Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những tháng cuối năm 2016: Tập trung thanh tra chuyển giá
Mạnh Bôn - 05/07/2016 08:16
 
Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2016, ngành thuế sẽ đẩy mạnh thanh tra - kiểm tra thuế, trong đó chú trọng thanh tra chuyên đề chuyển giá.

Trong mấy năm trở lại đây, ngành thuế tập trung thanh tra - kiểm tra hoạt động giao dịch liên kết để chống chuyển giá. Vậy kết quả thế nào, thưa ông?

Năm 2011, qua thanh tra - kiểm tra 921 doanh nghiệp giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế đã điều chỉnh giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng; năm 2012, thanh tra - kiểm tra 2.027 doanh nghiệp, điều chỉnh giảm lỗ 3.703,6 tỷ đồng, truy thu và phạt 683,5 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 202 tỷ đồng; năm 2013, thanh tra - kiểm tra 2.110 doanh nghiệp, điều chỉnh giảm lỗ 4.192 tỷ đồng, truy truy thu, truy hoàn và phạt vi phạm hành chính 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ 137 tỷ đồng.

.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính)

Tiếp đà này, năm 2014, cơ quan thuế đã tập trung thanh tra - kiểm tra 2.866 doanh nghiệp giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá; điều chỉnh giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt vi phạm hành chính gần 1.701 tỷ đồng.

Còn năm 2015, số doanh nghiệp giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá được cơ quan thuế thanh tra - kiểm tra là 4.751 đơn vị, số tiền điều chỉnh giảm lỗ là trên 10.050 tỷ đồng; số tiền truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.063 tỷ đồng và giảm khấu trừ gần 303 tỷ đồng.

Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh thanh tra - kiểm tra chống chuyển giá. Thưa ông, điều này có thể hiểu, công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn?

Thực tế, công tác thanh tra - kiểm tra chống chuyển giá mới được thực sự quan tâm, đẩy mạnh kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp và còn khá mới mẻ, nên ngành thuế chưa có nhiều kinh nghiệm.

Thời gian qua, ngành thuế đã có nhiều nỗ lực nhằm chống chuyển giá có hiệu quả.

Thứ nhất, ngành thuế đã chủ động nhờ và nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), các chuyên gia tài chính của nhiều tổ chức quốc tế. Cơ quan thuế liên tục đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức về kế toán, tài chính, thuế, giá cho cán bộ thanh tra thuế nói chung, chống chuyển giá nói riêng.

Thứ hai, tháng 9/2015, cơ quan thuế đã thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Thứ ba, tháng 3/2016, Tổng cục Thuế thành lập Ban Quản lý rủi ro, với chức năng là thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro trong các khâu quản lý thuế; phân loại rủi ro trong việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân nộp thuế; nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro…

Thứ tư, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép nghiên cứu dữ liệu của các cơ quan tư vấn, các đơn vị chào bán dữ liệu về giá để khai thác.

Mấu chốt chống chuyển giá thành công là phải có hệ thống dữ liệu về giá và doanh nghiệp. Muốn có được dữ liệu thì phải bỏ tiền mua và đầu tư duy trì hệ thống dữ liệu, thưa ông?

Muốn chống chuyển giá thành công, cơ quan thuế bắt buộc phải có hệ thống dữ liệu để chứng minh giá giao dịch của doanh nghiệp, chi phí của doanh nghiệp không theo giá thị trường. Để có hệ thống dữ liệu này, bên cạnh việc cập nhật thường xuyên, liên tục sự biến đổi về giá, thì cơ quan thuế phải bỏ tiền ra mua dữ liệu. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến chi ngân sách nhà nước, nên chưa thể thực hiện ngay được.

Trong lúc chưa có tiền mua dữ liệu, một mặt, chúng tôi liên tục cập nhật, tích lũy dữ liệu, tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu hiện có; mặt khác, dựa vào dữ liệu, thông tin do các công ty kiểm toán, các đối tác cung cấp.

Ông có cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả chống chuyển giá chưa đạt kỳ vọng là do văn bản quy phạm pháp luật về chống chuyển giá chưa cao?

Văn bản pháp lý cao nhất hiện nay trong chống chuyển giá là Thông tư 66/2010/TT-BTC. Qua 6 năm thực hiện, về cơ bản, các quy định trong Thông tư 66/2010/TT-BTC vẫn đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, do hiệu lực của văn bản này chỉ ở cấp độ thông tư, nên có nhiều trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện chống chuyển giá.

Tôi cho rằng, về lâu dài, cần phải có Luật Chống chuyển giá như nhiều nước đã có. Còn trước mắt, chúng tôi đã báo cáo và được Bộ Tài chính đồng ý xây dựng nghị định xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết. Hiện Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nghiên cứu và bắt tay xây dựng dự thảo nghị định.

Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ được giữ lại một phần tiền từ kết quả kiểm toán, thanh tra, nhờ đó công tác thanh tra - kiểm toán đạt hiệu quả cao. Vậy ông có cho rằng, ngành thuế cũng nên được giữ một phần kết quả thanh tra - kiểm tra chống chuyển giá để phục vụ công tác này?

Các khoản thu, chi đều phải thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước. Riêng ngành thuế phải nộp 100% các khoản phát hiện qua thanh tra - kiểm tra nói chung, chống chuyển gia nói riêng vào ngân sách nhà nước.

Chúng tôi không đòi hỏi được trích lại một phần từ kết quả thanh tra - kiểm tra để đầu tư trở lại cho chính công tác này. Mặc dù không được giữ lại một phần từ kết quả thanh tra - kiểm tra, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chống gian lận thuế, trốn thuế, nợ đọng thuế, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch.

Chống chuyển giá hết sức phức tạp
Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chống chuyển giá gặp khó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư