Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ông lớn công nghệ cao dốc vốn vào Việt Nam
Nguyên Đức - 12/01/2015 09:35
 
Những bất cập của Luật Công nghệ cao đã được điều chỉnh trong Luật Đầu tư sửa đổi, gỡ bỏ rào cản trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tạo tiền đề cho Các ông lớn công nghệ cao là Samsung, Microsoft, Bosch, Intel, LG đang dịch chuyển sản xuất về Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam thành công xưởng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới?
"Tiên đoán" vận mệnh của Microsoft - Nokia
LG thuê thêm đất tại KCN Tràng Duệ
Cơ hội đón vốn từ các Tập đoàn đa quốc gia
Ông lớn điện tử thế giới dồn về Việt Nam

Tới ngày 1/7/2015, Luật Đầu tư sửa đổi mới chính thức có hiệu lực thi hành, song việc Điều 75 của luật này đã sửa đổi khoản 1, Điều 18, Luật Công nghệ cao khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất vui mừng.

Nhà máy của Microsoft tại Bắc Ninh.

Nhà máy của Microsoft tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

Cụ thể, theo nội dung đã sửa đổi, không còn những quy định cứng nhắc về việc phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ 1% doanh thu cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như tiêu chí số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện công tác R&D phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động… Thay vào đó, Điều 75, Luật Đầu tư sửa đổi quy định: “Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định các tiêu chí này”.

“Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Việt Nam về việc thay đổi các quy định rõ ràng và hợp lý về hoạt động R&D đối với các doanh nghiệp công nghệ cao”, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina đã một lần nữa nhấn mạnh rằng, việc Điều 18, Luật Công nghệ cao quy định cứng nhắc về tỷ lệ lao động và doanh thu cho R&D là quá bất hợp lý, nhất là với các dự án quy mô lớn, vì vậy, việc sửa đổi là hợp lý.

Cũng cần nhắc lại, thời gian qua, rất nhiều ý kiến của nhà đầu tư cho rằng, mặc dù Việt Nam đang khuyến khích thu hút đầu tư vào công nghệ cao, nhưng quy định như vậy chẳng khác nào làm khó doanh nghiệp, khiến ngay cả các tập đoàn “sừng sỏ” như Samsung, Microsoft cũng khó có thể đáp ứng.

Samsung là một trong những nhà đầu tư đã có nhiều kiến nghị nhất về việc điều chỉnh các tỷ lệ về doanh thu và lao động cho R&D. Lý do rất đơn giản, với doanh thu và số lượng lao động hiện thời rất lớn (năm 2014 khoảng 26 tỷ USD và hơn 70.000 lao động), thì chi phí mà họ phải bỏ ra cho công tác R&D là quá lớn, số lượng lao động phục vụ công tác R&D cũng quá nhiều.

Quy định như vậy không chỉ tạo rào cản cho Samsung, Microsoft, Bosch…, mà còn với nhiều nhà đầu tư khác, bao gồm cả các nhà đầu tư trong nước. Nhận thấy sự bất hợp lý trong quy định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhiều lần đề xuất việc sửa đổi Điều 18, Luật Công nghệ cao và đã nhận được sự đồng thuận từ Bộ Khoa học và Công nghệ và Chính phủ. Nhưng đợi sửa Luật Công nghệ cao sẽ mất thời gian, nên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đề xuất việc sửa đổi trực tiếp quy định này trong Luật Đầu tư, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đề xuất này đã được Quốc hội thông qua.

“Chúng tôi rất vui mừng với việc sửa đổi quy định về R&D, tuy nhiên vẫn còn phải chờ đợi hướng dẫn của Chính phủ khi Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực”, ông Lee Cheol Ku, Phó tổng giám đốc Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) nói.

Bãi bỏ quy định cứng nhắc về tỷ lệ doanh thu và lao động cho công tác R&D sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hiện thời, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao khi các tập đoàn công nghệ đang dốc vốn vào Việt Nam.

Thông tin gần đây cho thấy, sau khi Samsung liên tiếp quyết định đầu tư các dự án lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, với tổng vốn đầu tư đã lên tới 11,2 tỷ USD, thì Microsoft cũng đang dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. Intel và LG cũng tương tự. Và đương nhiên, kéo theo các tập đoàn lớn, sẽ còn các nhà đầu tư nhỏ hơn trong lĩnh vực này.

Để được ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất như một doanh nghiệp công nghệ cao, các nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đã cam kết đầu tư lớn cho R&D và điều này đã nhận được sự đánh giá cao từ dư luận trong nước, bởi R&D được xác định là một hoạt động “thượng nguồn” đầu tư, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia nhận đầu tư.

Nay một số quy định về R&D đã được sửa đổi, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Và điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư nghiêm túc hơn cho công tác này. “Là một công ty đã được cấp giấy chứng nhận công nghệ cao, Bosch cam kết thực hiện đầy đủ các quy định theo pháp luật. Trung tâm R&D công nghệ ô tô của Bosch đặt tại TP.HCM đã bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2014 và chúng tôi đặt mục tiêu phát triển Việt Nam thành một trung tâm sản xuất và R&D quan trọng của Bosch trong khu vực Đông Nam Á”, ông Võ Quang Huệ nói.

Trong khi đó, theo thông tin của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, không phải chỉ vì thực hiện cam kết của Chính phủ, mà Samsung có kế hoạch đầu tư nghiêm túc cho trung tâm R&D tại Việt Nam. Hiện tại, trung tâm này đang hoạt động tại Hà Nội trên phần diện tích đi thuê, song sắp tới, Samsung sẽ đầu tư xây dựng một trung tâm mới. Dự kiến trong năm nay, sẽ có khoảng 2.000 kỹ sư làm việc tại đây.

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Mở rộng đường băng cải cách

Những nội dung mới của Luật Đầu tư (sửa đổi)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư