Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Nợ xấu và chuyện “loại” ông chủ ra khỏi nhà băng
Thùy Liên - 23/10/2016 09:50
 
Một trong những nguyên tắc để xử lý nợ xấu thành công là phải dứt khoát đưa ông chủ gây ra nợ xấu ra khỏi nhà băng.

Xóa sức ép để xử lý nợ xấu

Câu chuyện nên hay không nên sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý nợ xấu ra sao tiếp tục là chủ đề được các phân tích, mổ xẻ.

Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, giống như Việt Nam, Nhật Bản lúc đầu cũng dứt khoát không sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, hai năm sau đó, nền kinh tế ngày càng trì trệ và nước này buộc phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Kết quả là sau 10 năm, ngân sách Nhật Bản đã thu lại thừa so với số tiền bỏ ra. Bởi khi nợ xấu được xử lý, lãi suất giảm, doanh nghiệp có lãi, tiền thuế nộp về ngân sách nhiều hơn. 

.
Nhà nước phải bố trí nguồn lực để mua nợ xấu thì mới có thể xử lý dứt điểm được nợ xấu.

“Chúng ta phải vượt được tư duy không dùng ngân sách xử lý nợ xấu. Nếu tiếp tục nhìn hạn hẹp, chỉ nhìn trước mắt, sẽ không thể giải quyết được nợ xấu”, ông Trương Đình Tuyển chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Nhà nước phải bố trí nguồn lực để mua nợ xấu thì mới có thể xử lý dứt điểm được nợ xấu.

“Nhiều ý kiến cho rằng, làm như vậy là mang vốn ngân sách đi cứu tư nhân. Tuy nhiên, chỉ khi sử dụng nguồn lực công để gạt nợ xấu thì ngân hàng mới có động lực giảm lãi suất, thay vì giữ lãi suất cao, đảm bảo lợi nhuận tốt để có nguồn xử lý nợ xấu. Theo tính toán của chúng tôi, 1% hạ lãi suất cho vay có thể mang lại 2% GDP, tức sau 5 năm, ta có thể được 10% của GDP. Nếu ta huy động 10% khoản tiền GDP để xử lý nợ xấu thì chúng ta nên làm”, ông Thành nói.

Cho đến nay, nguồn tiền để xử lý nợ xấu vẫn là một câu hỏi đau đầu. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư trước đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia cho rằng, nguồn “tiền tươi” duy nhất khả thi hiện nay để xử lý nợ xấu là Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia.

Về việc dùng ngân sách xử lý nợ xấu, tại diễn đàn Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thực tế hiện nay chúng ta đang dùng nguồn lực nhà nước rồi, khi một tổ chức tín dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Tức là nếu cho phép ngân hàng trích lập 100 đồng vào chỗ này thì ngân sách đóng 25 đồng rồi, bởi vì không cho trích lập thì nhà nước thu được 25 đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp).

“Rồi khi nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt thì có nghĩa là dùng ngân sách nhà nước rồi, bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%. “Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém”.

“Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”.

Đuổi hay giữ ông chủ nhà băng gây ra nợ xấu?

Cho đến nay, dường như đang nhầm lẫn giữa việc xử lý nợ xấu và xử lý trách nhiệm cá nhân gây ra nợ xấu. Phải khẳng định rằng, nợ xấu chính do ngân hàng và doanh nghiệp gây ra, song xử lý nợ xấu đang nằm ngoài khả năng của những “tội đồ” này. Vì vậy, nếu ép các cá nhân gây ra nợ phải xử lý nợ, chắc chắn hàng chục năm nữa nợ xấu cũng sẽ không thể giải quyết được. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đưa tiền vào để xử lý nợ xấu, dù đó là ngân sách, quỹ dự trữ quốc gia. Tất nhiên, dùng nguồn lực khác để xử lý nợ không có nghĩa xí xóa cho cá nhân gây ra nợ xấu, mà vẫn phải xử lý sai phạm của các cá nhân này.

“Indonesia đã đi vay để xử lý nợ xấu, song cũng bỏ tù hàng loạt ông chủ ngân hàng và doanh nghiệp tạo ra nợ xấu. Chúng ta đừng hiểu đi vay hoặc dùng ngân sách xử lý nợ xấu là xóa nợ cho ngân hàng, mà mục đích là tạo đòn bẩy cho kinh tế tăng trưởng, còn cá nhân gây ra nợ xấu vẫn phải xử lý nghiêm khắc”, ông Tuyển nói.

Cũng theo ông Tuyển, một trong những nguyên tắc xử lý nợ xấu là phải tách các nhà tài phiệt, các nhóm lợi ích với cơ quan xử lý nợ xấu.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, để xử lý nợ xấu thành công, không chỉ có tiền, mà còn phải sự quyết liệt của con người, của thể chế, nếu không thì dù bơm tiền tràn lan cũng không hiệu quả, thậm chí số tiền này còn có thể rơi vào tay các nhà tài phiệt.

Mặc dù vậy, vẫn có quan điểm ngược lại. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đối với các trường hợp ngân hàng tự tái cơ cấu ở nước ta, việc “gạt” ông chủ nhà băng sang một bên, đưa người ngoài vào tái cơ cấu là khó khả thi và chỉ giúp các ông chủ ngân hàng “nhẹ nợ”. Chỉ có giải pháp “túm kẻ có tóc” - tức những ông chủ gắn bó máu thịt với ngân hàng, bắt buộc các ông chủ này gánh trách nhiệm xử lý nợ xấu thì mới đạt được hiệu quả cao.

Xử lý nợ xấu: Chỉ còn một nguồn “tiền tươi” duy nhất, là nguồn nào?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) đưa ra những kiến giải để giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư