Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Nhựa Hà Nội chuyển sàn, tham vọng hút vốn lớn
Thế Hải - 07/10/2019 14:38
 
Việc niêm yết 34 triệu cổ phiếu mã NHH trên sàn HoSE, mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư và tìm nhà đầu tư chiến lược cho Nhựa Hà Nội.
Với dây chuyền hiện đại, sản phẩm của Nhựa Hà Nội đã đáp ứng được điều kiện khắt khe của khối doanh nghiệp FDI.
Với dây chuyền hiện đại, sản phẩm của Nhựa Hà Nội đã đáp ứng được điều kiện khắt khe của khối doanh nghiệp FDI.

Chuyển đổi mô hình hoạt động

Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán: NHH) là một trong những doanh nghiệp Việt sớm lọt vào chuỗi sản xuất toàn cầu, hợp tác với các tên tuổi uy tín như Toyota, Honda, Samsung, Brother, LG, Panasonic…

Thành lập năm 1972, nhưng Nhựa Hà Nội chỉ thực sự thay đổi khi trở thành công ty thành viên thuộc Tập đoàn An Phát Holdings - Tập đoàn nhựa kỹ thuật cao từ cuối năm 2018.

Với mục đích mở rộng đầu tư, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, An Phát Holdings đã có bước đi táo bạo khi đưa cổ phiếu NHH niêm yết sàn HoSE, với tổng số 34,44 triệu cổ phiếu, tương ứng số vốn điều lệ 344,4 tỷ đồng. 

Từ khi về với An Phát Holdings, bên cạnh việc tập trung tăng vốn điều lệ của công ty thành viên, APH cũng đang có kế hoạch dịch chuyển Nhựa Hà Nội trở thành Tổng công ty với 4 công ty thành viên: Công ty CP An Trung Industries, Công ty TNHH Phát triển xuất nhập khẩu và đầu tư Viexim, Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast - An Phát (VAPA) và Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC).

Khoảng thời gian này, An Phát Holdings tập trung tái cấu trúc, mở rộng đầu tư và chỉ trong 9 tháng vốn điều lệ của Nhựa Hà Nội đã được tăng lên gấp 5,3 lần. 

Trong đó, mục tiêu của An Phát Holdings là đưa An Trung Industries trở thành công ty chuyên sản xuất các sản phẩm điện - điện tử, VAPA, HPC, Viexim tập trung cho mảng linh kiện ô tô, xe máy, đẩy mạnh VMC trở thành công ty sản xuất khuôn mẫu có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Với Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast - An Phát, An Phát Holdings đã thông qua việc đặt cọc và chuyển nhượng 50% vốn điều lệ (tương đương 104 tỷ đồng), để VAPA có khả năng cung cấp bộ linh kiện nhựa cho khoảng 250.000 xe ôtô và 500.000 xe máy/năm.

Chỉ trong vòng gần 1 năm về An Phát Holdings, Nhựa Hà Nội đã liên tục mở rộng được mạng lưới khách hàng, khi thay vì chi sản xuất linh kiện nhựa cho xe máy Honda, thì từ năm nay, công ty này đã cung cấp thêm linh kiện ô tô cho Honda, trở thành đối tác uy tín của Samsung, Brother, tăng số lượng sản phẩm của Toyota, hợp tác với VinFast thành lập nhà máy linh kiện nhựa và tiếp tục duy trì hợp tác với LG, Panasonic…

Ông Đinh Xuân Cường, Tổng giám đốc An Phát Holdings cho rằng, với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng của doanh nghiệp FDI, lâu nay, ngành công nghiệp phụ trợ là cánh cửa hẹp đối với nhiều công ty Việt Nam, nhưng lần lượt, các doanh nghiệp thành viên của Nhựa Hà Nội đã trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện của đối tác lớn như Samsung, Brother…

Đo “sức khỏe” trước niêm yết

Mặc dù doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận của Nhựa Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 4 năm vừa qua. 

Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Nhựa Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng trở lại với 1.130 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 9,8% và 20% so với thực hiện 2018.

6 tháng đầu năm 2019, Nhựa Hà Nội đạt doanh thu 553 tỷ đồng, tăng 16,5%,  lợi nhuận sau thuế gần 20 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.

Ông Bùi Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Hà Nội khẳng định, lợi nhuận của Công ty tuy có giảm nhưng vẫn cao và ổn định hơn các công ty cùng ngành nghề.

“Hiện lợi nhuận gộp của Nhựa Hà Nội giảm, cũng có thể hiểu chúng tôi đang lùi một bước để tiến 2 bước cho việc M&A với An Trung Industries, góp vốn vào Liên doanh VAPA, góp vốn thành lập Công ty Khuôn mẫu Việt Nam để nâng tầm vị thế của Nhựa Hà Nội thành một tổng công ty ép phun nhựa phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Nam nói.

Quá trình này đòi hỏi phải đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư vốn, thuê đất đai, mở rộng nhà xưởng, thu hút nhân tài, đào tạo nhân sự, làm tăng chi phí trong giai đoạn này.

Ông Nam cũng khẳng định, việc đưa cổ phiếu NHH lên sàn HoSE với mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật, giúp mở rộng hoạt động công nghiệp phụ trợ và phát triển năng lực sản phẩm dao, thìa, dĩa tự hủy.

Hơn 2 năm trước, ngày 8/9/2017, Nhựa Hà Nội đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCom với mã chứng khoán NHH. Dấu mốc quan trọng của Nhựa Hà Nội sau khi lên sàn là việc APH mua cổ phần, hiện đang nắm cổ phần chi phối tại Công ty.

Trước khi chuyển sàn, APH đã chuyển nhượng 1 triệu cổ phần còn lại của An Trung Industries về Nhựa Hà Nội, hoàn tất việc chuyển 100% vốn điều lệ tại công ty con này.

An Phát Holdings trở thành nhà cung ứng cho Samsung
Theo hợp đồng ký kết, An Trung Industries sẽ chính thức cung ứng linh kiện cho Elentec bắt đầu tháng 3/2019. Các linh kiện này sẽ được sử dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư