Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Những lĩnh vực nào của Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Thụy Sỹ
Lê Quân - 07/03/2021 07:33
 
Trong hơn chục lĩnh vực tại Việt Nam mang lại cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư Thụy Sỹ, hạ tầng và bất động sản nổi lên với sức hút lớn.
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sữa nước của Nestlé tại Hưng Yên. Ảnh: Đức Thanh

Danh mục đầu tư đa dạng

Theo đánh giá của ông Michael Isenschmid, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư và dịch vụ ủy thác IAP tại Zurich (Thụy Sỹ), tiềm năng đầu tư vào Việt Nam là rất lớn. “Việt Nam đang là điểm đến đầu tư tốt nhất, bởi quy mô nền kinh tế đã khá lớn và tăng trưởng nhanh, thậm chí nhanh nhất châu Á”, ông Michael Isenschmid nhận định.

Theo chuyên gia này, các danh mục đầu tư tại Việt Nam cũng khá đa dạng. “Nếu muốn đưa sản phẩm đến Việt Nam, thì thị trường này là một điểm đến tuyệt vời. Còn đối với các nhà đầu tư tài chính, một khi chọn Việt Nam, họ sẽ muốn rót vốn hợp tác vào khu vực nhà nước với những công ty lớn”, ông Michael Isenschmid nói.

Thế nhưng, những quy định về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tối đa 49% lại làm giảm sức hấp dẫn của thị trường. Chuyên gia này đánh giá, số lượng doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa ở Việt Nam chưa nhiều; nếu số doanh nghiệp được cổ phần hóa tăng lên, thị trường sẽ sôi động hơn.

Ở lĩnh vực đầu tư, hạ tầng và bất động sản là hai mảng bùng nổ bởi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và sự tham gia của nhiều tập đoàn/công ty lớn. Xuất khẩu, du lịch, dịch vụ công nghệ thông tin… cũng có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra, thiết bị y tế cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng khi nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ nhận thấy mặt hàng thiết bị y tế sản xuất tại Trung Quốc gần như đang chiếm thế độc tôn và cần phải hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng này.

Tuy nhiên, CEO của Quỹ đầu tư và dịch vụ ủy thác IAP cho rằng, Việt Nam cần thiết lập một hệ sinh thái đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ gia nhập thị trường Việt Nam, bên cạnh những điều kiện ưu đãi hấp dẫn.

Nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ cho rằng, những căng thẳng địa chính trị và thương mại trên thế giới gần đây đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn để tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi Việt Nam đang có những lợi thế lớn từ nền kinh tế gần 100 triệu dân, sự ổn định chính trị và mối quan hệ hợp tác với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Giữa sóng gió Covid-19, Việt Nam vẫn nổi lên như một ngôi sao sáng khi vừa kiểm soát thành công dịch bệnh, vừa đạt được tăng trưởng và thậm chí trở thành nền kinh tế hiếm hoi đạt tăng trưởng dương (2,91%) trong năm 2020.

Dư địa từ hiệp định thương mại với EFTA

Tại Tọa đàm trực tuyến “Việt Nam - Tâm điểm thị trường” do Tổ chức Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sỹ (SVBG) và Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ bang Geneva (CCIG) thực hiện tại Thụy Sỹ mới đây, ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ cũng cho rằng, hạ tầng và đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), cùng bất động sản là hai trong hơn 10 lĩnh vực có tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, ngân hàng và bảo hiểm, mua bán - sáp nhập (M&A)…

Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các tập đoàn lớn của Thụy Sỹ có thể kể như Nestlé, ABB, Novartis, Roche, Schindler... Ngoài ra, “ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thụy Sỹ coi Việt Nam là điểm đến để đầu tư và mở rộng kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Thương nhấn mạnh.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ, bà Lê Linh Lan cho rằng, cơ hội và tiềm năng này trong thời gian tới vẫn rất lớn. Việt Nam nổi lên là điểm đến hấp dẫn đón làn sóng đầu tư mới, định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Những tác động tích cực từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo lợi thế so sánh cho Việt Nam khi đón làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng từ nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và Covid-19 vẫn phức tạp.

Đại sứ Lê Linh Lan cho biết, Việt Nam và các quốc gia thành viên Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA, bao gồm Thụy Sỹ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein) đã chính thức đàm phán một hiệp định thương mại tự do kể từ năm 2012. Dư địa để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương còn rất lớn khi các bên lạc quan sớm kết thúc đàm phán và đạt được hiệp định thương mại tự do này. “Chúng tôi rất hy vọng, hiệp định này sẽ được hoàn tất trong năm nay”, bà Lê Linh Lan nói.

Còn các doanh nghiệp Thụy Sỹ kỳ vọng, việc đẩy nhanh quá trình đàm phán và sớm đạt được Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA sẽ giúp họ sớm được hưởng các quyền và lợi ích tương tự như các doanh nghiệp EU đang hưởng lợi từ EVFTA.

Thụy Sỹ đứng thứ 19/139 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và xếp thứ 6 trong số các quốc gia châu Âu, với 172 dự án đang có hiệu lực và tổng vốn đầu tư đạt khoảng hơn 2 tỷ USD tính đến cuối năm 2020. Hàng ngàn việc làm đã được tạo ra nhờ những khoản đầu tư của doanh nghiệp Thụy Sỹ, hầu hết thuộc các lĩnh vực như xây dựng, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin và dược phẩm.
Cơ hội nào cho lao động Việt Nam tại Thụy Sỹ?
Một trong những mong muốn của Việt Nam trong đàm phán FTA với Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) là mở ra triển vọng đưa lao động tay nghề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư