Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nữ tỷ phú tự thân phía sau “kỳ tích” HDBank
Thùy Vinh - 20/02/2018 10:45
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức nổi tiếng khi Bloomberg công bố bà là nữ tỷ phú đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2016. Sau đó, tên tuổi bà Thảo gắn nhiều với thương hiệu Vietjet Air, song thực chất, nghề chính của bà là ngân hàng. Ngoài chức danh Tổng giám đốc Vietjet Air, bà đang giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, cái tên đang rất nổi trên sàn chứng khoán những ngày này.

Từ năm 26 tuổi, bà Thảo đã là một bóng hồng quyền lực trong ngành kinh doanh tiền tệ khi là thành viên HĐQT Techcombank và cũng lập kỷ lục là thành viên HĐQT trẻ nhất toàn ngành thời điểm đó. Cũng vì vậy, bà Thảo đã sớm nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Sau đó, thành tựu của bà trong ngành này đáng nói hơn nhiều, đó là đưa HDBank từ một ngân hàng quy mô vừa vào top ngân hàng cổ phần lớn nhất tại Việt Nam, với cách đi độc đáo - cách đi đã tạo ra một tỷ phú nữ tự thân đầu tiên của Đông Nam Á.

Tham lam khi mọi người sợ hãi

Dấu ấn của bà Thảo tại HDBank không dừng lại ở khả năng quản trị điều hành ngân hàng hoàn hảo, mà cần phải kể tới những bước đi gần như không tưởng, trong đó có 2 thương vụ M&A đình đám.

.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Đầu tiên là thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank, được công bố vào tháng 11/2013. Thương vụ này đưa HDBank lọt vào nhóm ngân hàng quy mô lớn thời điểm đó, với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản 85.000 tỷ đồng và mạng lưới 210 điểm giao dịch trên toàn quốc. Thương vụ này diễn ra vào thời điểm ngành ngân hàng đang phải tái cấu trúc, rất nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt, âm vốn chủ sở hữu… Thời điểm ấy, khi không ai muốn đầu tư vào ngân hàng thì bà Thảo lại làm điều ngược lại là mua thêm.

Trước thương vụ trên một thời gian ngắn, vào tháng 8/2013, HDBank mua Công ty Tài chính SGVF từ Ngân hàng Société Générale (Pháp). Thương vụ tạo ra bước đi chiến lược, bởi sau đó Công ty Tài chính HDBank tiếp tục liên doanh với đối tác Nhật Bản để trở thành Công ty Tài chính HD SAISON, một trong 3 công ty dẫn dắt thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay.

Nói thêm một chút về SGVF. Đây là công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam, nhưng kinh doanh không thuận lợi như dự kiến, nên Société Générale đã phải bán đi trong chương trình tái cấu trúc toàn cầu của tập đoàn này. Bà Thảo đã chớp thời cơ và chỉ đi sớm hơn các ngân hàng khác một khoảnh khắc, bởi sau đó, một loạt ngân hàng cũng mua lại các công ty tài chính để tham gia thị trường tài chính tiêu dùng. Cái “khoảnh khắc” ấy tạo ra bao nhiêu lợi nhuận cho HDBank thì người bên ngoài ít được biết, nhưng chắc chắn sẽ là con số không nhỏ nhờ vị thế dẫn dắt thị trường của HD SAISON mà nhiều ông chủ ngân hàng khác chưa làm được.

Chỉ với 2 thương vụ “tham lam khi mọi người sợ hãi”, HDBank đã lọt vào top 8 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, theo đánh giá của Tạp chí The Asian Banker. Câu nói đó của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet đúng trong trường hợp của HDBank. Không chỉ “tránh xa” khủng hoảng, HDBank còn trở thành ngân hàng tận dụng khủng hoảng một cách tốt nhất.

Nhưng tất nhiên, HDBank không chỉ có 2 thương vụ nổi bật này, dấu ấn điều hành của một tỷ phú tại Ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng và mức độ hiệu quả mang lại.

Sau khi sáp nhập DaiABank, HDBank có sự ổn định nhanh, phát triển theo cấp số nhân. Các khác biệt về văn hóa được xóa nhòa, nhân viên hai ngân hàng trở thành một tập thể vững mạnh, gắn bó và đoàn kết.

Kết thúc kế hoạch 5 năm 2011 - 2016, HDBank phát triển với tốc độ cao, liên tục, nhưng ổn định, nợ xấu ở mức thấp nhất toàn ngành, các chỉ số về thước đo tính hiệu quả đạt tỷ lệ mơ ước. Trong khi đó, HD SAISON hiện là con “gà đẻ trứng vàng” với sự phát triển vượt bậc về quy mô, mạng lưới, khách hàng, dư nợ cho vay.

Từ một ngân hàng quy mô nhỏ, dưới tay “chèo lái” của bà  Phó chủ tịch thường trực HĐQT, HDBank đã không ngừng tăng trưởng về mọi mặt, cả về quy mô hoạt động lẫn nội tại… Với mức vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng ban đầu, sau 19 lần điều chỉnh vốn, đến nay vốn điều lệ của HDBank đạt trên 9.800 tỷ đồng.

Bà Thảo tin tưởng ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục của HDBank, khả năng phát triển doanh thu trên nền tảng kênh phân phối dày đặc, dịch vụ rộng và hoàn chỉnh, hệ thống công nghệ tiên tiến.

Điều kỳ lạ là, bà Thảo luôn làm nên những điều kỳ tích trong thời gian ngắn và dường như bà quyết định đầu tư vào đâu đều cầm chắc thành công. Như bà từng chia sẻ với Forbes rằng: “Do ngành hàng không gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng, Vietjet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng nếu so với những điều tôi làm từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả. Các doanh nghiệp khác của tôi, như HDBank, trong 8 năm đã tăng trưởng gấp 15 lần, HD SAISON tăng 800% trong 3 năm kể từ khi mua lại”.

Banker đam mê kinh doanh từ rất trẻ

Sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học sau kỳ thi xuất sắc vào Đại học Ngoại thương Hà Nội. Trong giới doanh nhân thành đạt trở về từ Đông Âu, bà Thảo là nữ doanh nhân bước vào thương trường và thành công sớm mà vẫn đam mê sự nghiệp học hành, nghiên cứu khoa học.

Đến hết năm 2017, HDBank có tổng tài sản hợp nhất trên 191.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng; Tổng huy động vốn 168.800 tỷ đồng; tổng dư nợ 111.900 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 1,1%, hợp nhất cùng HD SAISON là 1,5%; hệ số an toàn vốn bình quân 14%; lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng; đội ngũ nhân viên hơn 13.000 người; mạng lưới hoạt động với hơn 240 điểm giao dịch, hơn 10.000 điểm giao dịch tài chính trên khắp cả nước và 4,8 triệu khách hàng.

Cô gái bé nhỏ xinh xắn thời ấy đã trải qua 3 trường đại học danh giá với chuyên ngành tài chính - tín dụng ngân hàng; kinh tế; nghệ thuật hiện đại và trở thành tiến sỹ kinh tế vào năm 27 tuổi. Tuy thành công khá sớm, song nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo rất kín tiếng. Không nhiều người biết bà tham gia sáng lập và quản trị những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam là Techcombank và VIB. Bà được xem là một banker xuất chúng, trẻ nhất Việt Nam.

Quay lại với câu chuyện bà Thảo làm Phó chủ tịch HĐQT VIB khi còn rất trẻ, đây là giai đoạn mới về nước kinh doanh. Tại sao đầu tư vào ngân hàng thì cũng phần nhiều là bởi bà “thích tiền”, mà ngân hàng thì gắn rất sát với tiền! Kinh doanh giai đoạn đó không dễ vì nền kinh tế vừa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Nhưng điều đó là một kinh nghiệm quý để HDBank - mà bà Thảo đầu tư sau đó - được coi là một trong số ít ngân hàng Việt Nam hoạt động rất bài bản và  “không nhúng ngón chân nào vào khủng hoảng”, kể cả giai đoạn ngành ngân hàng gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, hay sau đó là giai đoạn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tới năm 2003, bà đầu tư vào HDBank. Cùng với Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm, bà Thảo là linh hồn của chiến lược đổi mới, tăng tốc toàn diện của HDBank. Với tiến trình sáp nhập được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, từ đây, hệ thống ngân hàng có thêm một định chế tài chính vững mạnh hơn.

Điều đáng chú ý hơn, bà Thảo luôn đón đầu được xu hướng khi đưa cổ phiếu HDB niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên (5/1/2018) là 33.000 đồng/cổ phiếu, HDBank có vốn hóa 32.373 tỷ đồng (1,43 tỷ USD) và nằm trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE.

HDBank lên sàn, tài sản của nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam tăng vọt lên 26.500 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau gần 1 tháng niêm yết, giá cổ phiếu HDB đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, gần 40%. Cổ phiếu HDB còn thu hút được dòng tiền lớn từ nhà đầu tư nước ngoài với đợt chào bán 21,5% cổ phần trước niêm yết, thu về 300 triệu USD.

Chia sẻ về triết lý kinh doanh, bà Thảo hay nói về chữ “Tín” và sự chăm chỉ trong công việc. Kín tiếng nhưng bà cũng rất nổi tiếng khi chia sẻ năm 21 tuổi trở thành triệu phú với vốn liếng ban đầu chỉ là chữ tín, sự trung thực và biết giữ niềm tin cho đối tác. Triết lý kinh doanh này được duy trì bền bỉ trong tất cả các lĩnh vực bà Thảo đầu tư, từ hàng không, bất động sản tới ngân hàng.

Mới đây, chia sẻ với báo chí quốc tế, bà Thảo cho biết, sẽ tập trung cho mục tiêu kế hoạch 5 năm 2017 - 2021 đưa HDBank trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng đa năng hàng đầu, ưu tiên phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, bà luôn đặt hoạt động kinh doanh song song với hoạt động cộng đồng, tạo nên nét văn hoá rất riêng của nhân viên HDBank.

“Sống tốt và làm từ thiện” là lời dặn dò của bà Thảo với nhân viên của mình.

HDBank hé lộ cổ tức khủng
Chiều ngày 3/1/2018, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư trước thềm niêm yết trên Sở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư