Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Phát hành cổ phần riêng lẻ: Đôi bên cùng có lợi
Mua cổ phần phát hành riêng lẻ là một trong những cách thức thường được áp dụng trong hoạt động M&A, bởi nó mang lại lợi ích cho cả hai phía: công ty mục tiêu và nhà đầu tư.
.
.

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai (mã chứng khoán DGT - UPCoM) thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 13,5 triệu cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư chiến lược, với giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu phát hành thành công, Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai sẽ tăng vốn điều lệ từ 64,8 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau khi nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, dự kiến trong quý IV/2020 đến quý I/2021. Cổ phiếu phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán. Với nguồn vốn huy động được (dự kiến hơn 162 tỷ đồng), Công ty sẽ bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh và mua 50% cổ phần Mỏ đá trắng Quỳ Hợp - Nghệ An (150 tỷ đồng).

Trên thị trường, chốt phiên giao dịch sáng 7/9/2020, cổ phiếu DGT đứng tại mức giá 45.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, hơn 13,5 triệu cổ phiếu chào bán trên có mức giá chưa bằng 1/3 thị giá hiện tại của DGT.

Trong hoạt động M&A, việc nhà đầu tư mua cổ phần do công ty mục tiêu phát hành riêng lẻ là một trong những cách thức thường được áp dụng. Luật Doanh nghiệp (năm 2020), có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 quy định những điểm thay đổi cơ bản về việc phát hành cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng

Về nguyên tắc, công ty niêm yết hoặc chưa niêm yết đều có hai hình thức chào bán cổ phần cơ bản là chào bán cổ phần ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ. Pháp luật không quy định tỷ lệ số vốn mà doanh nghiệp muốn phát hành thêm, cũng không giới hạn số vốn mà doanh ngiệp được phép tăng trong 1 năm. Doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng các quy định đối với việc chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán riêng lẻ.

Lợi ích của việc phát hành cổ phần riêng lẻ

Về cơ bản, có ba hình thức chào bán cổ phần, đó là chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phần ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không giải thích thế nào là phát hành cổ phần riêng lẻ, nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã làm rõ vấn đề này. Theo đó, chào bán cổ phần riêng lẻ là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ và đáp ứng hai điều kiện: một là, không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; hai là, chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ví dụ, Công ty cổ phần ABC có 3 cổ đông là A, B, C được coi là phát hành cổ phần riêng lẻ khi công ty này phát hành thêm cổ phần để một người ngoài (không phải là các cổ đông A, B, C) mua thêm cổ phần của Công ty và dẫn đến vốn điều lệ của Công ty tăng lên. Điểm khác biệt lớn nhất khi phát hành cổ phần riêng lẻ so với các hình thức khác là vốn điều lệ của công ty tăng lên, có cổ đông mới tham gia và số lượng cổ đông mua cổ phần được hạn chế theo các điều kiện nhất định.

Việc phát hành cổ phần riêng lẻ sẽ có hai lợi ích cơ bản là dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư sẽ được chảy vào công ty mà không phải là các cổ đông của công ty như hình thức chuyển nhượng vốn và nhà đầu tư/cổ đông cũng không phải chịu thuế khi thực hiện giao dịch.

Cơ sở pháp lý cho việc phát hành cổ phần riêng lẻ

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, có 3 điểm thay đổi cơ bản về việc phát hành cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.

Thứ nhất, liên quan việc chào bán cổ phần riêng lẻ với cơ quan đăng ký kinh doanh, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với cơ quan đăng ký kinh doanh và chỉ có quyền bán cổ phần sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bãi bỏ quy định này nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp rút ngắn thời gian để hoàn tất giao dịch M&A khi thực hiện thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ. Doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phần riêng lẻ.

Thứ hai, về quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì việc thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần của các cổ đông hiện hữu không được thể hiện rõ, mà được hiểu rằng, cổ đông hiện hữu có thể được xem là đã từ bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần mới khi nghị quyết của đại hội đồng cổ đông chấp thuận việc phát hành thêm cổ phần được thông qua.

Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020, vấn đề này đã được làm rõ theo hướng: sau khi công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, thì cổ đông của công ty phải thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần; trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết, thì số cổ phần còn lại mới được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác.

Trên thực tế, khi công ty mục tiêu cần huy động vốn từ các nhà đầu tư, thì vị thế đàm phán của nhà đầu tư cũng khác so với vị thế của cổ đông hiện hữu. Thông thường, nhà đầu tư sẽ chỉ giải ngân dòng vốn khi công ty mục tiêu đảm bảo các điều kiện nhất định về cả khía cạnh pháp lý cũng như tài chính, thương mại. Do đó, việc nhà làm luật cho phép đại hội đồng cổ đông công ty được chủ động đặt ra các điều kiện cho nhà đầu tư, kể cả thuận lợi hơn so với cổ đông hiện hữu, là việc rất cần thiết, nâng cao sự chủ động cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch M&A theo thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ.

Thứ ba, về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định rõ, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, thì có cần phải áp dụng thủ tục xin chấp thuận của sở kế hoạch và đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư hay không. Điều này đã gây ra một số lúng túng trong thời gian đầu khi thi hành Luật.

Bằng việc khẳng định, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần chào bán riêng lẻ phải làm thủ tục về mua cổ phần theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã xác định cụ thể các bước mà nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khi áp dụng pháp luật.

Với những thay đổi mang tính đột phá, hy vọng rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2020 sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, qua đó phát triển hơn nữa thị trường M&A ở nước ta, vốn còn rất nhiều tiềm năng và dư địa.

Luật pháp tại nhiều nước trên thế giới cũng có những quy định cụ thể đối với hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Tại Thái Lan, tổng số tiền huy động qua phát hành riêng lẻ không được quá 20 triệu bath và cho dưới 35 người. Trong khi đó, tại Mỹ, nếu phát hành riêng lẻ, thì không được quảng cáo bằng các phương tiện thông tin đại chúng cũng như hội thảo rộng rãi; và nếu các nhà đầu tư tham gia mua không mang tính chuyên nghiệp, thì số lượng không được vượt quá 35 người và phải cử ra một đại diện mua.
Từ năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tuân theo Luật Chứng khoán
Kể từ khi Nghị định 163 có hiệu lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất sôi động khi các doanh nghiệp tổ chức 848 đợt phát hành, huy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư