Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Nông sản Việt sải bước sang nhiều thị trường lớn
Thế Hải - 06/01/2023 10:49
 
Năm 2022 là năm thắng lợi về mở cửa thị trường của nhiều loại nông sản như gạo, bưởi, sầu riêng, tổ yến…, được các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao đồng ý nhập khẩu.
Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã được các thị trường khó tính đón nhận 	Ảnh: Lê Toàn
Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã được các thị trường khó tính đón nhận Ảnh: Lê Toàn

Tới tấp đón tin vui

Không chỉ lập kỳ tích với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 53,2 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với mục tiêu Chính phủ giao, trong đó thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD, xuất siêu 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021, ngành nông nghiệp còn có thêm nhiều tin vui khác khi mở cửa thị trường thành công với một danh sách dài các mặt hàng nông sản đi những thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao.

Từ cuối tháng 6 đến tháng 11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) liên tiếp công bố hoàn thành mở cửa thị trường Nhật Bản cho nhãn, hạt mắc ca; thị trường Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng, chanh leo, khoai lang, tổ yến; thị trường Mỹ là bưởi và thị trường New Zealand là chanh, bưởi.

“Năm 2022 có thể coi là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam tiếp cận đến các thị trường thế giới”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, việc mở cửa được thị trường đã khó, nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.

Với Trung Quốc, trước tiên là sản phẩm chanh leo được nhập khẩu vào thị trường này, tiếp đến là sầu riêng và mới nhất, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang, tổ yến.

Việc mở cửa cho nông sản xuất khẩu chính ngạch mở ra cơ hội lớn cho các ngành sản xuất, tiến lên chuyên nghiệp, bài bản để tận dụng thời cơ xuất khẩu.

Cuối tháng 11, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu bưởi Bến Tre sang thị trường Mỹ. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, 40 tấn bưởi da xanh được vận chuyển cả bằng đường hàng không và đường biển. Trong đó, khoảng 4 tấn bưởi đã được "đi máy bay" sang Mỹ, phân phối tới các điểm bán lẻ.

Dự báo trái bưởi sẽ mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất nếu so với 6 loại quả đã được mở cửa sang Mỹ trước đó là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, vùng trồng bưởi Việt Nam không chỉ có diện tích lớn, mà còn tập trung nên dễ áp dụng quy trình canh tác mà Mỹ yêu cầu. Hàng có quanh năm và đặc biệt là công nghệ bảo quản bưởi lên đến 90 ngày. Bưởi là loại quả để được lâu, càng để lâu thì ăn càng ngon nên rất thuận lợi, giúp doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển với chi phí thấp và thời gian bán hàng dài.

Đánh giá về thành công của ngành nông nghiệp trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Kết quả xuất khẩu hơn 53 tỷ USD trong năm qua đã minh chứng sự chuyển biến về tư duy sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, doanh nghiệp, coi trọng tiêu chuẩn chất lượng để đàng hoàng xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất, nhờ đó, tiếp tục có thêm gần chục mặt hàng mới được các thị trường chấp thuận mở cửa”.

Đầu tháng 7/2022, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, đến tháng 9/2022, lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên (20 container, khoảng 500 tấn) theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã diễn ra tại Krông Pắk (Đắk Lắk). Tiếp sau đó, các lô hàng mới tới tấp xuất khẩu.

Chỉ riêng trong tháng 10/2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sầu riêng đang tăng rất mạnh kể từ sau khi có Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Phía bạn cũng vừa cấp thêm 37 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Như vậy, đến nay Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi hiện có khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện nốt thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép.

“Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Thay vì tìm cách tăng diện tích, sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối", đại diện Cục Bảo vệ thực vật lưu ý.

Tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng của năm 2022, chỉ xếp sau quả thanh long (giá trị xuất khẩu đạt 552,3 triệu USD, chiếm 32,5%).

Thành công không tự đến

Tin vui dồn dập đến với ngành nông nghiệp, mở cửa thành công cho nhiều nông sản đi Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc. Để có được thành công này là cả một chặng đường dài. Những ai theo dõi sự chuyển động của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đều biết, để một quốc gia chấp thuận nhập khẩu nông sản từ một quốc gia bên ngoài là quá trình đàm phán cam go, chứng minh, đáp ứng từ những yêu cầu nhỏ nhất.

Đơn cử, cuối tháng 11/2022, tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT công bố lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, nhưng để có ngày này thì ngành chức năng đã mất tới 6 năm đàm phán với Bộ Nông nghiệp Mỹ. Song hành trong thời gian đó là các địa phương, doanh nghiệp cùng vào cuộc để xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Quả bưởi phải không bị nhiễm ruồi, ngài và nấm, được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Trong khi đó, để Trung Quốc chấp thuận nhập chính ngạch tổ yến, phải đàm phán mất gần 4 năm. Việc Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch tổ yến tạo ra nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao, tạo động lực phát triển mạnh mô hình nuôi yến, chế biến tổ yến.

Theo đánh giá, hơn 22.000 nhà nuôi chim yến tại Việt Nam đang mang về sản lượng khoảng 120 tấn, trị giá hơn nửa tỷ USD. Được đánh giá có giá trị kinh tế cao nên từ năm 2019, tổ yến đã là một trong các sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng, đàm phán và gửi hồ sơ để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, mà đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, trong năm vừa qua, họ kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hóa qua biên giới, nhất là hình thức biên mậu, tiểu ngạch.

Triển vọng xuất khẩu trong năm 2023 và nhiều năm tới đang rộng mở với nông sản Việt, trước mắt là các nhóm hàng rau quả đi Trung Quốc, Mỹ, EU. Việc tận dụng các FTA đang có hiệu lực cũng là một lợi thế nữa của nhóm hàng này.

Chuẩn hóa sản xuất, sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu từ Mỹ, EU là đòi hỏi tất yếu, không thể khác của các địa phương, doanh nghiệp nếu muốn đi đường dài, để ngành nông nghiệp sẽ sớm đạt kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ USD.

Hà Nội tổ chức Chương trình “Tự hào nông sản Việt” trong 3 ngày
Chương trình “Tự hào nông sản Việt” do HPA tổ chức sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 23-25/12/2022, tại khu vực không gian vỉa hè phố Lê Thái Tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư