Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ông Kiên... siêu nhẹ
Cẩm Nhung - 26/10/2013 07:56
 
Từng ngã rẽ, ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (MITI) đều có những bước chuyển dứt khoát, chắc chắn nhờ việc xác định mục tiêu rõ ràng.

Ngã rẽ

Bỏ nghề bác sỹ để kinh doanh, đơn giản là vì gánh nặng gia đình, ông Nguyễn Trí Kiên không ngờ rằng, quyết định đó đã xoay chuyển toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (MITI)

Tốt nghiệp y khoa năm 1992, ông Kiên vừa làm, vừa học chương trình sau đại học để nâng cao kiến thức.

Nhưng tấm bằng thạc sĩ và một công việc khá tốt tại bệnh viện không đủ để bác sỹ nhi Nguyễn Trí Kiên giải quyết những khó khăn của gia đình lúc đó.

“Là con trai duy nhất, tôi muốn gánh vác bớt khó khăn và vất vả giúp gia đình. Họ đã vất vả suốt bao nhiêu năm để tôi có thể tập trung học tập, trở thành một bác sỹ. Bấy giờ, tôi nghĩ phải giúp gia đình vượt qua khó khăn”, ông Kiên kể lại.

Gia đình ông sống bằng nghề may túi xách, cặp học sinh bỏ mối cho các chợ. Cơ sở nhỏ, lại gặp lúc cạnh tranh bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc, việc làm ăn đình trệ.

Hiện tại, Nguyễn Trí Kiên đang được giới kinh doanh hàng tiêu dùng biết đến là người đã tạo ra chiếc cặp siêu nhẹ, đẩy lùi các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Không dừng lại ở một sản phẩm, hiện tại, các loại sản phẩm túi xách, vali... của Miti cũng lần lượt vượt lên các đối thủ cùng loại nhập ngoại.

Nghe kể thì đơn giản vậy, nhưng cuộc chiến với các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc vốn lũng đoạn thị trường Việt Nam nhiều năm chắc chắn không hề nhẹ nhàng như lời kể lại.

Ngay cả bước ngoặt cuộc đời mà ông Kiên cho là buộc phải làm để đưa gia đình thoát khỏi khó khăn cũng vậy, chắc cũng nhiều đắn đo. Nhưng có vẻ như cách xử lý của Nguyễn Trí Kiên khiến mọi người cảm thấy mọi việc sẽ ổn. Cũng như cách ông nghĩ, khi việc kinh doanh tốt lên sẽ quay lại với nghề mình yêu thích khi từ bỏ nghề y.

Mục tiêu từng bước

Giờ thì ông không quay lại với nghề mà ông đã từng yêu thích và đeo đuổi, nhưng sâu sa, chính kiến thức và tấm lòng của một bác sỹ nhi đã tạo nên sự nghiệp của doanh nhân Kiên... siêu nhẹ.

Những năm 2000, vẫn sản xuất cặp học sinh theo nghề của gia đình, nhưng ông Kiên luôn cảm thấy áy náy khi nhìn đôi vai nhỏ xíu của các em bé gồng lên đỡ cặp sách. Thử cân, riêng cặp đã hơn một cân, chưa tính sách vở, trong khi có đứa trẻ bước vào lớp 1 nặng chưa đầy 20 ký.

Người bác sỹ nhi trong Nguyễn Trí Kiên đã hối thúc các ý tưởng cải tiến, nhưng nhiều lần không thành công.

“Tình cờ, tôi biết đến vật liệu xốp, nhẹ và quyết định thử nghiệm nó trên chiếc cặp học sinh. Chiếc cặp chỉ còn 600 gram. Mừng lắm!”, ông kể khi nhớ lại lần sản xuất thành công đầu tiên vào năm 2001.

Nhưng có sản phẩm nhẹ rồi, đưa đến được với các em học sinh lại là vấn đề khác. Khi đó, thị trường tràn ngập hàng Trung Quốc với giá cả, hình thức rất bắt mắt. Không dễ để giới thiệu một sản phẩm mới, giá cả cao hơn, dù tốt cho sức khỏe.

“Thay đổi cách kinh doanh. Tôi quyết định lập chuỗi cửa hàng Miti thay cho kênh phân phối truyền thống. Từ một cơ sở sản xuất gia công nhỏ, chỉ cung cấp cho các chợ đầu mối, Miti đã có chuỗi cửa hàng riêng mình”, ông Kiên nói.

Các bước đi dứt khoát, rõ ràng với định hướng trực tiếp đến người tiêu dùng của ông Kiên đã tạo nên sự thành công của sản phẩm cặp siêu nhẹ Miti. Tiếp sau cặp siêu nhẹ, ông Kiêm tiếp đà tạo ra các sản phẩm siêu nhẹ khác như túi xách, vali, dây lưng...

“Làm cặp siêu nhẹ khó, nhưng vali siêu nhẹ lại khó hơn vì yêu cầu đặc biệt của sản phẩm này là phải bền. Nào thì mút phải xốp hơn, co giãn và có độ phồng cứng hơn. Hay tạo ra các lỗ hổng thời trang để giảm trọng lượng của cặp, sử dụng bánh xe xoay 360 độ để tiện di chuyển.... Phải cân nhắc xem nếu mình là người dùng thì cần gì”, ông Kiên kể.

Mới ra thị trường được 2 tháng, nhưng vali siêu nhẹ của Miti đã nhận được tín hiệu khá tốt từ khách hàng. Mỗi tháng, Miti cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 chiếc vali siêu nhẹ.

Các bước tiếp

Hiện nay, Miti đã có hơn 400 đại lý và 80 cửa hàng trực thuộc công ty. Kế hoạch đánh bại sản phẩm ngoại nhập kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà ông Kiên đặt ra cho chính mình cũng đã hòm hòm.

Tiếp theo, ông Kiên đang lên kế hoạch lấn sân thị trường cho sản phẩm ví da và dây lưng cho nam. Mục tiêu của ông Kiên không chỉ là đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn phải đánh bật hàng ngoại nhập cùng phân khúc, để khẳng định với người tiêu dùng Việt về sản phẩm chất lượng do người Việt tạo ra.

“Tôi rất muốn khách hàng tin tưởng chọn hàng Việt Nam khi mua sắm. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải lao động, phải trải nghiệm và phải quyết tâm lên kế hoạch cho mình”, ông Kiên nói.

Trò chuyện với CEO Nguyễn Trí Kiên

Quan điểm kinh doanh của ông là...?

Thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng. Khách hàng là thượng đế đúng nghĩa.

Trong quản lý điều hành, yếu tố nào là quan trọng nhất?

Hướng đến nội bộ để hướng đến khách hàng. Chúng tôi đáp ứng tối đa nhu cầu của người lao động vì chính họ là người hiểu rõ khách hàng hơn ai hết.

Để thực hiện các điều trên, ông bắt đầu thế nào?

Ghi lại tất cả những suy nghĩ, ý tưởng vào sổ tay. Đây cũng là thói quen của tôi. Từ khi học đại học đến nay, tôi đã ghi được khoảng 50 quyển sổ ý tưởng, suy nghĩ của mình.

Ngoài kinh doanh, ông “giải áp” bằng cách nào?

Tôi thích nghe nhạc và chơi đàn.

Nữ doanh nhân và quyền lực mềm
Môi trường kinh doanh từng bị thống lĩnh bởi phái mạnh trong một thời gian dài, đã dần trở nên đa sắc hơn nhờ những tài năng kinh doanh đậm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư