Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Phá trạm cân, chống đối lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải
Huyền Thi - 09/07/2014 07:17
 
Chỉ sau chưa đầy nửa năm thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ cả nước, cùng với ngành giao thông, ngành công an đã phải huy động tới 738 cảnh sát giao thông, 219 cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động. Tuy vậy, cùng với thái độ bất hợp tác của nhiều lái xe là hàng trăm vụ chống đối và rất nhiều vụ cố tình phá hoại thiết bị cân xe, việc kiểm tra xe quá tải trên các quốc lộ bỗng trở thành nghề nguy hiểm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
DN vận tải kêu bị "đánh bẫy", Bộ trưởng Thăng vào cuộc
Đầu gấu áp tải containner, xe quá tải chạy vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Bộ trưởng Thăng: DN đừng mong nhẹ tay với xe quá tải
Kiểm soát xe quá tải: Đã khởi tố tài xế lao xe phá trạm cân
Vụ truy sát CSGT: Quá trình đấu tranh truy tìm nhóm thủ phạm
   
  Kiểm soát trọng tải xe đang là công việc thực sự nguy hiểm  

Cân xe quá tải: Nghề nguy hiểm

Chiều tháng Bảy, nắng như đổ lửa, nhiệt kế trong xe chỉ tới con số 43 độ C, không một gợn gió, mới hé cửa xe, hơi nóng từ mặt đường nhựa đã hắt lên táp vào mặt rát ràn rạt.

Nhưng mấy anh thanh tra giao thông (tại Trạm cân xe đặt ở đầu phía Nam đường tránh TP. Thanh Hóa) thay vì đứng trong bóng của chiếc mái được “độ” thêm vào hai bên thành xe, lại chạy ra, chạy vào.

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, một thanh tra trẻ cho biết, đó là cái mẹo hạ nhiệt trên đường cái, bởi lẽ, có thi thoảng phơi ra nắng để “hâm” lên tí chút, thì mới thấy sự mát mẻ khi vào bóng của mái che. Nếu chỉ đứng không trong bóng che, có thể phát rồ lên vì nóng, nóng tới mức không còn mồ hôi mà chảy. Ngó ra đằng xa, nơi mấy cây cau vua mới trồng trên vỉa hè lá cũng quắt lại vì nắng, mới thấy sự vất vả của… nghề đứng đường!

Ấy vậy, nhưng nỗi khổ khi nắng quắt người lại không thể so với khi mưa trên trời sập xuống. Sau một hồi nước quất ràn rạt trên mặt, nước ngấm vào quần áo, người dần mất nhiệt khi đứng trên đường hun hút gió thổi.

Mới đảo qua trạm cân, tôi đã đi đến kết luận, thực hiện công việc kiểm tra tải trọng xe phải là lực sỹ, nhưng ngay lập tức, vẫn cậu thanh tra trẻ đã giải thích cho tôi “sự thay đổi không khí” khi chạy ra, chạy vào đó bổ sung ngay: “Không chỉ lực sỹ, mà còn phải ‘lỳ’ để đối phó với những tay lái xe bặm trợn”.

Chẳng thế mà, ngày  27/5/2014, trong Báo cáo số 204/BC-BCA-C61, Bộ Công an đã nêu rõ, việc chống đối lực lượng thi hành công vụ đã diễn ra tại nhiều địa phương từ Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Nam ở phía Bắc, đến Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... tại miền Trung.

Thời gian đầu, phương pháp đối phó của các lái xe là đỗ xe thành một đoàn dài, chờ thời cơ (có thể là đêm xuống, có thể là thời điểm thay ca, hoặc có thể là một tay tài liều, hăng tiết “mở đường máu”) để tất cả vụt qua. Trải qua thời gian, cùng với thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, thậm chí là cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động đã tham gia các chốt chặn, nạn “phá rào” như cách gọi của các anh đã bị chặn đứng. Một thanh tra giao thông lè lưỡi khi nhớ lại cảnh đó: “Thật hãi hùng, khi cả đoàn xe gần như trở thành một đoàn tàu, duy trì khoảng dãn cách tối thiểu và phóng bạt mạng lúc trời nhập nhoạng”.

Thời gian sau, cùng với việc thuê “cò” là người địa phương tìm các lối tắt để né các trạm cân, các lái xe còn thuê đầu gấu tại các địa phương, với tiền công khoảng 300.000 đồng, nghênh ngang vượt trạm. Ngày đó, các anh đã phải đuổi theo tới 10 km để bắt chiếc xe mang biển kiểm soát 75C- 012.97 thuê lái xe vượt rào.

Sau khi bị bắt, chiếc xe quá tải tới 43,3% và lái xe thuê là Lữ Văn Tuấn đã bị xử lý theo pháp luật. Nhưng, phải thấy rằng, việc truy đuổi trên quốc lộ là cực kỳ nguy hiểm, nguy hiểm cho người tham gia đuổi bắt và tất nhiên, rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Sau khi các mánh khóe trốn kiểm tra dần bị chặn đứng, các lái xe giở bài cùn! Ấy là, do các trạm cân đa số không có bãi, kho để hạ tải, nên họ cứ ra vẻ đàng hoàng vào cân kiểm tra, sau đó nại ra các lý do trên để lần khân và mặc cả tạo áp lực đối với lực lượng kiểm tra bằng sự ùn tắc giao thông kéo dài. Thậm chí, mới đây, sự chống đối đã lên tới mức, các lái xe cố tình lái xe đi qua lệch để hủy hoại bàn cân và khi cân hỏng, tất nhiên trạm phải nghỉ, đó là cơ hội cho các xe còn lại... phóng mất dạng với khối hàng quá tải cõng trên mình.

Theo báo cáo của nhà cung cấp thiết bị cân điện tử là Công ty TNHH một thành viên Hanel, trong thời gian ngắn gần đây, đã có tới 50 lần các lái xe cố tình đi chệch bàn cân, đi qua bàn cân không dừng, hoặc phanh gấp đẩy trôi bàn cân khiến hỏng cáp, giắc cắm kết nối. Ngoài việc giúp đồng bọn thoát trạm cân, thì sự phá hoại đó là rất lớn, khi giá trị của mỗi chiếc cân điện tử lên đến gần 1 tỷ đồng.

Việc thực hiện kiểm tra tải trọng xe căng thẳng tới mức, hầu hết các địa phương đều nhận định, nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng công an, thanh tra giao thông sẽ bó tay khi đối phó với sự liều lĩnh của cánh tài xế chạy xe đường dài.

Cuộc chiến còn gian nan

Trước những khó khăn trên, các cơ quan chức năng, một mặt tích cực, nghiêm túc và thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trên các quốc lộ. Ngoài ra, cùng với đó là chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan. Tuy nhiên, mới đây, đã có những ý kiến thể hiện quan điểm rằng, cân xe trên quốc lộ mới chỉ là phần ngọn, muốn triệt hiện tượng này, cần phải làm từ gốc.

Vậy gốc rễ của vấn đề ở đâu? Theo ý kiến của Hiệp hội Vận tải TP.HCM, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần được phép vào kiểm tra ngay tại các điểm xuất phát, xếp dỡ hàng hóa tại cảng, bến bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất... và không kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường như cách làm từ trước đến nay vì dễ gây ách tắc giao thông, thiếu phương tiện xếp dỡ hàng hóa. Không những thế trong một số trường hợp xe chở container hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện đã kẹp chì của hải quan, thì không thể hạ tải dọc đường.

Theo ý kiến từ phía Thanh tra giao thông, những kiến nghị trên là tích cực, nhưng chỉ thành công đối với những xe xuất phát từ các nhà máy, khu công nghiệp tập trung, trong khi hàng hóa vận tải rất đa dạng, từ vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá…) tới nông sản, lâm sản thì không có tác dụng.

Ngoài ra, do buông lỏng kiểm soát tại các trạm đăng kiểm đã khiến việc cải tạo, cơi nới thùng xe diễn ra phức tạp. Cùng với đó, những xe nhập khẩu có thùng hàng có thể chở quá tải vẫn được thông quan cũng khiến việc chở quá tải vẫn có cơ tiếp diễn.

Không chỉ có vậy, ngoài sự thiếu kết nối giữa các cơ quan như đã kể trên, việc mỗi địa phương làm một khác cũng đã gây khó khăn trong công tác kiểm tra tải trọng xe.

Ông Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thừa nhận, tại tỉnh này, còn nhiều trường hợp xe quá tải chạy trên đường, nhưng theo ông Bông, các xe này không phải chỉ xuất phát ở Hà Giang, mà từ các tỉnh lân cận đổ về. “Việc này cho thấy, vấn đề xử lý xe quá tải tại nhiều nơi chưa đồng bộ, quyết liệt và cũng gây khó cho Hà Giang, vì lái xe nói rằng các tỉnh khác cho đi, tại sao Hà Giang không cho...”, ông Bông nói.

Cuộc chiến - phải gọi là cuộc chiến mới đúng bản chất của công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ - sẽ còn tiếp tục đối mặt với những khó khăn bất tận. Cuộc chiến đó thành hay bại hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của ngành giao thông và sự hỗ trợ có hiệu quả của ngành công an, nhưng điều kiện tiên quyết để thành công lại phụ thuộc vào ý thức của các chủ xe, chủ hàng.

Có thể khẳng định, ai cũng đều biết rằng, chở quá tải là vi phạm pháp luật, bởi ngoài việc là nguyên nhân trực tiếp phá hoại hệ thống kết cấu hạ tầng, xe quá tải còn gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng để thực hiện công lý, sao mà khó đến vậy?

Và chẳng phải tự nhiên mà trong Báo cáo sơ kết 6 tháng việc kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng của xe ô tô, Bộ Công an xác định “công tác kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ trọng tâm năm 2014”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư