Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
“Nữ tướng” Đồng Kỵ Vũ Thị Mai: Mong ước đưa gỗ Đồng Kỵ đi khắp năm châu
Nhã Nam - 07/05/2017 08:11
 
Hai sáu năm tâm huyết với đồ gỗ mỹ nghệ, bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Hướng Mai (Đồng Kỵ, Bắc Ninh) đã xây dựng được một cơ ngơi lớn, ít ai ở Đồng Kỵ sánh kịp. Nhưng với bà, điều quan trọng không hẳn là sự phát triển của riêng Hướng Mai, mà làm sao đưa thương hiệu gỗ Đồng Kỵ ra thế giới.
.
Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Hướng Mai (Đồng Kỵ, Bắc Ninh)

Thưa bà, bây giờ đến Đồng Kỵ, không ai không biết đến đồ gỗ Hướng Mai, với 3 xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, diện tích tới 2.000 m2. Chưa kể, còn có Trung tâm Thương mại Hướng Mai Center 9 tầng, tổng diện tích gần 10.000 m2, chuyên trưng bày các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ nhằm phục vụ khách hàng cả trong nước và quốc tế. Điều gì đã giúp bà có được thành công đó?

Có một câu chuyện mà tôi luôn tâm đắc. Đó là có một nghệ nhân vẽ tranh, mỗi tháng anh ta vẽ được rất nhiều bức tranh, nhưng lại không bán được bức nào. Đến khi chuyển sang mỗi năm vẽ một bức thì anh ta lại bán được bức tranh đó với giá trị rất cao. Tôi đã lấy câu chuyện này để làm “phương châm” kinh doanh của mình và cũng là để “rèn” các nghệ nhân của Hướng Mai.

Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Hướng Mai (đứng giữa) tham gia Chương trình “CEO - chìa khóa thành công”
Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Hướng Mai (đứng giữa) tham gia Chương trình “CEO - chìa khóa thành công”

Có một thời,  không ít xưởng gỗ ở Đồng Kỵ vì cạnh tranh, nên đã bất chấp tất cả, chỉ sản xuất gia công mà thiếu đi sự tinh xảo, thiếu đi cái hồn cốt lâu đời của gỗ Đồng Kỵ rồi bán với giá rẻ. Cũng có lúc thị trường khó khăn, chính những xưởng gỗ ấy phải bán cho thị trường Trung Quốc với giá còn rẻ hơn nữa.

Nhưng tôi thì không chọn cách làm ấy, mà quyết định đi theo một hướng đi riêng. Phải xây dựng thương hiệu riêng cho gỗ Hướng Mai - Đồng Kỵ. Sản phẩm của tôi phải là hàng thật, chế tác tinh xảo và tỉ mỉ. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Bởi vậy, tôi thay vì trả công khoán, quyết định trả công nhật cho thợ. Thậm chí, chấp nhận cả việc một sản phẩm đáng lẽ chỉ làm trong 10 ngày đã đẹp, thì có khi phải trả công cho thợ cả tháng.

Khi sản phẩm của mình thực sự đẹp thì khách hàng sẽ tìm đến và tôi tin là điều đó giúp cho Hướng Mai có được thành công như ngày hôm nay.

Nhưng có vẻ như, bà vẫn chưa hài lòng với thành công này? 

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. 26 năm trước, tôi khởi nghiệp, bắt đầu từ một xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ của gia đình. Tôi yêu vùng đất này, yêu nghề gỗ của ông cha, yêu từ cái thuở còn… nằm nôi. Vì thế, với tôi, khát vọng cháy bỏng nhất là làm sống dậy làng nghề Đồng Kỵ.

Đã có một thời, giá trị của đồ gỗ Đồng Kỵ bị mai một, nhiều người tiêu dùng Việt Nam quay lưng với đồ gỗ Đồng Kỵ. Nhưng giờ đây, đồ gỗ Đồng Kỵ đã lấy lại được vị trí của mình. Tôi rất vui mừng vì điều đó, song vẫn muốn phát triển thương hiệu làng nghề, làm sao để Hướng Mai phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để tay nghề chạm khắc gỗ của những nghệ nhân Đồng Kỵ không bị mai một…

Vì thế, tôi đang ấp ủ xây dựng một trường dạy nghề cho con cháu trong làng. Tôi cũng đang lên kế hoạch cùng hợp tác để phát triển du lịch làng nghề Đồng Kỵ. Các làng nghề khác như Bát Tràng đã thu hút được rất nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước, vậy vì sao Đồng Kỵ lại không? Khách du lịch có thể đến Bắc Ninh, tới thăm chùa Phật Tích, tới Đền Đô rồi ghé qua Đồng Kỵ, kết hợp tham quan và mua sắm. Đây cũng là cách để thế giới biết đến Đồng Kỵ nhiều hơn. Khao khát của tôi là mang giá trị đồ gỗ Đồng Kỵ thương hiệu Việt đến khắp năm châu.

Vậy kế hoạch cụ thể của bà là gì, để đồ gỗ Đồng Kỵ tới được khắp năm châu?

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 4 trên thế giới, đồ gỗ Đồng Kỵ lại là những sản phẩm tuyệt vời. Vì thế, mục tiêu của tôi là sẽ đưa sản phẩm trước hết đến các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tôi đang từng bước thăm dò thị trường, tìm hiểu thị hiếu, văn hóa của người tiêu dùng các thị trường này để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm phù hợp. Đồng thời, lo phát triển thương hiệu, tìm đội ngũ phát triển sản phẩm mới, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài…

Làng nghề muốn phát triển tốt thì phải xuất khẩu được, xuất khẩu tốt thì các nghệ nhân sẽ có công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cá nhân, gia đình và cũng là làm giàu cho đất nước. Tôi hiểu điều đó, nhưng cái khó của tôi là xuất thân từ nông dân, giờ phải tiến lên kinh doanh chuyên nghiệp, mà kiến thức và kinh nghiệm chưa nhiều. Dù thời gian qua, tôi đã rất nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, nhưng vẫn còn cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Ngoài ra, quỹ thời gian của tôi cũng bị hạn chế, bởi vẫn vướng vào việc quản trị công ty, lo bán hàng, từ những việc tỉ mỉ, nhỏ bé nhất. Vì thế, chuyện thuê người điều hành đã phải bắt đầu…

Có nghĩa, bà đã bắt đầu tính đến chuyện chuyển đổi mô hình hoạt động của Hướng Mai?

Mục tiêu của tôi là trong năm 2017 này sẽ chuyển đổi mô hình công ty từ gia đình hiện nay sang mô hình kinh doanh chuyên nghiệp hơn, để dễ dàng trong điều hành, quản trị, để thực hiện các chiến lược đầu tư, kinh doanh dài hơi của mình. Hiện tại, hầu hết các vị trí chủ chốt trong Công ty đều do các thành viên trong gia đình tôi đứng tên. Nhưng các vị trí CEO, giám đốc sản xuất là thuê ngoài.

Chúng tôi đang hướng đến việc kinh doanh một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn, sẽ có cả trang web bằng tiếng Anh để giới thiệu về Công ty, sẽ thuê đội ngũ bán hàng online cho khách nước ngoài… Các sản phẩm của chúng tôi cũng sẽ được gắn mã vạch, hiển thị được đầy đủ các thông tin về sản phẩm, thậm chí cả nghệ nhân sản xuất, ngày sản xuất, giá trị, chất liệu gỗ, ý nghĩa về mặt phong thủy…

Làm được điều đó, tôi tin là khả năng hội nhập của Hướng Mai sẽ cao hơn, giấc mơ đưa gỗ Đồng Kỵ ra thế giới sẽ tới gần hơn.

Vậy còn chuyện chuyển giao thế hệ, thưa bà? Dù đang còn trẻ, còn nhiều năng lượng sống và làm việc, nhưng đã bao giờ bà nghĩ tới điều đó?

Với tôi, điều quan trọng là làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở. Bởi khoảng cách giữa thành công và thất bại rất ngắn.

Tôi là thế hệ thứ hai trong gia đình làm kinh doanh đồ gỗ. 26 năm trước, bằng tình yêu đối với nghề gỗ của ông cha, bằng sự nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình, tôi bắt đầu phát triển Hướng Mai và giờ, có thể nói là đã có những thành công bước đầu.

Chuyện chuyển giao thế hệ, tôi vẫn luôn nghĩ tới điều đó. Nhưng con trai tôi mới chỉ 28 tuổi, còn quá non trẻ để đảm nhiệm vị trí CEO, nên tôi vẫn phải đi thuê ngoài. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc chuyển giao thế hệ, tôi đã và đang hỗ trợ cho con trai tôi kiến thức và kinh nghiệm, sự tự tin, tạo các mối quan hệ, để con tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nhân thành đạt…

Tôi cũng để con tôi tham gia vào Công ty từ những việc nhỏ nhất, như ở vị trí công nhân sản xuất, tiến tới vị trí quản đốc và hiện tại là phó giám đốc sản xuất của Công ty. Đích cuối cùng là vị trí CEO, nhưng có lẽ phải 5-10 năm nữa, tôi mới có thể an tâm chuyển giao cho thế hệ kế cận.

Một câu hỏi cuối cùng, thưa bà, phương châm sống và kinh doanh của bà là gì?

Tôi rất tâm đắc với một câu nói thế này: Tôi chỉ sống trên đời này có một lần, vì vậy có thể làm điều gì nhân ái cho bất kỳ ai thì tôi sẽ không chậm trễ, bởi tôi sợ tôi không được sống đến lần thứ hai hoặc tôi không còn cơ hội.

Với tôi, điều quan trọng là làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở. Bởi khoảng cách giữa thành công và thất bại rất ngắn. Đừng vội từ bỏ, bởi không có gì là dễ dàng cả. Nếu tôi từ bỏ, từ khi tôi bị khách hàng lừa cả trăm triệu đồng từ 20 năm trước, hay nếu như tôi từ bỏ khi Hướng Mai gặp khó chỉ vì bị cạnh tranh không lành mạnh của các xưởng gỗ gia công giá rẻ, thì tôi đã không có được ngày hôm nay, để ngồi đây và trò chuyện cùng bạn (mỉm cười).

Xuất khẩu đồ gỗ khó đạt mục tiêu 7 tỷ USD
Với những khó khăn về thị trường, giá bán giảm trong khi chi phí đầu vào lại gia tăng…, dự báo xuất khẩu gỗ năm 2015 khó đạt mục tiêu 7 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư