Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
"Nóng" chuyện quản lý room tín dụng; Ngân hàng thận trọng với gói hỗ trợ lãi suất 2%
Tùng Linh - 12/06/2022 16:56
 
Nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc, quan điểm của ngân hàng với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, cho vay bất động sản…là nội dung đáng chú ý lĩnh vực ngân hàng tuần qua.

94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn 

Đây là nội dung được nêu trong báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ phiên trả lời chất vấn trực tiếp từ chiều 8/6.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hòng, với khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.

Thống đốc cho biết  đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ của các TCTD đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.

Theo Thống đốc, NHNN đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Các giải pháp NHNN đã và đang thực hiện bao gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. 

Giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán và BĐS ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng, tập trung kiểm tra các hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực BĐS của các TCTD là điều được Thống đốc nhấn mạnh trong báo cáo.

Theo Thống đốc, việc thị trường BĐS biến động mạnh; tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của TCTD.

Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS vẫn đang được NHNN kiểm soát ổn định nhưng để hạn chế tác động của thị trường BĐS đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan.

Định hướng trong thời gian tới, Thống đốc khẳng định tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh BĐS, đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Tiếp tục rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD.

Định hướng cuối cùng Thống đốc đề cập là tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS để kịp thời đưa ra giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh.

Vốn dài hạn bị siết, tín dụng bất động sản càng thêm khó

Việc Ngân hàng Nhà nước không tiếp tục gia hạn Thông tư 22/2019/TT-NHNN khiến nguồn vốn cho vay bất động sản tới đây sẽ bị co hẹp đáng kể. Từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN buộc các tổ chức tín dụng phải giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để đảm bảo an toàn hệ thống. Do ảnh hưởng của Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã gia hạn Thông tư này đến tháng 10/2021.

Cuối năm 2021, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang cân nhắc có thể tiếp tục hoãn việc thực hiện Thông tư 22/2019/TT-NHNN, song đến nay chưa có văn bản chính thức nào. Điều này có nghĩa là các ngân hàng thương mại sẽ phải đưa tỷ lệ sử dụng vốn trung, dài hạn từ mức 40% cuối năm 2021 về mức 30% vào đầu tháng 10 tới.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN. “Phải làm như vậy thì thị trường vốn và thị trường tiền tệ mới lành mạnh được. Thông tư 22/2019/TT-NHNN đã ban hành nhiều năm với lộ trình rõ ràng, do đó cần phải thực hiện nghiêm túc”. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM bắt đầu ngấm sức ép rất lớn về vốn sau các sự cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, sự thận trọng với tín dụng bất động sản của ngân hàng là cần thiết. Nguyên nhân là thời gian qua, bất động sản sốt giá, tài sản bảo đảm trên tổng dư nợ của ngân hàng khá lớn, nên nếu thị trường bất động sản gặp rủi ro, ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.  Dù vậy, ông Hùng cho rằng, chỉ nên đặt vấn đề “thận trọng” chứ không nên siết, bởi nếu thị trường sốt nóng, sốt lạnh, hay đóng băng, thì ngân hàng đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Cần xác định rõ vai trò của thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) để phát triển các thị trường này một cách lành mạnh, giảm tải áp lực cho thị trường tiền tệ.

Đại biểu Quốc hội lần đầu chất vấn về room tín dụng

.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn Quốc hội.

Đầu tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn Quốc hội. Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về cơ chế cấp room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Đây là lần đầu tiên Quốc hội chất vấn việc phân bổ về hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại và cũng là là nội dung mà hầu hết các tổ chức tín dụng giờ đang rất quan tâm.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức là 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tỷ lệ gần như trong số cao nhất các nước ở trên thế giới. Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì mỗi khi có các cú sốc như Covid-19, như là biến động của tình hình kinh tế thế giới mà doanh nghiệp và người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là lập tức sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, hệ thống ngân hàng mà mất khả năng chi trả... thì sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Công cụ cấp hạn mức tín dụng vừa qua hiệu quả, chặn được các cuộc đua lãi suất, huy động tín dụng cao. Đặt ra kiểm soát tăng trưởng tín dụng là một vấn đề và trên thực tế Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả và hiện áp dụng do hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và dần tiến tới chuẩn mực quốc tế.

Thống đốc cũng mong mỏi thị trường vốn phát triển đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn trên thị trường này chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ cho vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hang. Khi đó áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi.

Đề cập vấn đề trên trong phát phát biểu cuối phiên chất vấn Thống đốc, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng thống nhất, tránh chuyện áp đặt trong cơ chế hạn mức tín dụng. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xây dựng tiêu chí bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng; nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.

Ngân hàng thận trọng thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%

Theo lãnh đạo các nhà băng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% là chương trình hỗ trợ trực tiếp hữu ích để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh doanh của khách hàng sau đại dịch Covid-19. Các ngân hàng sẵn sàng và mong muốn tham gia chương trình này trên cơ sở một số nguyên tắc: tuân thủ nghiêm túc các quy định của Chính phủ và NHNN; công khai, minh bạch và công bằng - phản ánh qua các quy trình, quy định nội bộ và hoạt động truyền thông.

Đặc biệt, các ngân hàng chú trọng đảm bảo hỗ trợ đúng mục tiêu, phòng tránh rủi ro lạm dụng chính sách; phân tích danh mục tín dụng, cơ sở khách hàng để dự báo nhu cầu về nguồn vốn ngân sách dành cho hỗ trợ lãi suất trong gói 40.000 tỷ đồng và đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho cả 2 năm 2022 và 2023...

Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng đã đăng ký gói giải ngân của chương trình hỗ trợ 2% lãi suất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 350 tỷ đồng trong 2 năm và đang chờ ý kiến từ NHNN. Trước mắt, Ban lãnh đạo Ngân hàng đang làm hướng dẫn và tập huấn kỹ trước khi triển khai chương trình.

Theo ông Đào Hồng Châu, Eximbank cũng tập huấn kỹ lưỡng trước khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Sau quá trình này, Ngân hàng sẽ nhận hồ sơ của khách hàng và chọn lọc đối tượng đúng quy định.

Ông Ngô Quang Trung, CEO Ngân hàng Bản Việt Bản Việt cho biết ngân hàng đã đăng ký với NHNN gói 200 tỷ đồng giải ngân cho chương trình hỗ trợ lãi suất 2% và đang đợi NHNN có ý kiến. Song song đó, ngân hàng từng bước hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, nhân viên phụ trách tín dụng về chủ trương này trước khi bắt tay vào triển khai, nhằm hỗ trợ vốn đúng đối tượng.

Lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt cho hay, ngân hàng này sẽ chính thức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% ngay khi hoàn tất đào tạo nội bộ (dự kiến từ đầu tháng 7/2022). Theo đó, Bản Việt tổ chức đào, tập huấn ít nhất một lượt cho toàn thể nhân viên kinh doanh và hỗ trợ tín dụng để thống nhất cách hiểu các quy định, quy trình nội bộ (trong vòng 2 tuần sau khi ban hành các quy trình, quy định nội bộ)...

Liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, OCB cũng đăng ký gói vốn 400 tỷ đồng giải ngân theo chương trình và đang đợi được NHNN phê duyệt. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, mục tiêu của ngân hàng khi triển khai chương trình này là hỗ trợ những đối tượng đáp ứng được điều kiện và yêu cầu của NHNN đưa ra. Trước mắt, Ngân hàng chưa thấy có những vướng mắc nào, nhưng có thể quá trình triển khai thực tế mới bắt đầu phát sinh khó khăn cần tháo gỡ.

Trong khi đó, Agribank vừa thông báo tới khách hàng về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. Theo đó, Agribank triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, Agribank sẽ hỗ trợ khách hàng khoảng 6.000 tỷ đồng trong gói 40.000 tỷ đồng này.

Theo lãnh đạo BIDV, Ngân hàng đang tập trung chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện dự toán hỗ trợ lãi suất, đăng ký số lượng khách hàng, khoản vay chi tiết và đã có hơn 10.000 khách hàng đáp ứng điều kiện, trong quá trình triển khai sẽ có thêm khách hàng đăng ký hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ lãi suất nhằm bảo đảm minh bạch…

Chất vấn Thống đốc: Đại biểu lo siết tín dụng bất động sản khiến thị trường trì trệ
Chiều nay (8/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn Quốc hội. Các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư