Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nút thắt hạ tầng “ngáng chân” ngành logistics
Việt Dũng - 19/06/2022 15:30
 
Những vấn đề về hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, giao thông, chính sách... đang “ngáng chân” ngành logistics phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hạ tầng xuống cấp

TP.HCM có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi để phát triển logistics. Đây là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất khu vực phía Nam, cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước. Nằm giữa các trục đường bộ Đông - Tây, Bắc - Nam, cùng với hệ thống hải cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước, Bến Nghé, Tân Thuận... nên hầu hết hàng hóa giao thương giữa các tỉnh/thành phố, hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều đi qua TP.HCM. Tuy nhiên, vấn đề kết nối, hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển tương xứng, tạo nên điểm nghẽn cản trở việc phát triển của ngành logistics.

Cụ thể, các dự án đường cao tốc, đường vành đai 3, 4 còn chậm tiến độ. Chưa có quy hoạch phát triển đa phương thức giữa đường thủy - đường bộ - đường sắt để tăng tính linh hoạt cho các hoạt động vận tải xuất nhập khẩu, góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Quy hoạch các khu công nghiệp còn chồng chéo với khu dân cư, gây tắc nghẽn đường và mất an toàn cho người dân. Chưa ưu tiên tập trung phát triển hậu cần logistics cảng biển…

Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện ngành logistics đóng góp gần 9% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố, tương đương khoảng 117.000 tỷ đồng và có tới 54% doanh nghiệp logistics có trụ sở tại Thành phố.

Đơn cử, tại TP. Thủ Đức, nơi có hơn 1.700 doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ vận tải, kho bãi tập trung chủ yếu tại các phường Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Trường Thọ, Linh Trung, Phú Hữu, Long Bình và phường Phước Long A… Thế nhưng, vận tải đường bộ vẫn là phương thức hoạt động chính, trong khi đó, hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp.

Ông Nguyễn Duy Bình, Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần Minh Phương Logistics nhận xét, hiện nay TP. Thủ Đức chưa có các trung tâm logistics tương xứng, khu kho vận tập trung có vị trí chưa phù hợp, nên làm tăng chi phí xử lý hàng hóa cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu. Trong khi đó, lượng lớn hàng hóa nhập khẩu qua cảng Cát Lái, sau đó chuyển ngược về các tỉnh lân cận và cung ứng cho TP.HCM. Do vậy, nguồn doanh thu lớn từ logistics vẫn chưa mang về cho địa phương.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Thủ Đức cũng cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải ra vào cảng, trung bình mỗi xe tải phải dừng chờ 2-3 giờ, kéo dài hàng chục cây số. Đây là thế kẹt về hạ tầng. Điểm yếu lớn nhất của ngành logistics là hệ thống kết nối đường bộ với cảng không đồng bộ.

Đầu tư nâng cao năng lực ngành logistics

Góp ý về các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành logistics, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics Tân Cảng cho rằng, cần tăng năng lực đón tàu, phát triển vận tải đa phương thức kết nối cảng; phát triển kết nối đa phương thức cả đường thủy, đường bộ, đường sắt. Song song đó, phải đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng như nút giao Mỹ Thủy, đường Vành đai 2, Vành đai 3, mở rộng đường Đồng Văn Cống... để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển.

Ông Trịnh Quang Tuấn, Phó trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cũng nhìn nhận, cần phân tuyến giao thông rõ ràng, tách biệt giao thông hàng hóa ra - vào cảng Cát Lái với các tuyến đường di chuyển cho người dân tại những khu vực đông dân.

Chia sẻ tại Tọa đàm Quy hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TP. Thủ Đức diễn ra mới đây, đại diện Công ty cổ phần Thương mại cơ khí Tân Thanh đề xuất, ở những trạm thu phí nên thực hiện thu phí không dừng để rút ngắn thời gian chờ đợi của tài xế. Ngoài ra, nên đặt những trạm cân ở vị trí trạm thu phí đường bộ, đảm bảo vấn đề phương tiện không chở quá tải, việc này cũng đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp logistics.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất cần có làn đường riêng dành cho xe container lưu thông, vừa tránh ách tắc, vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khác.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, trong kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển ngành logistics TP.HCM giai đoạn 2025-2030 đã nêu rõ 6 giải pháp, trong đó phát triển hệ thống trung tâm logistics là cấp thiết. Hiện nay các trung tâm phát triển tự phát, chưa có sự phối hợp công - tư, nên chưa có trung tâm logistics nào đủ tầm.

“TP.HCM cần đầu tư 7 trung tâm logistics theo hình thức kêu gọi đầu tư. Trong đó, TP. Thủ Đức có 3 trung tâm logistics ở các khu gần cảng Long Bình, cảng Cát Lái, khu công nghệ cao... đến năm 2023 phải hoàn tất mọi thủ tục tư vấn, kêu gọi đầu tư. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng, với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.

Doanh nghiệp ngành Logistics tại Thủ Đức gặp nhiều rào cản
Hạ tầng kết nối, hạ tầng giao thông, chính sách,..là những rào cản khiến ngành logistics tại TP.Thủ Đức-TP.HCM chậm phát triển.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư