Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Nông sản Mỹ rộng đường sang Trung Quốc
Lê Quân (Reuters) - 14/12/2019 16:04
 
"Hạ nhiệt" thương chiến bằng tuyên bố hai bên đã nhất trí đạt thỏa thuận, Mỹ rộng cửa đưa nông sản cùng nhiều hàng hóa khác sang Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc nhập khẩu theo đúng cam kết trên, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng vọt. Ảnh: AFP
Nếu Trung Quốc nhập khẩu theo đúng cam kết trên, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng vọt. Ảnh: AFP

Các nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ cho biết Bắc Kinh chấp thuận chi ít nhất 200 tỷ USD để nhập khẩu thêm hàng hóa, dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới. Nếu cam kết trên được thực hiện, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng vọt. Trước khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, Trung Quốc chi 186 tỷ USD mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ năm 2017, theo số liệu của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ.

“Đáp lễ” với cam kết của Trung Quốc, các quan chức Mỹ cho biết, Mỹ sẽ hoãn áp thuế lên hàng Trung Quốc như dự kiến vào ngày mai 15/12, đồng thời rút bớt thuế quan áp dụng trước đó. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 dự kiến được ký vào tuần đầu của tháng 1/2020 tại Washington.

“Chúng tôi đã thống nhất được thỏa thuận thương mại rất lớn với Trung Quốc”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên mạng xã hội Twitter tối qua (giờ Việt Nam).

"Giới chức Trung Quốc đã nhất trí nhiều thay đổi mang tính cấu trúc và cam kết mua lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và sản phẩm chế tạo cùng với nhiều mặt hàng khác", ông Trump cho biết.

Nhắc lại lời hứa với nông dân Mỹ hồi tháng 10 trong cuộc trao đổi với báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump tin rằng nhập khẩu nông sản từ Mỹ của Trung Quốc sẽ cán mốc 50 tỷ USD.

Trong cuộc họp báo mới đây tại Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc khẳng định hai bên đã nhất trí bản thảo thỏa thuận thương mại, nhưng các quan chức này không hé lộ các con số cụ thể về lượng hàng hóa Trung Quốc sẽ nhập từ Mỹ.

Tuyến bố đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được đưa ra sau khi Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ thông qua cáo buộc ông Trump lạm quyền và cản trở Quốc hội trong phiên điều trần luận tội. Động thái trên cũng diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ mở đường thông qua Thỏa thuận Bắc Mỹ mới với Canada và Mexico (USMCA).

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Bắc Kinh cam kết chi 32 tỷ USD mua nông sản Mỹ trong vòng 2 năm tới, tương ứng mỗi năm 16 tỷ USD, trong khi con số này năm 2017 là 24 tỷ USD. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ nỗ lực chi thêm 5 tỷ USD mỗi năm để nhập hàng Mỹ.

“Với tôi đó là bước khởi đầu cực kỳ quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai bên. Nó cho thấy các cam kết thực sự của Trung Quốc. Điều này là có thể thực thi được”, ông Lighthizer nói.

Đại diện Thương mại Mỹ cũng cho biết Trung Quốc sẽ tự do nhập khẩu hàng hóa ở thời điểm thích hợp cho thị trường.

Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ nhập khẩu thêm bột mỳ, ngô và gạo từ Mỹ, nhưng vị quan chức này không cho biết thêm thông tin chi tiết.

Trong quá khứ, Trung Quốc không phải nhà nhập khẩu lớn các mặt hàng ngô, bột mỳ và gạo của Mỹ. Những năm gần đây nước này đứng thứ 3-4 trong số nhà nhập khẩu lúa mì của Mỹ. Giai đoạn 2011-2014, Trung Quốc là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 của Mỹ, nhưng giai đoạn sau đó nước này không góp mặt trong danh sách các nhà nhập khẩu lớn đối với mặt hàng này.

Nhà Trắng đang tham vọng tái cấu trúc quan hệ với Trung Quốc, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề được kết luận sau cuộc điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ năm 2018 rằng Bắc Kinh có hành vi thương mại không công bằng, bất hợp lý và bóp méo thị trường.

Kết luận trên cũng là cái cớ để ông Trump cáo buộc Trung Quốc nhiều năm qua có hành vi gián điệp kinh tế, tấn công an ninh mạng, ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ và bán phá giá những mặt hàng được chính phủ trợ cấp.

Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lần này đã chạm đến một số thay đổi. Các nhà đám phán hai bên sẽ khởi động vòng đàm phán mới - đàm phán giai đoạn 2 ngay sau đó, ông Trump cho biết.

Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer cho biết, thỏa thuận giai đoạn 1 bao gồm các cam kết cụ thể của hai bên về sở hữu trí tuê, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và tỷ giá hối hoái.

Thỏa thuận cũng sẽ tăng cường bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, quan chức Trung Quốc cho biết.

Tổ chức phi lợi nhuận Business Roundtable (Nhóm Bàn tròn Doanh nghiệp), cho rằng việc căng thẳng Mỹ - Trung xuống thang là dấu hiệu tích cực giúp giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư quan trọng giữa hai quốc gia.

Tuy vậy, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy vẫn cho rằng thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc vừa thống nhất là một thất bại bởi nhà làm luật này đánh giá, Trung Quốc chưa có cam kết mạnh mẽ đối với việc cải cách mang tính cấu trúc.

Theo Đại diện Thương mại Mỹ, hai bên sẽ bắt đầu đàm phán các vấn đề "nóng" hơn trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ tháng 10/2020.

“Vạ lây” thương chiến, tín dụng Trung Quốc lao đáy gần 2 năm
Tăng trưởng tín dụng tháng 10 của Trung Quốc trượt sâu hơn dự báo và xuống mức thấp nhất trong 22 tháng qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư