Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ơn Bác dạy, Nam Cường ghi nhớ mãi
Lã Quý Hưng - 19/05/2022 08:54
 
Lời ca bài hát “Thái Bình ơn Bác” cứ vang lên trong những ngày Nam Cường kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm...

“Bác về thăm Nam Cường Tiền Hải/ Lúc bấy giờ còn lập bãi, thưa mái nhà chưa có bóng cây/ Bây giờ đất đã xanh cây/ Chỗ đất đứng đã thành cây cam vàng... Bác dặn dò gian khổ cố vượt lên/ Muốn ăn quả phải trồng cây”. 

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường khánh thành đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Người
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường khánh thành đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Người

Nam Cường tiên phong lấn biển

Đầu năm 1961, huyện Tiền Hải thành lập tiểu đoàn khai hoang Nam Cường, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Cường với 200 hộ, hơn 1.300 nhân khẩu của 26 dòng họ từ các xã trong huyện. Ngày 23/4/1961, công cuộc khai hoang lấn biển mở đất chính thức bắt đầu. Tiểu đoàn tổ chức phân công lao động với các mũi chủ công: sản xuất muối, đánh bắt cá, quật đất lập thổ, làm nhà và vỡ hoang trồng lúa.

Trong bối cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, chủ yếu là sức người với quyết tâm chiến thắng, những người nông dân Nam Cường sau 1 năm đã làm nên kỳ tích khai phá được hơn 200 ha, mở rộng diện tích đất canh tác, trong đó có 90 ha đất trồng lúa, hơn 100 ha trồng cói và nuôi trồng thủy sản. Vụ lúa đầu tiên đã sai bông mẩy hạt, cho thu hoạch trên 100 tấn thóc. Đời sống người dân từng bước ổn định, tạo nền móng cho sự ra đời xã Nam Cường bên biển cả bao la.

Những lời dạy nặng nghĩa tình

Công cuộc và kỳ tích khai hoang lấn biển của Nam Cường đã tạo ấn tượng với Bác. Nên dù bận trăm công ngàn việc của đất nước trong những năm tháng đang chiến tranh, Bác vẫn dành thời gian về thăm mảnh đất kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Ngày ấy chưa có đường lớn, Bác phải đi trực thăng đáp xuống vùng đất bãi, Bác vừa đi vừa vẫy chào đồng bào trong tiếng vỗ tay và tiếng hô vang: “Bác Hồ muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”.

Đặt chân xuống vùng đất mới, đầu tiên Bác đến thăm nơi ăn chốn ở, ân cần hỏi thăm cuộc sống và sức khỏe của người dân khai hoang. Vào thăm nhà chị Lưu, người phụ nữ đầu tiên sinh con trai ở làng khai hoang, thấy anh Lưu đau mắt hột, Bác liền căn dặn lãnh đạo xã “phải làm mọi cách để bảo vệ con mắt cho bà con”.

Tại Ban chỉ huy tiểu đoàn khai hoang, trong căn lán nhỏ dựng tạm được bố trí bàn ghế, micro để Bác nói chuyện với đồng bào, nhưng Bác đề nghị: “Bác muốn ra ngoài để nói chuyện với đồng bào, cho mọi người nhìn thấy Bác rõ hơn”. Bác chỉ chỗ ngồi cho các cụ già, cho các cháu thiếu nhi rồi mới ân cần trò chuyện.

Năm 2015, đại diện lãnh đạo xã, thôn, những người đi khai hoang năm 1961 của Nam Cường đã được vào Lăng báo công dâng Bác, thăm tòa nhà Quốc hội và được lãnh đạo Quốc hội tiếp đón. Ðặc biệt, ngày 20/8/2019, Chủ tịch nước ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Cường.

Giọng Bác thân thương, ấm áp: “Được biết, đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển, hôm nay Bác cùng các đồng chí Bùi Quang Tạo, Nguyễn Khai, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm đồng bào Nam Cường”. Cả biển người đồng thanh hô vang: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”.

Bác khen ngợi tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm quai đê, lấn biển mở rộng diện tích canh tác của cán bộ và nhân dân Nam Cường. Bác mở tấm bản đồ do Viện Thiết kế vẽ về Nam Cường mang từ Hà Nội về, Bác nhận xét: “Bản đồ vẽ đẹp, đồng bào Nam Cường làm được như trong thiết kế, đồng bào sẽ có một quê hương mới giàu và đẹp”. Rồi Bác góp ý với cán bộ về việc xây dựng khu nhà ở, nơi làm trường học và nhà y tế hộ sinh.

Bác cười rất tự nhiên rồi hỏi: “Đồng bào có muốn ăn cam không?” Tất cả: “Thưa Bác, có ạ”. Bác bảo: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam. Trồng cam hạt 5 năm có quả. Trồng cam chiết 3 năm có quả. Nhưng phải chăm bón. Đồng bào đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất thì mới nhanh chóng ổn định được đời sống”.

Bác căn dặn đồng bào khi đi khai hoang: “Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, các cháu đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó. Xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ, đảng viên thì mọi việc mới thành”.

Bác khuyên mọi người nêu cao tinh thần làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Bác đã động viên: “Đồng bào đi khai hoang, gian khổ không kém gì các chiến sỹ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết. Giống như dây chão được xe lại bằng nhiều sợi nhỏ. Dây lớn, không thể đứt được!”.

Nói chuyện xong, Bác gọi tên những người được bầu là chiến sĩ thi đua để Bác gắn huy hiệu. Gắn huy hiệu cho ai, Bác đều hỏi tên người đó. Đến lượt đồng chí Lê Văn Thốn, Bác bảo: “Thốn là thiếu thốn, ta đi xây dựng hợp tác xã là để có đủ ăn và thừa ăn. Từ nay chú bỏ dấu sắc đi nhé!” Thật vui và đầy ý nghĩa.

Gắn huy hiệu xong, Bác quay ra nói chuyện với mọi người. Bác hỏi: “Có ai muốn Bác thưởng huy hiệu nữa không nào?” Tất cả lại đồng thanh: “Có ạ”. Bác cười rồi nói: “Đồng bào thi đua lập nhiều thành tích tốt, rồi Bác sẽ thưởng”. Mọi người lại đồng thanh hô vang: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”

Nam Cường làm theo lời Bác

Phải 13 năm sau ngày Bác về, năm 1975, xã Nam Cường chính thức được thành lập. Trong suốt chặng đường dài gian khó cũng như mãi mãi sau này, nhân dân Nam Cường luôn ghi nhớ và làm theo những lời căn dặn của Bác. Bác dạy: mọi việc khi bắt đầu làm đều khó, phải quyết tâm phấn đấu vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mình mong muốn.

Năm 1994, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, của huyện, bằng tất cả tấm lòng, tình cảm của mình, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Nam Cường đã góp công góp của xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Ngày 19/5/1995, Đền thờ Bác được khánh thành, trở thành nơi thiêng liêng hội tụ đời sống văn hoá tinh thần và là niềm tự hào của nhân dân Nam Cường.

Hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm ngày Bác về thăm (26/3/1962) cán bộ, nhân dân Nam Cường lại mở hội truyền thống báo công với Bác. Các khu, cụm dân cư đều làm cơm cúng Bác và tổ chức liên hoan.

Đặc biệt, tuy không được chọn làm xã điểm, nhưng với truyền thống đoàn kết, khắc ghi lời dạy của Bác phải tự lực, tự cường cùng với sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân, năm 2013, Nam Cường là một trong 4 xã đầu tiên của huyện Tiền Hải đạt chuẩn nông thôn mới. Hơn thế, Nam Cường còn trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới tiết kiệm, hiệu quả.

Làm theo lời Bác, Nam Cường đã tận dụng lợi thế là xã ven biển để dồn trọng tâm vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là xã tiên phong của huyện, của tỉnh trong phát triển nghề ươm ngao giống với 34 ha chuyên sản xuất ngao giống trắng, cung cấp cho thị trường. Giá trị kinh tế hàng năm mang lại hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nam Cường còn phát triển nuôi tôm công nghệ khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Làng quê như tranh, như ô bàn cờ, phía trước nhà nào cũng là đường bê tông láng mịn, ô tô đỗ tận cửa, nhà cao tầng san sát. Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: “Nam Cường giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo mới”. Đúng như dặn dò mong ước của Bác khi tặng tấm bản đồ thiết kế.

Cùng với phát triển kinh tế biển, Nam Cường còn chú trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nam Cường có 1 điểm công nghiệp với các nhà máy sản xuất nhựa xuất khẩu, thân thiện môi trường. Nam Cường cũng có 1 sản phẩm OCOP 3 sao thương hiệu “Nước mắm Tiền Châu”.

Thể theo nguyện vọng của cán bộ, nhân dân, sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, huyện Tiền Hải, ngày 19/5/2021, công trình Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khởi công trên nền khu Đền thờ cũ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Cường đã tích cực tham gia xây dựng công trình… Đặc biệt, Nam Cường xin được “thay áo mới” cho Bác. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Ngọc Sang tâm sự, tượng Bác đã được mạ vàng như một tấm áo nặng nghĩa ân tình, yêu thương của cả quê hương Nam Cường dâng lên Bác.

Khu lưu niệm được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2022), là biểu tượng cao đẹp thể hiện lòng thành kính và biết ơn vô hạn của Đảng bộ, nhân dân Thái Bình với Bác Hồ kính yêu.

Những câu chuyện nhỏ, nhưng lại là bài học lớn Người dành cho nhân dân Nam Cường giữa lúc muôn vàn khó khăn của buổi đầu dựng nghiệp. Sự quan tâm của Bác như tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu quê hương tha thiết trong mỗi trái tim người dân Nam Cường đồng lòng quyết tâm khai hoang lấn biển, biến mảnh đất hoang hóa thành làng quê trù phú, ấm no.

Chủ tịch nước phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ"
Hôm nay (15/2), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Lễ và đánh trống phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Bính Thân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư