Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hội thảo phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hữu Phúc - 22/08/2015 07:26
 
Ngày 21/8/2015, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cần Thơ và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế, xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030”. Ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ TNB chủ trì hội thảo.

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thành lập theo Quyết định số 492/QĐ TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả; là trung tâm năng lượng, trung tâm dịch vụ- du lịch lớn của cả nước; đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.

.

 

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ TNB cho biết, giai đoạn 2011- 2015, vùng KTTĐ vùng ĐBSCL có bước phát triển, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và toàn vùng để phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, vùng KTTĐ vùng ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần quan tâm, đó là: kết cấu và quy mô nền kinh tế của vùng còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp mũi nhọn để đầu tư đúng mức; môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thật sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến cuối năm 2014, số dự án FDI còn hiệu lực tại 4 địa phương trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL là 146 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,786 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 14,91% số dự án và chiếm 39,27% vốn đăng ký đầu tư của toàn vùng ĐBSCL.

Từ đó, ông Nguyễn Phong Quang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung theo phương đã được Quốc hội thông qua để sớm triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm của vùng. Trong đó, sớm triển khai dự án đường cao tốc từ Trung Lương đi Mỹ Thuận; cần bố trí vốn để triển khai các tuyến quốc lộ, đường hành lang ven biển phái Nam , tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi (Kiên Giang); tăng hơn mức hỗ trợ bình thường (khoảng 15- 20%) cho các địa phương vùng KTTĐ vùng ĐBSCL; có dòng ngân sách riêng để hỗ trợ TP. Cần Thơ thực hiện Nghị quyết 45/NQ-TW ngày 17//2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Phong Quang, ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị với trung ương cần quan tâm đầu tư cho các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL để tác động đến sự phát triển của các địa phương xung quanh. Theo ông Hưởng, hiện nay, chỉ có  TP. Cần Thơ là có tác động nhất định về giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ đối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, còn vai trò tác động của 3 tỉnh còn lại trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đối với cả vùng ĐBSCL rất mờ nhạt.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ĐBSCL có vị trí quan trọng dối với cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Trong những năm qua kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nang cao, môi trường đầu tư được cải thiện…

Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: kết cấu hạ tầng yếu kém, đường bộ giao thông nhỏ hẹp, các quốc lộ chưa đồng bộ; nội tại của nền kinh tế vùng phụ thuộc vào nông nghiệp với cơ cấu chiếm 31,2% nên phát triển thiếu ổn định; công nghiệp chiếm 27,2% song chủ yếu là công nghiệp chế biến; thu hút vốn FDI khó khăn, số vốn thu hút FDI toàn vùng ĐBSCL chỉ chiếm 5% so với cả nước; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động được đào tạo là 45,72%, thấp hơn mức trung bình của cả nước là 54,52%...

Từ thực tế đó, theo ông Nguyễn Chí Dũng cần có những giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới. Cụ thể là cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2016- 2020 do đây là điểm nghẽn phát triển của vùng hiện nay. Về cơ chế chính sách, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2030 thay thế Quyết định 939/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại các địa phương; tiếp tục nghiên cứu chính sách đặc khu kinh tế để hình thành Đặc khu kinh tế Phú Quốc trong giai đoạn 2016- 2020; khẩn trương hoàn thiện Quy chế liên kết vùng ĐBSCL; trung ương cần quan tâm bố trí ngân sách từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, trái phiếu Chính phủ đối với vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2016- 2020….

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ TNB cho rằng, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo rất cởi mở, thẳng thắn và tâm huyết, các Bộ, ngành trung ương cần ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, từ đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách phát triển cho vùng ĐBSCL.Theo Phó Thủ tướng, vùng ĐBSCL cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức lại sản xuất, phải làm thế nào để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao, qui mô lớn, tạo ra giá trị, hiệu quả cao; lựa chọn sản phẩm theo thế mạnh của từng vùng nhưng phải liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường…

Tại Hội thảo, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thỏa thuận với BCĐ TNB, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu hình thức đầu tư công để triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố; ký thỏa thuân nguyên tắc tài trợ dự án BOT quốc lộ 1 tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu; ký kết các thỏa thuận nguyên tắc về tài trợ vốn lưu động trong lĩnh vực thủy sản cho các Công ty TNHH Nam Hải, Công ty Thanh Thế, Công ty Cổ Chiên; tài trợ vốn trong lĩnh vực y tế cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic…Tổng giá trị các thỏa thuận hợp tác được ký kết là 2.509 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV cũng ký thỏa thuân tài trợ chương trình hợp tác đào tạo kiến thức hội nhập và kỹ năng quản trị công cho đối tượng công chức trẻ TP. Cần Thơ trị giá 10 tỷ đồng; trao tặng Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ 3 tỷ đồng.

Siêu thị vắng bóng đặc sản Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ
 Đặc sản Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ rất nhiều, nhưng số hộ và cơ sở sản xuất đưa hàng vào siêu thị còn rất hạn chế. Xác lập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư