Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Những "con gà đẻ trứng vàng" cho các hãng ô tô tại Việt Nam
Thành Nhạn (VnExpress) - 28/01/2019 06:24
 
Trong 2018, Vios vẫn là con át chủ bài của Toyota, bán tải Ranger gánh trọng trách bán hàng cho Ford, Honda trông chờ vào sedan hạng B City.

Khi định hướng lắp ráp, nhập khẩu định hình rõ ràng trong 2018, bất chấp ảnh hưởng của Nghị định 116 khiến thị trường có nhiều xáo trộn, sức mua vẫn duy trì ở mức cao, phản ánh mục tiêu sắm ôtô vẫn là khát khao của nhiều người Việt. Với riêng các hãng xe, sản phẩm nào bán chạy nhất, đóng góp lớn nhất về mặt doanh số?

Ranger - 35% doanh số của Ford 

Bán tải Ranger, dòng xe chủ lực của Ford tại Việt Nam. Ảnh: Đức Huy. 
Bán tải Ranger, dòng xe chủ lực của Ford tại Việt Nam. Ảnh: Đức Huy

2018 là một năm đáng quên với phân khúc bán tải nói chung và "ông vua" Ford Ranger nói riêng. Từ vị trí thứ hai trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam 2017, Ranger văng khỏi danh sách tương tự trong năm qua. 

Nghị định 116 chặn cửa xe nhập khiến Ranger, mẫu xe vốn chiếm hơn 50% doanh số bán hàng của Ford trong 2017, giảm xuống còn 35% ở 2018 nhưng vẫn là mẫu xe chủ lực của hãng này tại thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh các sản phẩm dòng sedan, hatchback như Fiesta, Focus nhạt nhòa sức hút, Ranger là điểm sáng của Ford, gánh trọng trách bán hàng nhiều nhất. 

Vios - 41% doanh số của Toyota

Toyota Vios 2018 tại Việt Nam. 
Toyota Vios 2018 tại Việt Nam. Ảnh: Đức Huy

Mối đe dọa từ Hyundai i10 hay Accent đã xảy ra trong 2018 nhưng vẫn chưa thể soán ngôi vương xe bán chạy nhất Việt Nam của Vios. 

2014-2015 chứng kiến bước chuyển giao của đàn anh Altis cho Vios về khoản bán xe chủ lực trong dải sản phẩm Toyota. Nhiều người có thể chê sự tẻ nhạt sau vô-lăng của Vios so với Honda City, trang bị nghèo nàn hơn nếu so với Hyundai Acccent nhưng tính thực dụng, vận hành vừa phải, tiết kiệm nhiên liệu và đặc biệt khả năng giữ giá, vẫn là những điểm mạnh không thể bỏ qua đối với mẫu xe này.

Nếu không phải những người chọn mua xe hạng A lần đầu, đa phần khách hàng Việt hướng đến Toyota Vios như một quyết định an toàn, vừa đủ, chuẩn bị cho lần đổi xe tiếp theo. Câu hỏi có lẽ đúng hơn với Vios là khi nào mất ngôi vị xe bán chạy nhất thị trường vào tay cái tên khác? 

Mazda3 - 41% doanh số Mazda

Mazda3 bản nâng cấp ra mắt hồi cuối 2017 tại Việt Nam. 
Mazda3 bản nâng cấp ra mắt hồi giữa 2017 tại Việt Nam. Ảnh: Đức Huy

Dưới trướng của Trường Hải, Mazda3 đang có những bước thăng tiến chắc chắn. Không những vượt gã khổng lồ một thời Toyota Altis trong phân khúc sedan hạng C, mà còn lọt top những mẫu xe bán chạy nhất thị trường trong hai năm liên tiếp 2017, 2018. 

Altis thoái trào, Honda Civic lôi cuốn nhờ tạo hình thể thao nhưng giá cao do nhập khẩu thì thiết kế hiện đại, nhiều tính năng cùng sự hậu thuẫn tốt từ chính sách giá của đơn vị phân phối giúp Mazda3 thành công. Mẫu xe này cùng CX-5 hai sản phẩm lắp ráp được ưa chuộng hàng đầu của thương hiệu Nhật tại Việt Nam.

Cerato - 40% doanh số Kia

Kia Cerato phiên bản 2019 tại một đại lý ở Hà Nội. Ảnh: NT. 
Kia Cerato phiên bản 2019 tại một đại lý ở Hà Nội. Ảnh: NT

Hatchback hạng A Kia Morning vốn là dòng xe bán chạy nhất của hãng xe Hàn Quốc tại Việt Nam nhiều năm qua, nhưng 2018 là một cuộc đổi ngôi. Mẫu xe hạng C Cerato vươn lên bán vượt Morning bằng đóng góp doanh số nhiều hơn chỉ 1%. 

Năm 2017, Cerato có lượng bán ít hơn gần hai lần so với Morning. Đến 2018, mẫu xe hạng C tăng trưởng gần 100%, vượt Morning. Mẫu xe đô thị cỡ nhỏ tăng trưởng nhẹ về lượng tiêu thụ nhưng Cerato có một năm 2018 thành công.  

Sự xuất hiện của những tân binh phân khúc A như Toyota Wigo, Suzuki Celerio khiến Kia Morning bị ảnh hưởng ít nhiều về tầm mở rộng thị phần. Trong khi tương tự Mazda3, mẫu xe cùng phân phối bởi Trường Hải, Kia Cerato ngày càng được khách hàng trẻ ưa chuộng bởi kiểu dáng thời trang, nhiều công nghệ và mức giá cạnh tranh.

Outlander - 34% doanh số Mitsubishi

Mitsubishi Outlander bản lắp ráp trong nước trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Minh Vũ. 
Mitsubishi Outlander bản lắp ráp trong nước trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Minh Vũ

Quyết định chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp Outlander của Mitsubishi từ đầu 2018 ngay lập tức cho thấy tín hiệu tích cực. Mẫu crossover cạnh tranh các đối thủ như Mazda CX-5, Honda CR-V chỉ bán chưa đến 1.000 xe trong 2017, tăng lên hơn 3.500 xe trong 2018. Con số này vượt bán tải Triton trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Mitsubishi tại Việt Nam năm vừa qua.

Outlander lắp ráp với bộ linh kiện nhập khẩu từ Nhật, giá giảm khoảng 200 triệu so với bản nhập trước đó trong khi trang bị nhiều hơn, là cơ sở giúp mẫu xe của Mitsubishi có bước tăng trưởng lớn về doanh số. Chưa thể chen chân vào cuộc đua của hai đối thủ Nhật, Outlander vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của hãng xe Nhật tại Việt Nam trong 2018.

Grand i10 - 40% doanh số Hyundai

Hyundai i10 bản lắp ráp trong nước. Ảnh: Thắng Trần
Hyundai i10 bản lắp ráp trong nước. Ảnh: Thắng Trần

Chỉ tính riêng mảng xe con của Hyundai Thành Công, mẫu xe đô thị cỡ nhỏ i10 đóng góp khoảng 40% doanh số bán ra trong 2018. Sản phẩm của hãng xe Hàn lắp ráp trong nước khi chưa công bố doanh số chi tiết (trước tháng 6/2018), vẫn được các chuyên gia dự đoán thuộc nhóm bán chạy hàng đầu thị trường.

Nhiều phiên bản kèm mức giá lựa chọn, i10 và Kia Morning gần như thâu tóm thị phần phân khúc xe hạng A tại Việt Nam. Ở 2018, i10 bán vượt Toyota Innova và đe dọa ngôi vương xe bán chạy nhất thị trường của Vios với khoảng cách kém hơn 5.120 xe.

Ngoài những thương hiệu kể trên, các hãng có thị phần nhỏ hơn như Chevrolet hiện trông cậy vào mẫu bán tải Colorado (32%), Nissan có X-Trail đạt doanh số tốt nhất, đóng góp 62% lượng bán ra. Với riêng Suzuki, hãng xe dường như "buông" mảng xe con tại Việt Nam trong 2018, mẫu xe đô thị hạng A Celerio bán nhiều nhất, chiếm 56% tổng số xe đến tay khách hàng của thương hiệu Nhật.

Hết bài giảm "sập giá", xe cũ vắng khách mùa cuối năm
Mùa cuối năm khi thị trường xe hơi vào cao điểm, song các dòng xe cũ vẫn khó bắt khách. Xe qua sử dụng vài năm giá cao, xe sử dụng nhiều năm, hiếm có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư