Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long hút doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc
Phú Khởi - 21/11/2015 10:10
 
Đại diện của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ đều nhìn nhận, cơ sở hạ tầng của vùng đã có nhiều cải thiện và đây sẽ là điều kiện tốt để họ quyết định đầu tư tại đây.
Quang cảnh hội nghị XTĐT
Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 27% cả nước nhưng mỗi năm làm ra hơn 25 triệu tấn lúa (bằng 60% cả nước), 3 triệu tấn thủy sản, 3 triệu tấn trái cây và nhiều sản vật nông nghiệp khác, kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD,  đóng góp 40% GDP cho cả nước.  

Hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm đều do người dân Đồng bằng sông Cửu Long làm ra, các chuyên gia quốc tế nhìn nhận: Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lương thực của Việt Nam mà còn của Đông Nam Á, góp phần quan trọng cho an ninh lương thực của thế giới.

Ngành công nghiệp chế biến lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản luôn được xem là ngành mũi nhọn, quyết định đến tốc độ tăng trưởng cho vùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thu hút đầu tư cho lĩnh vực này còn rất hạn chế. Sản phẩm lúa gạo chỉ qua xay xát, lau bóng rồi xuất khẩu chứ chưa có sản phẩm sau gạo. Công suất xay xát và chế biến gạo xuất khẩu chưa tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương, công nghệ xay xát lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, tỷ lệ hao hụt cao.Các phụ phẩm, phế phẩm như tấm, cám, rơm rạ chưa được tận dụng để gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất. Tương tư như vậy đối với mặt hàng thủy sản và rau quả. Sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức là cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh… Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu.

Việc xuất khẩu sản phẩm thô không chỉ cho giá trị thấp mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao khi thị trường có biến động. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng nhìn nhận, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng nguyên liệu nông sản thủy sản lớn nhất nhưng ngành công nghiệp chế biến được xem là yếu nhất, sản phẩm sau chế biến hàm lượng công nghệ chưa cao, do vậy mà giá trị xuất khẩu còn thấp.

“Do vậy, trong hội nghị xúc tiến đầu tư lần này Câu lạc bộ Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong PC) quyết định lựa chọn chủ đề “Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long sau 2015 - tương lai kinh doanh và đầu tư ngành chế biến thực phẩm” với hy vọng sau hội nghị lần này sẽ thu hút được nhiểu dự án công nghiệp chế biến góp phần nâng cao giá trị nông, thủy sản cho khu vực”, ông Lam nói.

Cam kết hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp còn rất lớn với sản lượng lúa hơn 1 triệu tấn/năm. Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt hàng năm lên đến hàng chục ngàn hecta.

Mặt khác TP. Cần Thơ được quy hoạch là thành phố trung tâm động lực của cả vùng với nhiều lợi thế trong kết nối giao thông, có sân bay quốc tế, cảng tiếp nhận tàu trọng tải lớn; TP. Cần Thơ còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho cho vùng nên có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nhất là nông nghiệp. Cũng như lãnh đạo nhiều địa phương khác trong vùng, TP. Cần Thơ luôn ý thức và xem việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế là nguồn lực quan trọng cho phát triển ở địa phương. Do đó, địa phương luôn xem công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến làm ăn sinh sống tại địa phương là nhiệm thường xuyên và liên tục.

Thị trường Đồng bằng sông Cửu Long rất hấp dẫn
Ông Christoph Lam, Quản lý dự án (BDG)

Bên cạnh tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 17 triệu dân là thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhà đầu tư vì số lượng người tiêu dùng đông hơn cả nước Camphuchia.

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 10 triệu lao động với cơ cấu độ tuổi rất trẻ. Chất lượng nguồn nhân lực nơi đây đang được cải thiện mạnh mẽ với tỷ lệ sinh viên theo học các trường CĐ, ĐH tăng đến 4,4%/năm cao hơn mức bình quân của nhiều nước phát triển khác là 2,7%. Tuy nhiên, với đặc thù là vùng đất yếu, diễn biến khí hậu phức tạp nên để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thì phía Chính phủ Việt Nam cần có những ưu đãi tốt hơn nữa cho nhà đầu tư khi đến làm ăn ở đây.

Nhân công giá rẽ là ưu thế thu hút đầu tư của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Jetro tại TP. Hồ Chí Minh:

Gần đây giá nhân công ở Thái Lan, Trung Quốc đang tăng rất cao, nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác. Khảo sát của Jetro cho thấy 25% nhà đầu tư rời Trung Quốc đã lựa chọn Việt Nam là đích đến. Ưu thế về lao động của Việt Nam đã gây được ấn tượng với nhà đầu tư Nhật Bản.

So sánh giữa lao động Việt Nam và một số nước cho thấy, 90% lao động Việt Nam biết đọc, biết viết trong khi tỷ lệ này ở Lào, Campuchia thấp hơn rất nhiều. Lao động Việt Nam chỉ nghỉ 10 ngày cho các dịp lễ Tết, trong khi ở Campuchia số ngày nghỉ là 20, Mianma: 18 ngày, Lào 15 ngày.

Chất lượng lao động của Việt Nam được đánh giá rất tốt nhưng mức lương bình quân thì đang ở mức thấp nhất khu vực. Bên cạnh đó lĩnh vực công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt chiếm tỷ trọng trên 30% và đang tiếp tục tăng, đây cũng là yếu tố để thu hút vốn FDI.

Hội thảo phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 21/8/2015, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cần Thơ và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư