Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Ninh Thuận khó níu chân khách du lịch
Sơn Thuận - 08/04/2024 09:16
 
Khó khăn lớn nhất với ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận hiện nay là thiếu điểm vui chơi để níu chân du khách và khách đến theo mùa vụ.
Khách du lịch tham quan, xem trình diễn các làng nghề truyền thống tại Ninh Thuận
Khách du lịch tham quan, xem trình diễn các làng nghề truyền thống tại Ninh Thuận

Vì sao doanh nghiệp gặp khó?

Báo cáo gửi HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan việc giám sát kết quả triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023, hầu hết doanh nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất là thiếu điểm vui chơi để níu chân du khách.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Phát Hoàng Long Ninh Thuận đề cập, lượng khách đến với Ninh Thuận chưa nhiều do các điểm du lịch chưa có nhiều đổi mới, nâng cấp, chưa có các quần thể vui chơi lớn và thiếu các hoạt động giải trí về ban đêm, nên rất khó níu chân khách du lịch ở lại dài ngày hoặc thường xuyên quay trở lại.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp này, du khách thường đến Ninh Thuận nhiều vào mùa cao điểm, như các tháng 6, 7, 8 và dịp lễ 30/4 - 1/5, Tết Nguyên đán. Các tháng còn lại, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận rất ít, nhất là các tháng cuối năm, do thời tiết không thuận lợi cho hoạt động tham quan, nghỉ mát của du khách.

Với tình trạng trên, về phía doanh nghiệp, ông Đinh Ẩn, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Sơn Long Thuận cho biết, thời gian còn lại trong năm, tỷ lệ sử dụng phòng bình quân rất thấp.

Trong khi đó, Công ty TNHH Phát Hoàng Long Ninh Thuận, Công ty TNHH Minh Hoàng Anh (Resort Con Gà Vàng), Khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa thì đang đối diện với khó khăn liên quan đến nguồn nhân lực.

“Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về chất lượng, khó có khả năng cạnh tranh với các địa phương xung quanh như Nha Trang, Đà Lạt về mức thu nhập để lôi kéo được nhân sự chất lượng về làm việc”, đại diện Công ty TNHH Phát Hoàng Long Ninh Thuận nêu.

Về phần kiến nghị, đa số doanh nghiệp có chung ý kiến là kêu gọi phát triển thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí ban đêm để thu hút khách; hoạt động vui chơi, ăn uống mua sắm cần bám sát các đặc trưng và sản phẩm của tỉnh để mang lại dấu ấn khác biệt, thu hút du khách đến trải nghiệm và chi tiêu nhằm nâng cao doanh thu từ ngành du lịch.

Trong đó, Công ty TNHH Minh Hoàng Anh kiến nghị Ninh Thuận sớm xây dựng khu phố đi bộ cho khách tại Công viên 16/4…

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Hoàng Anh cho rằng, vấn đề tính thuế đối với đất thuê dài hạn dùng trong du lịch lưu trú cần đồng bộ và phù hợp với tình hình khách lưu trú.

Cùng quan điểm này, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Sơn Long Thuận đề xuất tính toán giá cho thuê đất, phí và lệ phí liên quan sao cho hợp lý trong điều kiện hiện nay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn quá khó khăn này.

Dự án trầm lắng, giảm sức hút khách

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh này có 23 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư 36.908,3 tỷ đồng.

Trong có, 7 dự án (1.940,5 tỷ đồng) đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, như Khu du lịch cao cấp Núi Chúa (1.556 tỷ đồng); Khu du lịch Hoàn Mỹ (325 tỷ đồng); TTC Resort

Premium - Ninh Thuận (118 tỷ đồng); Khu du lịch biển Hoàng Anh (74,7 tỷ đồng); Khu đón tiếp và dịch vụ du lịch Vĩnh Hy (38.5 tỷ đồng)…; 10 dự án (31.239,8 tỷ đồng) đang triển khai thi công xây dựng, trong đó, một số dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng như Khu du lịch Bình Tiên, Dự án Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, Dự án Long Thuận Hotel - Villas Ninh Thuận…; 6 dự án (3.728 tỷ đồng) đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai, như Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận (87.5 ha, 2.000 tỷ đồng); Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (1.600 tỷ đồng)…

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiều dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao, đi vào hoạt động hiệu quả như Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, Khu du lịch Hoàn Mỹ, Khu du lịch Long Thuận, TTC Resort Premium - Ninh Thuận.

Cùng với đó, 22 dự án du lịch trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, đang triển khai thi công như Khu du lịch Bình Tiên, Ninh Chữ Sailing Bay, Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, Sunbay Park Hotel & Resort, Dự án Long Thuận Hotel - Villas Ninh Thuận…

Song đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cũng đề cập, một số dự án du lịch quy mô lớn, dự án du lịch trọng điểm chậm triển khai, hoặc giãn tiến độ do nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng; kết cấu hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, đã phần nào ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư các dự án.

Ngoài nguyên nhân đến từ chủ đầu tư, ảnh hưởng dịch Covid-19…, thì “điều kiện hạ tầng và sức cạnh tranh thu hút khách du lịch còn hạn chế so với các tỉnh lân cận cũng tác động đến quyết định bỏ vốn đầu tư trong ngắn hạn của các nhà đầu tư”, đại diện sở này lý giải.

Đánh giá tác động, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho rằng, công tác triển khai dự án du lịch trên địa bàn tỉnh còn chậm tiến độ, gây khó khăn cho việc hình thành và đưa vào hoạt động các cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao và các sản phẩm du lịch mới, dịch vụ vui chơi, giải trí cho du khách.

Việc nhiều dự án tại tỉnh Ninh Thuận chậm hoặc ngừng triển khai cũng được đại diện các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Du lịch Đồng Thuận, Công ty cổ phần Sơn Hải... nhìn nhận là tác động rõ rệt đến lượng khách đến lưu trú.

Ninh Thuận xử phạt doanh nghiệp 600 triệu đồng vì vi phạm quy định bảo vệ môi trường
Công ty Sản xuất - Chăn nuôi Chánh Phong bị xử phạt hành chính vì thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong nội dung báo cáo đánh giá tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư