Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nông sản chủ lực vừng Tây Nguyên sẽ phát triển theo định hướng nào?
Linh Đan - 20/11/2022 09:42
 
Vùng Tây Nguyên sẽ phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực.
Lâm Đồng đang phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp
Lâm Đồng đang phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp. Ảnh: V.T

Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ về định hướng và giải pháp phát triển nông sản chủ lực vừng Tây Nguyên đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phấn đấu đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau hoa, cá nước lạnh…có sức cạnh tranh cao trong nước và trên thế giới; bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.

Về cây cà phê: Ổn định diện tích cà phê toàn vùng khoảng 600 ngàn ha, giai đoạn 2021-2025 toàn vùng tái canh khoảng 91 ngàn ha để thay thế các diện tích cà phê già cỗi. Đến năm 2030 có khoảng 80% diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương (có chứng nhận UTZ Certify, 4C, Raiforest Alian, VietGap...); toàn vùng có khoảng 12.300 ha cà phê đặc sản, với sản lượng khoảng 8.120  tấn (QĐ số 1392/QĐ-BNN-TT ngày 02/4/2021); góp phần giữ vững Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê số hàng đầu thế giới.

Cây cao su: Định hướng phát triển khoảng 200-240 ngàn ha. Không khuyến khích mở rộng diện tích, thực hiện trồng tái canh ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm (từ mủ và gỗ) nhằm tăng giá trị cây cao su.

Cây hồ tiêu: Không mở rộng diện tích trồng mới, điều chỉnh giảm diện tích hồ tiêu ở những vùng không phù hợp (diện tích hồ tiêu toàn vùng hiện nay khoảng 84.311 ha); tăng diện tích hồ tiêu trồng xen, giảm diện tích hồ tiêu trồng thuần. Cơ cấu sản phẩm tiêu đen 70% (trong đó tiêu nghiền bột 15-20%), tiêu trắng 30% (trong đó tiêu nghiền bột khoảng 20-30%). Sử dụng giống hồ tiêu sạch bệnh, quy trình canh tác tiên tiến an toàn (VietGap, GlobalGap, hữu cơ...); giữ vững Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới.

Cây ăn quả: Định hướng phát triển diện tích trồng cây ăn quả toàn vùng đạt khoảng 120 ngàn ha. Các cây ăn quả chủ lực trong vùng gồm: sầu riêng, chanh leo, chôm chôm, mít... Phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap hoặc tương đương) đạt 40-50%; diện tích được tưới, tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30-40%.

Cây rau, hoa: Định hướng phát triển đến năm 2030 khoảng 130-150 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng. Đối với diện tích trồng rau; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người sản xuất thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ; tăng sử dụng phân bón hữu  cơ và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, vi sinh; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng. Đối với diện tích trồng hoa, chỉ đạo giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tuyên truyền bảo vệ các loài thiên địch có ích, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với các địa phương có liên quan phát triển nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) khoảng 50-100 ha, tập trung chính ở Lâm Đồng, Kon Tum. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững; trồng cây dược liệu dưới tán rừng; trong đó, tập trung phát triển cây Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum khoảng 10.000 ha.

Về thị trường tiêu thụ, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với thị trường trong nước hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, gắn với chỉ dẫn địa lý; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tận dụng tối đa lợi thế sân nhà của thị trường rất lớn trong nước với quy mô gần 100 triệu dân. Đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; hướng tới các sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch với sản lượng lớn, chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Về tổ chức sản xuất, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng, vùng nuôi; thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi nông sản chủ lực từ nuôi trồng đến tiêu thụ. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương, cá nhân, đơn vị xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP.

Về khoa học công nghệ, ciếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch; chống chịu sâu bệnh, dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản; thực hiện công nghệ tưới tiết kiệm nước; nghiên cứu sản xuất, cải tiến các thiết bị, máy chế biến nông sản phục vụ sản xuất và chế biến sâu.

Về đầu tư, ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và các công trình hạ tầng thiết yếu khác; đầu tư kinh phí để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng; ưu tiên những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về môi trường.

Về cơ chế, chính sách, cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành. Đồng thời rà soát, điều chỉnh bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dươc liệu”, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam; Chính sách Chi trả dịch vụ hấp thụ các bon rừng.

Cuối cùng là cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng Tây Nguyên; tăng cường hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ về giống, quy trình thâm canh, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, nhằm thực hiện đạt mục tiêu chiến lược của ngành nông nghiệp. Đó là “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh và tuần hoàn, hiệu quả, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc làm thế nào nông sản vùng Tây Nguyên được tập trung xuất khẩu theo đường chính ngạch, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sản phẩm nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch phải truy xuất được nguồn gốc. Cụ thể là tất cả các khâu như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều phải có hồ sơ rõ ràng. Cùng với đó là các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được ban hành phải được hướng dẫn và thực hiện đúng. 

Nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên: Khâu đột phá kinh tế
Tại các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Gia Lai…, lĩnh vực nông nghiệp luôn được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và trình độ ứng dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư