Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Những bộ luật để lại dấu ấn trong tiến trình lập pháp
Mạnh Bôn - 02/01/2016 08:10
 
Thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến kinh tế phù hợp với thực tiễn và tiến trình hội nhập kinh tế, năm 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ luật Dân sự và Luật Thống kê đã được ban hành để kịp thời đi vào cuộc sống trong năm 2016.

Lần đầu tiên quy định cụ thể về lãi suất

Lãi suất trong quan hệ vay mượn dân sự (trừ ngân hàng, tổ chức tín dụng) là vấn đề được Quốc hội liên tục nhắc đến trong suốt nhiệm kỳ Khóa XIII. Vì quy định hiện hành, lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đã quá lỗi thời, không thể áp dụng vào cuộc sống.  

Nguyên nhân là do, lãi suất cơ bản chỉ là công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm cán cân kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nên mức lãi suất cơ bản 9%/năm được giữ nguyên từ ngày 5/11/2010 cho đến tận bây giờ, trong khi đó, lãi suất trên thị trường trong hơn 5 năm vừa qua biến động liên tục.

Hệ quả là, hàng triệu lượt giao dịch dân sự vi phạm Bộ luật Dân sự 2005 không bị xử lý, tòa án chưa tuyên được hợp động vay mượn nào đó là vô hiệu vì cho vay vượt quá 13,5%/năm (quá 150% lãi suất cơ bản), hàng trăm ngàn người dân rơi vào khó khăn khi phải vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ” mỗi khi cần tiền để giải quyết công việc đầu tư, kinh doanh, khám chữa bệnh…

Năm 2016, Quốc hội đã thành công trong xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến kinh tế phù hợp với thực tiễn và tiến trình hội nhập kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Năm 2015, Quốc hội đã thành công trong xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến kinh tế phù hợp với thực tiễn và tiến trình hội nhập kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Để xây dựng thị trường tiền tệ phi ngân hàng phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nguồn lực tài chính tham gia đầu tư, kinh doanh thông qua hoạt động cho vay, đồng thời cũng tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận được với nguồn vốn nhanh chóng, thuận tiện, đơn giản khi cần thiết, kể từ 1/7/2015, khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, lãi suất cho vay vẫn do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác).

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20%/năm, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Mức lãi suất này có thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay đổi theo tình hình thực tế trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Thay đổi về chất công tác thống kê

Chỉ là luật rất chuyên ngành, có tính chuyên môn, nghiệp vụ rất cao như Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Chứng khoán… nhưng khác với hầu hết luật chuyên ngành khác, đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến đóng góp xây dựng Luật Thống kê 2015, bởi trong trong nền kinh tế, thống kê là hoạt động vô cùng quan trọng.

Còn ở Việt Nam, hệ thống thống kê trên cả nước sau gần 70 năm lịch sử hình thành và phát triển đã cung cấp thông tin kịp thời, góp phần không nhỏ giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước... 

Luật Thống kê 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh; bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả; nâng cao áp dụng công nghệ thông tin; tiếp cận với phương thức thống kê phổ biến trên thế giới; bổ sung hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê; thể chế hóa quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương trong việc thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành… Với những sửa đổi đó, các số liệu thống kê sẽ bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; minh bạch, công khai và có tính so sánh với quốc tế.  

Nghiêm trị nhưng nhân văn

Bộ luật Hình sự sửa đổi được coi là luật của toàn dân, vì 3 luật này (bên cạnh Hiến pháp năm 2013) được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của toàn dân liên tục (15/7/2015 - 14/9/2015) bằng các hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; và các hình thức phù hợp khác.

Đã có hàng trăm ngàn ý kiến đóng góp xây dựng Bộ luật Hình sự liên quan đến việc có nên tử hình đối với tội tham ô, tham nhũng hay không. “Phe chủ chiến” cho rằng, tham ô, tham nhũng là quốc nạn đã và đang làm mất lòng tin của người dân vào chế độ, kéo lùi sự phát triển của đất nước vì thế phải duy trì án tử hình với tội tham ô, tham nhũng. Ngược lại, “phe chủ hòa” lập luận rằng, giảm dần và tiến tới loại bỏ án tử hình là xu hướng phát triển của nhân loại, đặc biệt là loại bỏ án tử hình với tội danh liên quan đến kinh tế nói chung, tội danh liên quan đến tham ô, tham nhũng nói riêng, vì vậy không nên tử hình với những người phạm tội này.

Ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi - một thiết chế luật pháp có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa… giáo dục mọi người ý thức tuân thủ theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm - đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân và thể hiện đúng quy định của Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ”.

Theo đó, tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ vẫn được xếp vào tội đặc biệt nghiêm trọng như tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy… và vẫn có thể bị tuyên với mức án cao nhất. Tuy nhiên, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài, tham nhũng, nhận hối lộ vẫn có quyền được sống nếu sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Lật tẩy gian lận thuế qua chiêu "khai bổ sung"
Một số doanh nghiệp đã lợi dụng quyền được khai bổ sung trên tờ khai hải quan hòng che đậy mục đích gian lận của mình, tuy nhiên đã bị Cục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư