Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
NHNN lý giải việc giữ trần lãi suất huy động
Hà Tâm - 10/05/2013 12:33
 
Báo Đầu tư ghi nhận lý giải của Ngân hàng Nhà nước về quyết định giảm thêm 1% lãi suất điều hành, giữ nguyên trần lãi suất huy động cũng như đánh giá của cơ quan này về việc tác động tới lãi suất cho vay.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến:

Với kỳ vọng lạm phát năm nay khoảng 6,5% thì trần lãi suất 7,5% như hiện nay là vẫn đảm bảo thực dương, không tạo ra sự chuyển đổi từ tiền đồng sang các kênh đầu tư khác rủi ro hơn. Vừa qua, một số tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động xuống dưới 7% nhưng chỉ áp dụng với một số kỳ hạn ngắn, không ổn định. Tuy nhiên, với những kỳ hạn tương đối thì vẫn duy trì lãi suất khoảng 7% trở lên, giúp nguồn vốn ổn định. Với quyết định hạ lãi suất điều hành, giữ nguyên trần lãi suất, tôi cho rằng, người dân gửi tiền vào ngân hàng vẫn có lợi, đồng thời cũng tạo ra nguồn vốn rẻ để các ngân hàng thương mại có thể cho vay với lãi suất thấp.

Với các khoản vay cũ, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các tổ chức tín dụng đã tích cực giảm. Tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15% chỉ còn khoảng 14% trong toàn hệ thống. Hiện các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh đã nhất trí tiếp tục đưa lãi suất các khoản vay cũ xuống khoảng 13%/năm. Tất nhiên, làm như vậy hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ sụt giảm nhưng đây là sự chia sẻ cần thiết với người vay vốn.

Nói NHNN giảm lãi suất nhỏ giọt là không đúng. Bởi giảm 1% lãi suất điều hành nghĩa là giảm 100 điểm lãi suất. Với thông lệ điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới, 100 điểm là bước điều chỉnh phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ:

Như chúng ta đã thấy, lạm phát tháng 4 tăng không đáng kể, chỉ 0,02% nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng 6,61%.

Theo đánh giá, lạm phát năm nay khoảng 6,5%. Vì vậy, trần lãi suất huy động 7.5% như hiện nay rất phù hợp với kỳ vọng lạm phát và đảm bảo được lợi ích cho người gửi tiền.

Tất nhiên, đây chỉ là trần lãi suất huy động tối đa. Các tổ chức tín dụng có thể cân nhắc hạ thấp lãi suất huy động xuống dưới mức này, tùy theo giá vốn, khả năng huy động và mục tiêu lợi nhuận, chiến lược kinh doanh của mình. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 7,5% và vẫn huy động được vốn, chứng tỏ các tổ chức tín dụng này đã chiếm được niềm tin của người dân.

Liên quan đến vấn đề bỏ trần lãi suất huy động, qua theo dõi tình hình thực tế thị trường, chúng tôi nhận thấy, trong toàn hệ thống, thanh khoản của các TCTD có dư thừa. Đây chính là lý do thời gian qua, các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần. Tuy nhiên, trên thị trường còn có những ngân hàng có thanh khoản chưa tốt. Vì vậy, nếu bỏ trần lãi suất, có thể các tổ chức tín dụng này sẽ tăng lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Điều này sẽ khiến chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay không thực hiện được.

Thời gian qua, thị trường tiền tệ đã được thiết lập lại một cách ổn định, đây là sự cố gắng lớn của NHNN. Nếu thị trường lại xáo trộn, việc thiết lập trở lại kỷ cương trật tự, ổn định lại thị trường sẽ rất khó khăn. Đồng thời, sẽ làm chậm lại quá trình tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Lãi suất không tác động nhiều đến tín dụng
Sau Vietcombank, hôm nay, BIDV cũng giảm mạnh lãi suất huy động xuống còn 6%/năm, còn Vietinbank đưa lãi suất về 7%/năm. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư