Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
PAN và chiến lược “ngược dòng” trong M&A
Anh Hoa - 13/09/2022 08:19
 
CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group) sẽ tạo thêm những thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) các công ty thành viên nếu đối tác là mảnh ghép chiều sâu trong chuỗi giá trị làm nông nghiệp hữu cơ.
Nông nghiệp là mảng được PAN Group chú trọng để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp cải thiện đời sống nông dân

Tinh thần tìm “cơ” trong “nguy”

Tuần qua, The PAN Group đã có những buổi gặp gỡ nhà đầu tư ở Hà Nội và TP.HCM để giới thiệu về tiềm năng, cơ hội của mình.

Khoảng vài trăm nhà đầu tư trẻ tham gia. Họ tranh thủ giao lưu với các doanh nhân lão thành, đang điều hành trực tiếp các công ty thành viên của PAN. Họ chăm chú lắng nghe những lời chia sẻ hết sức chân tình của những người “làm thật, ăn thật”, có gắn bó mật thiết với sự đi lên một cách bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam, cũng như làm cho đời sống của người nông dân thêm sung túc. Qua đó, nỗi lo của các cổ đông về tác động của đại dịch tới các mảng kinh doanh của Tập đoàn phần nào được xoa dịu.

“Hy vọng sau buổi gặp gỡ này, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về kế hoạch thời gian tới, là giai đoạn bùng nổ của PAN. Tập đoàn sở hữu nhiều công ty sản xuất trong ngành nông nghiệp, tiêu dùng tốt nhất Việt Nam, nhưng giá cổ phiếu lại không được cao lắm. Đó là trăn trở của cả Ban lãnh đạo”, bà Nguyễn Thị Trà My, nữ tướng điều hành Tập đoàn chia sẻ. Cá nhân bà cũng nắm giữ khá lớn cổ phiếu của Tập đoàn nhiều năm nay, nhưng chưa bán ra cổ phiếu nào.

Những người cầm trịch trong Tập đoàn hiểu, tất cả phụ thuộc vào thị trường, chứ không cá nhân nào quyết định giá cổ phiếu, đặc biệt là một doanh nghiệp làm ăn minh bạch như PAN. Họ sản xuất, bán từng gói kẹo, chai nước mắm, cân gạo… với giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng đã đẩy doanh số lên tới mười mấy ngàn tỷ đồng, cho thấy sự cố gắng thế nào.

“Nhà đầu tư có sự lan tỏa để hiểu đúng về việc chúng tôi làm, kế hoạch để giúp giá cổ phiếu cải thiện hơn trong thời gian tới”, bà Trà My kỳ vọng.

Những câu chuyện về lịch sử và bước đi cần mẫn, tạo ra sự tăng trưởng cho các công ty thành viên của PAN được hé mở. Đó là câu chuyện của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) trong vai trò làm nên thương hiệu gạo của quốc gia. Vinaseed nằm trong The PAN Group với một slogan rất vĩ mô: “Sinh ra để nuôi dưỡng thế giới”, với mục tiêu Farm - Food - Family, tức là xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp từ cánh đồng cho đến bàn ăn.

Với vị thế dẫn đầu ngành ở mảng giống cây trồng như giống lúa chiếm 20% thị phần, giống ngô 10% thị phần, mục tiêu trong vòng 5 năm tới của PAN Group là sẽ chiếm 25% thị phần giống cây trồng, với quy mô doanh thu dự kiến 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 400-500 tỷ đồng.

Ở mảng nông dược và khử trùng, Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) cũng đang dẫn đầu lĩnh vực mua bán, sản xuất nông dược và cung cấp dịch vụ khử trùng với đội ngũ quản lý có kinh nghiệm.

Đây là mảng kinh doanh quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp mà PAN đang phát triển. Thị phần ngày một tăng mạnh, ngoài việc đóng gói và phân phối các sản phẩm nông dược chất lượng cao cho các công ty đa quốc gia như Syngenta, Mosanto, Bayer, Itochu, Sumitomo, Dupont... VFC còn đầu tư sản xuất nông dược (nhãn hàng riêng), chiếm 10% trong tổng doanh thu.

Theo ông Trương Công Cứ, Tổng giám đốc VFC, thế mạnh của Công ty nằm ở bộ sản phẩm chất lượng cao. Mặc dù thị trường chung về nông dược bão hòa, nhưng nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao sẽ càng tăng do nhận thức của nông dân được nâng cao. Hơn nữa, tập quán của nông dân ít khi thay đổi sản phẩm quen thuộc đã từng gắn bó. Đặc biệt, đầu năm 2022, Syngenta đã chia tay đối tác chiến lược Lộc Trời để hợp tác chặt chẽ với VFC. Việc này đã mở ra một giai đoạn tăng trưởng bùng nổ mới cho Công ty.

Trong khi đó, với chiến lược “chân vạc”, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) đang có thế mạnh địa phương (cả một tỉnh nuôi tôm, trồng lúa và rau củ quả).

Sao Ta hiện là doanh nghiệp có diện tích nuôi thả tôm cùng lúc nhiều nhất và sản lượng thu hoạch cao nhất cả nước. Từ 5 ha trong năm 2012, chỉ 1 năm sau đã tăng vọt lên 30 ha, đến nay đã tăng lên trên 320 ha.

Với việc coi trọng và mở rộng vùng nuôi, Sao Ta hướng tới củng cố thế chân vạc của mình là nuôi tôm, chế biến tôm, chế biến nông sản có phối chế tôm. Khách hàng nước ngoài mua tôm có thể mua nông sản chế biến và ngược lại. Tôm thương phẩm sản xuất, tạo thế chủ động cho bên chế biến về nguyên liệu có kiểm soát, thêm sức thuyết phục khách hàng. Thế chân vạc còn tạo ra sự cân bằng hiệu quả. 

Trong nguy luôn có cơ. Điều này được PAN và các công ty thành viên tận dụng. Lần đầu tiên, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang có cơ hội trình diện với các nhà đầu tư trẻ tuổi, có thể chưa hiểu nhiều về nước mắm.

Theo ông Diệp, với sự đầu tư từ PAN, việc Công ty khánh thành nhà máy đóng gói với dây chuyền hiện đại hồi tháng 4/2022 đã đánh dấu bước tiến cho ngành nước mắm truyền thống tại Nha Trang. Đây là những thay đổi cần thiết để thương hiệu nước mắm 584 Nha Trang nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...

Dĩ nhiên, tiềm năng phát triển của thị trường tiêu dùng nước mắm truyền thống trong nước và xuất khẩu rất lớn. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Công ty đã đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ 2 nhà máy sản xuất nước mắm nguyên liệu tại cảng cá Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) với diện tích 7.753m2, dự kiến giai đoạn II sẽ mở rộng thêm khoảng 8.000 m2 và tại thị trấn Phan Rí Cửa (tỉnh Bình Thuận) với diện tích 4.569 m2. Năng lực sản xuất của các nhà máy đạt hơn 15.000 tấn cá nguyên liệu/năm.

PAN có rất nhiều chuỗi giá trị đem lại cho các công ty thành viên sau các thương vụ M&A. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta, họ như con lạch được khơi thông, như đám ruộng khô hưởng những cơn mưa trải rộng. Nhờ tinh thần tri kỷ, nhờ áp lực mà tinh thần, kỹ nghệ quản trị tại doanh nghiệp thủy sản đã nâng cấp rất nhiều.

Bùng nổ thời cơ

Bà Nguyễn Thị Trà My khẳng định, các thương vụ M&A tại PAN vẫn tiếp tục, vì chiến lược sẽ phát triển sâu vào bền vững sẽ có rất nhiều cơ hội mới đến với PAN. Thậm chí, có thể dùng từ bùng nổ. Bà Trà My rất tự tin với thành quả mà Tập đoàn mất 10 năm gây dựng với sự hiện diện của các công ty thành viên như hiện nay đã khiến các “ông lớn” nước ngoài nể phục.

Tôi cảm nhận PAN đã làm một thương vụ M&A phối hợp tại Sao Ta hết sức thành công. PAN ngoài việc tạo áp lực giúp các công ty thành viên phải đi ngược dòng, thì điều lớn hơn là đã truyền cảm hứng, truyền năng lượng, truyền sự tự tin cho Sao Ta. Từ khi có Tập đoàn PAN bên cạnh, hoạt động Sao Ta thay đổi rất lớn, tốt độ tăng trưởng nhanh hơn, lợi nhuận tốt hơn, giá cổ phiếu cũng cải thiện hơn.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta

Đối tác muốn đầu tư vào PAN được lựa chọn rất cẩn trọng. Vấn đề hiện nay và trong tương lai không phải là tiền, mà họ sẽ mang lại giá trị gì cho PAN. Một quy trình tốt, công nghệ hiện đại, sẽ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam được đẩy lên cao, cải thiện đời sống người nông dân.

Chưa tiết lộ cụ thể chiến lược M&A trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà Trà My khẳng định, sẽ không M&A tập đoàn mẹ, chỉ M&A các công ty thành viên, tìm cho họ một đối tác đảm bảo đúng giá trị cần theo chiều sâu.

Hiện PAN đang hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên hơn 4.100 tỷ đồng và kỳ vọng sẽ được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp nhận trong 1-2 tháng tới. PAN huy động vốn để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả và dành khoảng 400 tỷ đồng cho M&A các đối tác mới. Cụ thể, Tập đoàn sẽ M&A các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, có hệ thống quản trị minh bạch, đạt hiệu quả kinh doanh tốt, hoặc triển vọng cao trong vòng 5 đến 10 năm tới. Đầu tư ngắn và trung hạn vào các sản phẩm an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường vốn, tiền tệ, tối ưu hóa nguồn vốn…

Thông qua M&A, The PAN Group đã xây dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp - thực phẩm với chuỗi giá trị khép kín. Việc này giúp đẩy nhanh tiến độ, song cũng kéo theo nhiều thách thức.

Hầu hết công ty thành viên của PAN đều có nền tảng lâu đời như Vinaseed, VFC, Sao Ta, Aquatex Bến Tre, Bibica, 584 Nha Trang, Lafooco...  Có những công ty 25, 45, thậm chí là trên 50 năm tuổi. Trong đó, mỗi công ty có giá trị văn hóa riêng, rõ nét và có nhiều khác biệt do văn hóa vùng miền, đặc thù công việc, ngành nghề mà mỗi công ty theo đuổi.

“Chúng tôi cố gắng lan tỏa giá trị văn hóa chung, từ đó tìm cách phát huy các điểm mạnh riêng biệt tại mỗi công ty, tạo sự cộng hưởng để nâng tầm văn hóa doanh nghiệp hiện có”, bà Trà My cho hay. 

Ngoài ra, phát triển bền vững cũng là một nét văn hoá được PAN chắt lọc và nâng tầm từ chính giá trị của các công ty thành viên.

Trước khi về với PAN, các công ty đều đã thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, phần lớn xuất phát từ yêu cầu nhỏ lẻ của khách hàng, nên việc triển khai còn manh mún, chưa đồng bộ, chưa được tuân thủ mạnh mẽ.

Tính chung 3 quý đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 9.900 tỷ đồng, tăng 53% so với 3 quý của năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ tăng 132% so với năm 2021.

Mặc dù mảng nông nghiệp doanh thu chiếm thứ hai sau thủy sản, nhưng cơ cấu lợi nhuận lại đóng góp 41%, trong khi đó, thủy sản đóng góp 35%, còn lại là hàng tiêu dùng 13% lợi nhuận.

Trụ cột cho tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của PAN thời điểm hiện tại và năm 2023 vẫn là nông nghiệp và thủy sản, vì đây là hai mảng có nhịp đầu tư sớm hơn so với các mảng tiêu dùng. Sản phẩm tiêu dùng sẽ có nhịp tăng trưởng 1-2 năm sau.
Tập đoàn Sojitz sẽ trở thành cổ đông lớn của The PAN Group
Nếu đợt phát hành 11% cổ phần được thông qua, Tập đoàn Sojitz của Nhật sẽ trở thành cổ đông lớn và có quan hệ hợp tác chiến lược với The...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư