-
Đủ chế tài để xử phạt các hành vi vi phạm về thuốc lá thế hệ mới -
Ngành Y tế quy hoạch lại hệ thống bệnh viện và tinh giản cán bộ -
Bộ Y tế đang xây dựng quy định cụ thể về xử phạt vi phạm về thuốc lá thế hệ mới -
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh -
Ngộ độc thực phẩm làm 21 người tử vong trong năm 2024 -
Tiêm vắc-xin sởi nhằm tránh dịch bùng phát, lây lan mạnh
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM) |
Một nữ sinh đam mê sinh học
“Môi trường học tập rất quan trọng. Tôi là một trường hợp điển hình của mô hình trường chuyên, lớp chọn và quen với các cuộc thi từ năm lớp 2, lớp 3. Vì tham gia thi nhiều, thất bại cũng nhiều, nên có được tinh thần dẻo dai, bền bỉ và không sợ thất bại - vốn là điều thường xuyên gặp nếu lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học để phiêu lưu”, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài mở đầu cuộc trò chuyện.
Nhà khoa học sinh năm 1981 cho hay, từ bé, chị đã mơ làm bác sĩ ngoại thần kinh, dù gia đình không ai theo ngành y. Lên cấp ba, chị chọn lớp chuyên sinh, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Sau đó, Thu Hoài được tuyển vào Chương trình Cử nhân khoa học tài năng của Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và lựa chọn chuyên ngành hóa sinh.
“Tôi từng mơ làm bác sĩ ngoại thần kinh, nhưng khi học đại học thì lại bị miễn dịch học mê hoặc. May mắn, tôi gặp được các thầy cô truyền cảm hứng, dìu dắt và nuôi dưỡng đam mê. Tuy nhiên, chỉ đam mê là chưa đủ, sau cơ duyên đó là cả một quá trình nỗ lực trên hành trình phát triển bản thân”, Thu Hoài chia sẻ.
Với những kết quả đạt được, đâu là điều chị cảm thấy ý nghĩa nhất?
Với hành trình nghiên cứu y học trong nhiều năm, tôi nhận thấy bản thân mình may mắn khi được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình. Theo nghiệp khoa học mà không làm thêm giờ, không đi đây đó học hỏi liên tục, thì khó thể hoàn thành công việc và dễ bị tụt hậu.
May mắn là chồng tôi luôn ủng hộ vợ làm thêm giờ hay đi công tác xa. Các con cũng dần trưởng thành, tự lập, nên tôi có thời gian cho công việc nhiều hơn.
Dù sao thì bản năng một người vợ, người mẹ vẫn hướng tới chồng con. Lúc nào tôi cũng muốn tăng hiệu suất công việc cao nhất có thể để có nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Chị muốn chia sẻ đến các bạn trẻ như thế nào để hành trình tiến tới đam mê có được trái ngọt?
Trên hành trình cuộc đời và sự nghiệp, nguy cơ luôn đồng hành cùng chúng ta. Trong hiểm nguy, thất bại sẽ luôn xuất hiện cơ hội đi kèm. Và trong những cơ hội đó, luôn có phần trăm thất bại đang chờ chúng ta. Bởi vậy, trong mọi hoàn cảnh, nỗ lực và nỗ lực thật bền bỉ mới giúp chúng ta bước đi lâu dài trên con đường mình đã chọn.
Điều chị tâm đắc nhất khi trở về Việt Nam là gì?
Ngoài đạt được một vài kết quả sau thời gian dài nghiên cứu, thì điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc và hài lòng chính là giảng dạy, đào tạo và tham gia hoạt động kết nối các bạn trẻ.
Tôi cảm thấy mình may mắn khi được đồng hành cùng nhiều thế hệ sinh viên của Trường đại học Quốc tế, được chứng kiến, được thấy các bạn trưởng thành, thành công và tỏa đi khắp nơi trên thế giới, thỏa đam mê và thực hiện được ước mơ của các bạn. Chỉ như vậy, bản thân mình cũng rất vui và hạnh phúc vì đã góp phần xây dựng thế hệ tương lai.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Thu Hoài sang Đức để theo đuổi học vị tiến sĩ tại Khoa y, Đại học Greifswald. Năm năm sau, với đề tài nghiên cứu “Đáp ứng kháng thể với sự gây nhiễm nhân tạo tụ cầu vàng”, cô đã có bằng tiến sĩ ở tuổi 27. Nguyễn Thị Thu Hoài nhận biết rằng, con đường nghiên cứu khoa học của mình đã nhận được nhiều may mắn, sự ủng hộ và giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè.
Bằng tiến sĩ dành cho cô gái 27 tuổi mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu, song Thu Hoài cho hay, chị chưa từng nghĩ tới việc ở lại Đức hay bất kỳ quốc gia nào khác, mà luôn muốn quay về Việt Nam làm việc và cống hiến.
Nhà khoa học xuất sắc
Từ Đức trở về, Thu Hoài quay trở lại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó đến Viện Sức khỏe quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) học hỏi một thời gian ngắn, rồi tiếp tục sang Bỉ nghiên cứu chuyên sâu. Năm 2011, chị quyết định dừng chân ở Khoa Công nghệ sinh học (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM) để theo đuổi nhiều dự án khoa học về cơ chế kháng thuốc, độc lực vi khuẩn; hợp chất kháng khuẩn; ung thư và hệ miễn dịch…
Nhận thấy kháng kháng sinh là vấn đề y tế nghiêm trọng, tác động lớn đến hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót, làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho gia đình bệnh nhân. Dự kiến đến năm 2050, số ca tử vong do kháng kháng sinh lên đến 10 triệu mỗi năm, nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Đặc biệt ở thời điểm đó, Việt Nam ít công trình nghiên cứu về vấn đề này. Đó cũng là lý do Thu Hoài chọn hướng nghiên cứu các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh và tăng hiệu quả điều trị.
“Một giải pháp để giảm tình trạng kháng kháng sinh và nâng cao hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác về tình trạng kháng kháng sinh. Điều này giúp hỗ trợ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả và ngăn chặn sự lây lan của các chủng đa kháng, toàn kháng”, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường đại học Quốc tế chia sẻ.
Hiện nay, thuốc mới ra đời ngày càng nhiều thì sự phát triển các vi sinh vật kháng thuốc cũng gia tăng. Do đó, hướng nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hoài là tập trung vào “Phát triển quy trình phát hiện gene kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số”.
Trực khuẩn mủ xanh P. aeruginosa là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhiễm trùng, từ cấp tính đến mãn tính và được xếp là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi và suy hô hấp. Vi khuẩn này cũng là một trong 6 nhóm loài thuộc danh sách của WHO có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc của nó.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài ứng dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ có độ nhạy, độ chính xác cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Mục đích phát triển kit chẩn đoán để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gene kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng. Khi xác định được gene kháng thuốc ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị, thao tác cẩn thận và cho cách ly họ để không gây ảnh hưởng đến bệnh nhân khác.
Quy trình và phương thức chẩn đoán kháng thuốc này đã được Thu Hoài nghiên cứu từ khi sang Trường đại học Công giáo Louvain (Bỉ) học hỏi năm 2010. Về sau, chị tiếp tục nghiên cứu về cơ chế kháng thuốc tại Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ vào năm 2020. Mỗi năm, chị đều cố gắng dành thời gian tìm tòi, học hỏi tại các nước phát triển để hoàn thiện nghiên cứu và bắt kịp công nghệ.
Cống hiến hết mình cho đất nước
Sau nhiều năm miệt mài theo đuổi nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc, mới đây, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài được trao Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023.
Đây là năm thứ 14, Giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học được triển khai tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, khuyến khích nâng cao kiến thức khoa học, sự sáng tạo và đam mê nghiên cứu. PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài là một trong 38 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam nhận được giải thưởng này dựa trên những nghiên cứu được đánh giá bởi hội đồng khoa học về ý nghĩa khoa học, tính tác động góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và thể hiện niềm đam mê của họ với nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài là tác giả và đồng tác giả của 3 chương sách và 72 bài báo, với 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu proteomics và kháng thuốc.
“Với các giải thưởng nhận được trong sự nghiệp, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa trong nghiên cứu cũng như nỗ lực đưa kết quả vào thực tiễn. Đồng thời, các giải thưởng giúp tôi có thêm niềm tin, đóng góp hơn nữa cho cộng đồng”, Thu Hoài bày tỏ.
Dù sở hữu thành tích đáng nể, nhưng nữ phó giáo sư luôn cảm thấy mình chỉ như hạt cát bé nhỏ. “Đến giờ phút này, tôi vẫn cảm thấy mình chưa làm được gì cả. Nghiên cứu khoa học là cả một hành trình rất dài, tôi chưa bao giờ thấy hài lòng với những gì đã đạt được. Vì vậy, tôi luôn muốn bản thân mình thêm nỗ lực, tạo thêm nhiều giá trị cống hiến cho đất nước”, Thu Hoài bày tỏ.
Đề cập hướng nghiên cứu trong tương lai, PGS-TS Thu Hoài kỳ vọng, ngoài việc ứng dụng, chị còn có thể phối hợp với các đối tác để cải tiến, thậm chí xây dựng công nghệ mới. Trong đó, kế hoạch ngắn hạn là tiếp tục những nghiên cứu cơ bản, đồng thời tiến hành song song các nghiên cứu ứng dụng. Bởi lẽ, ứng dụng được kết quả khoa học vào cuộc sống mới là đích đến của mọi nhà khoa học.
Trong thời gian tới, chị nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm kêu gọi tài trợ từ các quỹ nước ngoài để nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để bắt nhịp, kết nối đa lĩnh vực với các đối tác trong nước, với mục tiêu tìm kiếm giải pháp toàn diện cho các vấn đề thời sự trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm.
-
84 người tử vong do bệnh dại, vì đâu nên nỗi? -
Ô nhiễm không khí: Cảnh báo nguy hại và các biện pháp bảo vệ sức khỏe -
Bộ Y tế kêu gọi cùng hành động mạnh mẽ để ngăn ngừa dịch bệnh -
Đủ chế tài để xử phạt các hành vi vi phạm về thuốc lá thế hệ mới -
Tin mới y tế ngày 26/12: Ứng dụng Robot AI mổ u não cứu bệnh nhân -
Ngành Y tế quy hoạch lại hệ thống bệnh viện và tinh giản cán bộ -
Bộ Y tế đang xây dựng quy định cụ thể về xử phạt vi phạm về thuốc lá thế hệ mới
- Vinarice: Khát vọng nâng tầm hạt gạo Việt Nam
- Nhôm Grando được vinh danh giải Sao Vàng đất Việt 2024
- Cảng Container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đón TEU thứ 1.500.000
- Herbalife - Lan tỏa lối sống năng động từ Lễ hội đếm ngược đến đường chạy bán marathon
- Các địa phương áp dụng quy định mới về phân lô bán nền ra sao
- VinaLiving chính thức bàn giao các căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp tại The Ocean Resort Quy Nhon by Fusion