-
Luật sư Nguyễn Thành Nam: Khách hàng cần giải pháp, chứ không chỉ phân tích luật -
Ông Văng Viên Thông, sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế Repeet: Chọn lối hẹp để đi đường dài -
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng Lê Hoàng Khánh Nhựt: Lửa luôn cháy trên hành trình chinh phục mọi nẻo đường -
Ông Nguyễn Chánh Trung, CEO Công ty TNHH Gạo Hưng Việt: “Chinh phục được nông dân là có lãi rồi” -
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT IPPG: Nhà tư bản có trái tim nhiệt huyết
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings |
Đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, từng là tư vấn tài chính doanh nghiệp, quỹ đầu tư và bất động sản, cơ duyên nào khiến ông đi đến việc thành lập một đơn vị xếp hạng tín nhiệm là Saigon Ratings, đặc biệt ở thời điểm hoạt động này vẫn còn quá mới mẻ ở thị trường Việt Nam?
Thời điểm năm 2005, tôi tham gia một chương trình đào tạo MBA (thạc sỹ quản trị kinh doanh) của Hoa Kỳ và biết nhiều hơn về thị trường tài chính thế giới. Ngoài thị trường cổ phiếu Việt Nam lúc đó mới thành lập được vài năm, tôi nhận ra thị trường trái phiếu cũng rất tiềm năng.
Trên thế giới đã có 3 định chế xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng, được xem là Big Three, gồm Fitch Rating, Moody's và Standard & Poor's (S&P). Còn các quốc gia thường có 1-3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Credit Rating Agency - CRA) nội địa. Các định chế lớn tham gia việc đánh giá xếp hạng từng quốc gia, từ đó khơi thông nguồn vốn.
Khi đi học tập một số thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và tham khảo thêm thị trường Đông Nam Á, tôi nhận thấy, thị trường trái phiếu thực sự là động lực và có vai trò rất quan trọng đối với thị trường vốn, trong đó CRA là tổ chức trung gian có vai trò quan trọng giải quyết bài toán bất đối xứng thông tin trên thị trường.
Đó cũng là thời điểm chúng tôi nhen nhóm ý tưởng và quyết định thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2010. Quá trình này khá dài, bởi đến năm 2014 mới có Nghị định số 88/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Sau đó, đến đầu năm 2015, Saigon Ratings là đơn vị đầu tiên nộp hồ sơ xin xếp hạng tín nhiệm để Bộ Tài chính cấp phép. Sau gần 3 năm thẩm định, cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã cấp phép cho Saigon Ratings.
Đúng là một quãng thời gian không hề ngắn. Từ đó đến nay, có những tổ chức quốc tế hay đối tác chiến lược nào đã đồng hành cùng Saigon Ratings?
Đối với tổ chức quốc tế, Saigon Ratings đang hợp tác giai đoạn I với Fitch Learning (thành viên trong Tập đoàn Fitch). Fitch là một trong 3 tổ chức xếp hạng toàn cầu, phía Fitch đã hỗ trợ chúng tôi đào tạo toàn bộ nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ thêm kinh phí cho Saigon Ratings. Saigon Ratings cũng là CRA đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm châu Á (ACRAA).
Về đối tác chiến lược, chúng tôi nhận được sự đồng hành từ Tập đoàn MARC - đơn vị xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của Malaysia và CCXI - tổ chức xếp hàng tín nhiệm hàng đầu Trung Quốc. Hai đối tác chiến lược này cam kết đồng hành cùng Saigon Ratings trong việc cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, đặc biệt hướng tới đánh giá trái phiếu xanh, kinh tế xanh, đánh giá ESG (môi trường, xã hội và quản trị) theo xu hướng của thế giới, phát triển các dự án về kinh tế xanh - lĩnh vực sắp tới sẽ được chú trọng hơn.
Saigon Ratings không chỉ là đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép đầu tiên ở Việt Nam, mà còn là đơn vị xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đầu tiên tham gia ACRAA. Người tiên phong luôn gặp nhiều khó khăn hơn, bản thân ông và Saigon Ratings đã phải trải qua giai đoạn này như thế nào?
Thực sự, khi bắt đầu thành lập tổ nghiên cứu đi học nước ngoài và xây dựng dự án tiền khả thi để thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên ở Việt Nam, rất nhiều bạn bè khuyên ngăn chúng tôi. Thời điểm đó (năm 2010), thị trường chứng khoán chưa phát triển, còn rất khó khăn, nên khi nhắc đến thị trường trái phiếu, đặc biệt nhắc đến xếp hạng tín nhiệm - một khái niệm còn rất mù mờ, rất xa vời, cũng chưa có một văn bản hướng dẫn nào để có thể phát triển được, nhiều người cho rằng, dự án này không khả thi.
Từ thời điểm chúng tôi bắt đầu thực hiện dự án là năm 2010 đến năm 2014, thậm chí khi Saigon Ratings đã được cấp phép năm 2017, ngay cả trong 3 năm đầu tiên thành lập, chúng tôi gọi điện cho rất nhiều doanh nghiệp và đều nhận được câu hỏi: “Xếp hạng để làm gì? Tại sao phải xếp hạng?”. Giai đoạn đó, chúng tôi gần như không có một hợp đồng nào, thậm chí không có bất cứ một cú điện thoại nào gọi tới để liên hệ hay tham vấn. Khi chúng tôi liên hệ, đều nhận được sự khó chịu từ phía khách hàng.
Nhìn lại, thời điểm Saigon Ratings ra đời thực sự rất khó khăn, cũng chưa có tổ chức nào đi trước để học hỏi, hoàn toàn một mình “dò đá qua sông”. Bên cạnh đó, thị trường không có nhu cầu và ngay trong nội bộ cũng có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng doanh nghiệp đang đi chệch hướng, thậm chí không muốn tiếp tục theo đuổi hoạt động này nữa.
Từ năm 2020 trở đi, thị trường trái phiếu bắt đầu phát triển, khó khăn đã có phần vơi bớt, thưa ông?
Đúng là thị trường trái phiếu bắt đầu phát triển từ thời điểm đó, nhưng mới ở góc độ bùng nổ về huy động, còn nhu cầu về văn hóa xếp hạng hay xếp hạng để phục vụ công tác quản lý, quản trị, thì các doanh nghiệp đều cho là không cần thiết.
Thú thật rằng, chúng tôi đã phải vượt rất nhiều chông gai. Bản thân tôi xác định, một tổ chức xếp hạng không có lợi nhuận cao, trong khi đòi hỏi về kỹ thuật chuyên môn rất đặc thù và rất khác với những tổ chức khác. Yêu cầu với các sản phẩm hay nguồn nhân lực cũng phải có chất lượng cao, bởi đối tượng khách hàng đều là các nhà đầu tư có trình độ trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.
Tôi biết rằng, người đi trước luôn vấp phải nhiều khó khăn và cũng phải trả giá rất nhiều thứ. Nhưng do lòng đam mê và cũng mong muốn cống hiến, đến nay, chúng tôi vẫn gắn bó với lĩnh vực này. Còn nếu nói về lợi ích kinh tế, thì thật ra, làm xếp hạng tín nhiệm, để đạt được điểm hòa vốn, cũng đã rất khó, chứ chưa nói đến việc có lợi nhuận.
Ông nói vậy có phải là vì tính đến thời điểm bây giờ, Việt Nam đã có 5 đơn vị xếp hạng tín nhiệm, cạnh tranh trong lĩnh vực này rất cao trong bối cảnh nhu cầu còn đang thấp?
Nhìn ra thế giới, chỉ có 3 tổ chức xếp hạng toàn cầu lớn, các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản chỉ có 2 đơn vị xếp hạng tín nhiệm, Hàn Quốc có 2, một số quốc gia khác cũng chỉ có 2-3 đơn vị. Vậy nên, nhiều nơi nghe tới Việt Nam có đến 5 đơn vị xếp hạng tín nhiệm, họ rất kinh ngạc, bởi GDP của các nước đó lớn hơn mình rất nhiều, tỷ trọng về trái phiếu so với GDP cũng gấp đôi, gấp ba.
Tham khảo các quốc gia khác, khi được hỏi vì sao không cấp phép cho nhiều đơn vị xếp hạng hơn, họ cho biết, vấn đề thực sự là số lượng các doanh nghiệp phát hành không nhiều, chỉ vài trăm doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phát hành thì trong chu kỳ 5-10 năm lại phát hành 1-2 đợt với giá trị lớn. Vậy nên, tần suất để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cũng chỉ vài đợt đối với một doanh nghiệp.
Có thể nói, một thị trường nhỏ như Việt Nam mà có 5 đơn vị xếp hạng tín nhiệm, sự cạnh tranh sẽ rất lớn và rất nhiều áp lực. Nhưng tôi quan trọng hơn là việc quản lý chất lượng của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm, làm sao để có thể tránh được sự cạnh tranh về giá, đây mới là thách thức của thị trường.
Đứng trước năm 2025 được kỳ vọng là khởi đầu của kỷ nguyên mới, ông mong muốn gì trong lĩnh vực tài chính mà mình đang theo đuổi?
Hiện nay, tôi đặc biệt quan tâm đến 3 lĩnh vực là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu. Với tôi, đây là các lĩnh vực mà tôi rất tâm huyết và kỳ vọng vào sự phát triển của chúng.
Nói về khơi thông dòng vốn, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh rất quan trọng và cần thiết. Nếu phát triển được thị trường này, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán về nguồn vốn trung và dài hạn.
Tôi kỳ vọng rằng, thị trường trái phiếu của Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện ở ba góc độ: khung pháp lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước (bao gồm giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý, để tránh lặp lại những bài học đổ vỡ đã qua) và phát triển đồng bộ hạ tầng thị trường với sự tham gia của các nhà tư vấn, kiểm toán, định giá và nhà đầu tư để chung sức xây dựng một thị trường an toàn, ổn định.
Quá trình này không thể hoàn thành trong 1-2 năm, mà cần cả thập kỷ. Nhưng trước mắt, tôi kỳ vọng năm 2025 có thể tạo được nền tảng cho một giai đoạn mới của thị trường vốn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định, phục vụ kỷ nguyên mới của quốc gia.
-
Luật sư Nguyễn Thành Nam: Khách hàng cần giải pháp, chứ không chỉ phân tích luật -
Ông Văng Viên Thông, sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế Repeet: Chọn lối hẹp để đi đường dài -
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng Lê Hoàng Khánh Nhựt: Lửa luôn cháy trên hành trình chinh phục mọi nẻo đường -
Ông Nguyễn Chánh Trung, CEO Công ty TNHH Gạo Hưng Việt: “Chinh phục được nông dân là có lãi rồi”
-
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings: Chúng tôi đã một mình… dò đá qua sông -
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT IPPG: Nhà tư bản có trái tim nhiệt huyết -
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Kim Oanh: Thay đổi để đột phá và phát triển bền vững -
M&A thành công không thể thiếu “dấu chân” của luật sư tư vấn -
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri: Gieo “hạt giống” chuyển đổi số cho nông nghiệp -
Nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe: “Tôi muốn sáng tạo phụng sự cộng đồng” -
Doanh nhân Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon Group: chinh phục mục tiêu trở thành “vua” marketing số
- Nutifood đề xuất ngày khởi công sớm dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
- SeABank hoàn tất chuyển nhượng Công ty Tài chính PTF cho AEON Financial Service
- Shinhan Finance ra mắt phiên bản mới 5.0 của iShinhan - Nền tảng tài chính số toàn diện, thân thiện và an toàn
- Hậu Giang: "Con hổ con" thức giấc của Đồng bằng sông Cửu Long
- Đón đầu xu thế năng lượng xanh, Stavian lập liên doanh đầu tư sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng
- Chương trình lãi suất tốt, quà tặng "khủng" cho khách hàng cá nhân vay vốn từ Vietbank