Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Núp bóng” Covid-19 quảng cáo thực phẩm chức năng trá hình
Dương Ngân - 29/08/2021 16:20
 
Trong lúc nhiều người dân hoang mang, lo lắng vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình để bán thực phẩm chức năng dưới “bóng” hỗ trợ điều trị Covid-19.
Hai sản phẩm Xuyên tâm liên quảng cáo lừa dối người tiêu dùng là có công dụng kháng Covid-19
Hai sản phẩm Xuyên tâm liên quảng cáo lừa dối người tiêu dùng là có công dụng kháng Covid-19

Biến không thành có

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân rất tinh vi lách luật,  quảng cáo sản phẩm lừa dối người tiêu dùng dưới “mác” thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, hoặc có tác dụng phòng ngừa mắc Covid-19.

Những ngày qua, trang Facebook cá nhân có tích xanh với hơn 2 triệu lượt theo dõi mang tên Angela Phương Trinh liên tục đăng tải thông tin dùng địa long (giun đất) để điều trị Covid-19. Câu chuyện được cô này nhắc đến là một bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh nhờ ăn địa long với cháo. Những bài viết đó đều thiếu căn cứ khoa học, nhưng thu hút hàng ngàn lượt quan tâm, tương tác của cộng đồng mạng.

Nếu quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 70 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng và mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm buộc cải chính thông tin.

Tìm hiểu, phóng viên Báo Đầu tư được biết, những trang Facebook mà cô này hướng người dùng tìm đến có bán các sản phẩm như Hollywork, Doragon (200.000 đồng/hộp 100 viên), hoặc bột địa long (180.000 đồng, đóng dạng gói). Sản phẩm Doragon là thực phẩm chức năng được quảng cáo có thành phần chính gồm cao địa long, cao sinh khương, công dụng giúp hạ men gan, không có thông tin gì liên quan đến việc điều trị Covid-19.

Một vụ việc khác gây nóng dư luận thời gian qua là sản phẩm Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021, sản phẩm Kovir được doanh nghiệp nhiều lần gửi tới các cơ sở y tế tại Bắc Giang, TP.HCM để ủng hộ bệnh nhân Covid-19. Cuối tháng 7/2021, khi một văn bản của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) nêu tên Kovir là một trong 12 sản phẩm điều trị Covid-19, thì sản phẩm này bỗng trở nên rất “hot”, được bán trên thị trường với giá 1 triệu đồng/hộp, trong khi trước đó chỉ có giá 200.000 - 300.000 đồng/hộp.

Sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất (một trong 12 sản phẩm được “gọi tên” trong văn bản của Cục Quản lý y dược cổ truyền) cũng tăng giá bán từ 94.000 đồng/hộp lên 99.000 đồng/hộp.

Sau khi nhận được nhiều phản ứng gay gắt về việc “điểm mặt, chỉ tên” 12 loại sản phẩm điều trị Covid-19 của Cục Quản lý y dược cổ truyền là không có cơ sở khoa học và không hợp lý, Bộ Y tế đã rút lại văn bản. Tuy nhiên, trước đó, nhiều người dân đã đổ xô đi mua, tích trữ các sản phẩm này.

Ngoài việc tăng giá bán một số sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ điều trị Covid-19, một số cơ sở còn lợi dụng lòng tin của người dùng để bán sản phẩm giả mạo.

Theo đó, 2 sản phẩm được khẳng định giả mạo là Xuyên tâm liên CV19 vỏ màu đỏ, được quảng cáo kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, nâng thể trạng, giảm ho, tiêu đờm, bảo vệ gan, điều trị đau họng, cảm cúm...; Xuyên tâm liên CV19 vỏ màu xanh “nổ” công dụng là tăng miễn dịch, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp; kháng virus tiềm năng trong việc điều trị Covid-19 và phòng, chống Covid-19.

Một sản phẩm thực phẩm chức năng khác cũng lợi dụng Covid-19 để đánh bóng tên tuổi là Vipdervir C do Công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia sản xuất, được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép cuối tháng 6/2021. Sản phẩm này có tên gọi gần như trùng khớp với thuốc Vipdervir (chỉ khác nhau chữ “C” ở cuối - PV) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, công bố đã qua giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng và được phép thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 8/2021.

Nhiều dược sĩ và bác sĩ bức xúc, việc đặt tên 2 sản phẩm có công dụng hoàn toàn khác nhau, một là thuốc, một là thực phẩm chức năng với tên “na ná” nhau có thể gây hiểu nhầm cho người dân rằng, 2 loại là một và đều có khả năng chữa Covid-19. Nếu cố tình gây ra sự hiểu lầm, thì không đơn giản là hiểu lầm nữa, mà là trục lợi, là lợi dụng các nhà khoa học để bán hàng.

Không có loại thực phẩm chức năng nào điều trị Covid-19

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, 2 sản phẩm Xuyên tâm liên được quảng cáo nêu trên chưa đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm theo quy định, nhưng lại quảng cáo lừa dối người tiêu dùng là có công dụng kháng Covid-19. Trong lúc chờ cơ quan chức năng xử lý các sai phạm liên quan tới quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19, người dân tuyệt đối không mua và sử dụng.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, hiện chưa có loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19. Đặc biệt, không có bất kì thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”. “Khi có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời; không mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, do mức lợi nhuận của việc kinh doanh thực phẩm chức năng với quảng cáo có tác dụng điều trị Covid-19 quá lớn, nên nhiều đối tượng chấp nhận bị phạt để thực hiện hành vi vi phạm.

Trở lại với câu chuyện địa long chữa Covid-19 mà tài khoản Facebook Angela Phương Trinh nhắc tới, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) khẳng định, đến nay, không có bằng chứng khoa học nào về tác dụng của địa long trong điều trị Covid-19.

Bác sĩ Ninh cho biết, gần đây, Bệnh viện được nhà sản xuất tặng một số sản phẩm có chứa địa long, nhưng các bác sĩ không khuyến cáo bệnh nhân dùng nếu chưa có bằng chứng khoa học. “Đông y tác dụng không nhanh, nên có trường hợp nhà sản xuất trộn tân dược vào đông y, hoặc người dùng nghe theo mách nước, sử dụng loại không rõ nguồn gốc. Kết quả, bệnh không những không được chữa khỏi, mà còn có thể dẫn đến suy gan, thận, nguy hiểm với sức khỏe”, bác sĩ Ninh khuyến cáo.

Hà Nội, Hưng Yên: Thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng
40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang..., không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị lực lượng Quản lý thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư