Sớm hoàn thiện phương án xử lý SCB

Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024. Trong đó có nội dung, NHNN khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với SCB trong tháng 12/2024; giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Đó là cơ sở để thị trường kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương vụ chuyển giao và gọi thêm vốn từ nhà đầu tư của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Thực tế, việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đang được Chính phủ và NHNN đẩy mạnh và việc này rất cần nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, ngân hàng là một ngành đặc thù và việc nhà đầu tư ngoại có sẵn sàng rót vốn còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng tốt và nét tương đồng văn hóa giữa hai doanh nghiệp và cần xem xét nới room để thu hút vốn.

Theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Đây là rào cản lớn trong thu hút vốn ngoại.

Riêng với các ngân hàng thuộc diện yếu kém, thuộc diện tái cơ cấu, Chính phủ cho phép nhà đầu tư ngoại được mua lại trên 50% cổ phần, thậm chí là 100%, song hơn 10 năm qua, không có nhà đầu tư nước ngoài nào mua lại 100% vốn các nhà băng này. Trong khi đó, theo các nhà phân tích tài chính, để tái cơ cấu thành công, các ngân hàng yếu kém phải thu hút thêm vốn ngoại.

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 năm 2024

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 năm 2024 - sự kiện thường niên uy tín về mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ được tổ chức tại Khách sạn JW Marriott Saigon (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 27/11/2024.

Với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ/A Blossoming Market”, Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024 sẽ thảo luận chuyên sâu về các cơ hội M&A đang trỗi dậy vào các lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics.

Sự kiện sẽ có các hoạt động chính sau:

Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế.

Vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2023 - 2024.

Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2024 (song ngữ Việt - Anh).
Mạnh tay sáp nhập ngân hàng để xóa sở hữu chéo
Sau thương vụ sáp nhập giữa MekongBank vào MaritimeBank (2 ngân hàng cùng dáng dấp chủ sở hữu) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư