Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nợ xấu vẫn đe dọa ngân hàng, đây là lý do!
Hà Tâm - 03/03/2016 14:26
 
Tuy tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%/năm, nhưng con số nợ tuyệt đối tại nhiều ngân hàng lại đang phình to, chưa kể khối nợ mà các ngân hàng đang “gửi gắm” tại VAMC vẫn chưa được giải quyết.

Nợ có nguy cơ mất vốn của 10 ngân hàng bằng vốn điều lệ của 7 ngân hàng

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2015 với những con số rất đẹp về nợ xấu. Theo đó, nợ xấu của các ngân hàng đều giảm so với cuối năm 2014, xét về tỷ lệ. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng rất “đẹp”, chỉ trên dưới 1%. Cụ thể, nợ xấu của Ngân hàng BIDV là 1,62%, MB là 1,6%, ACB là 1,32%, VietinBank là 0,91%, Eximbank là 1,85%, SHB là 1,72%, Techcombank là 1,66%, Vietcombank là 2%, TPBank là 0,4%...

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số tuyệt đối, nợ xấu (nhất là nợ xấu có khả năng mất vốn) của nhiều ngân hàng lại đang tăng lên.

Tỷ lệ nợ xấu  của các ngân hàng giảm trong năm qua có phần nhờ việc bán mạnh nợ cho VAMC. Ảnh: Đức Thanh
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng giảm trong năm qua có phần nhờ việc bán mạnh nợ cho VAMC. Ảnh: Đức Thanh

Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, chỉ tính riêng nợ có nguy cơ mất vốn của 10 ngân hàng lớn và bậc trung trong năm 2015 đã lên tới gần 22.700 tỷ đồng, tương đương với vốn điều lệ của 7 ngân hàng nhỏ.

Tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tuy giảm về tỷ lệ, nhưng lại tăng lên về số tuyệt đối, nhất là nợ có khả năng mất vốn.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, nợ xấu của BIDV chỉ còn 1,62%, nhưng số nợ tuyệt đối lại lên tới 9.697 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này chiếm hơn một nửa số nợ xấu (5.193 tỷ đồng). Dĩ nhiên, con số trên chưa tính tới khối nợ mà BIDV đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lên tới 22.000 tỷ đồng. Nếu tính cả khối nợ này, nợ xấu của BIDV sẽ phải lên tới 5%.

Tương tự, nợ xấu của VietinBank năm 2015 cũng không “đẹp” như con số công bố (0,91%), nếu nhìn vào nợ có khả năng mất vốn (tăng lên hơn 700 tỷ đồng so với cuối năm 2014), chưa kể hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC.

Tại một số ngân hàng TMCP, nợ xấu lại tăng cả về tỷ lệ lẫn con số tuyệt đối. Cụ thể, nợ xấu của Sacombank từ 1,19% hồi đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Xét về số liệu tuyệt đối, nợ xấu của ngân hàng này tăng gấp đôi so với cuối năm 2014, lên tới 3.448 tỷ đồng, trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn tăng gấp ba so với cuối năm 2014…

Tương tự, VPBank, đi kèm với tăng mạnh tín dụng và lợi nhuận là nợ xấu cũng tăng từ 2,53% lên 2,69%, nợ xấu tuyệt đối tăng từ 1.987 tỷ đồng năm 2014 lên 3.145 tỷ đồng vào cuối năm 2015, trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 515 tỷ đồng lên 1.354 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, xét về tỷ lệ, nợ xấu của các ngân hàng năm qua giảm mạnh một phần nhờ tín dụng tăng vọt, phần khác nhờ các ngân hàng mạnh tay bán nợ cho VAMC. Trong khi đó, nợ xấu đã xử lý trong thực tế vẫn rất chậm. Nếu tính đúng, tính đủ, cho đến nay, xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn chuyển biến rất chậm.

Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh

Tỷ lệ nợ xấu giảm, nhưng số lượng nợ tuyệt đối không giảm nhiều. Đây là nguyên nhân khiến Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VAMC và các ngân hàng thương mại tiếp tục phải dốc lực xử lý nợ xấu trong năm 2016.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích của BVSC nhận định, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng cao trong năm nay, lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014.

“Năm 2016, NHNN, VAMC và các ngân hàng thương mại cần tập trung xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thông qua thanh lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu, mua nợ xấu theo giá trị thị trường và giảm dần mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt... Hoạt động này, nếu có kết quả tốt, sẽ làm giảm áp lực trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng và giảm nguy cơ nợ xấu quay trở lại hệ thống ngân hàng", ông Long nhận định.

Cùng chung nhận định trên, nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng, nợ xấu vẫn là trọng tâm cần phải ưu tiên giải quyết của Việt Nam thời gian tới.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Việt Nam cần “ưu tiên giải quyết nợ xấu tồn đọng và tăng vốn một cách vững chắc”. Giải quyết nợ xấu sẽ bao gồm bán trực tiếp các tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu và chuyển giao nợ xấu và tài sản thế chấp cho VAMC, đi kèm với việc ban hành khuôn khổ pháp lý tốt hơn cho VAMC.

WB cũng khuyến cáo, Việt Nam nên xem xét cách làm tương tự của Ấn Độ. Theo đó, các ngân hàng tư nhân bị coi mất khả năng thanh khoản sẽ phải đóng cửa, sáp nhập với ngân hàng khác. Ngoài ra, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng trong nước cũng được xem là giải pháp xử lý nợ xấu.

VAMC mua nợ xấu không phải để xếp vào kho
Nhiệm vụ của VAMC là phải nhanh chóng xử lý nợ xấu tại TCTD, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ TCTD mà không dùng đến ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư