Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Phát triển bền vững và những kinh nghiệm từ New Zealand
Ngân Bảo - 12/11/2024 09:50
 
Thông qua đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ, New Zealand đang hướng đến các thực hành nông nghiệp hiệu quả, phát thải thấp hơn, nhằm cân bằng giữa năng suất và trách nhiệm môi trường.

Thành công kinh tế không đổi lại bằng sự đánh đổi với hành tinh

Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Đây không chỉ là mục tiêu của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là một mục tiêu lớn hàng đầu của các quốc gia, các tổ chức lớn trên thế giới. 

Có mặt tại Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11/2024, ông Scott James - Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm từ chính New Zealand về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Scott James nhấn mạnh, bản sắc của New Zealand gắn liền chặt chẽ với cảnh quan đất nước. Môi trường không chỉ là một phần của New Zealand, mà còn là yếu tố cốt lõi cho nền kinh tế, văn hóa và lối sống của người dân. Sự bền vững là việc phải bảo vệ môi trường tự nhiên cho các thế hệ tương lai, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp và đảm bảo rằng thành công kinh tế không đổi lại bằng sự đánh đổi với hành tinh.

Ông Scott James cho biết, cam kết với năng lượng tái tạo là một lĩnh vực mà New Zealand thể hiện sự quyết tâm của mình về bền vững. Khoảng 80% điện năng của New Zealand hiện đã đến từ các nguồn tái tạo, và mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 100% vào năm 2030.

Ngoài ra, ngành thực phẩm và sợi của New Zealand đang đầu tư vào công nghệ để cải thiện khả năng truy xuất và minh bạch. Các công cụ kỹ thuật số được sử dụng để theo dõi sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn, không chỉ xây dựng lòng tin của người tiêu dùng mà còn thúc đẩy trách nhiệm đối với các thực hành bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Kinh nghiệm từ doanh nghiệp New Zealand

New Zealand tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sự bền vững trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược xuất khẩu và một điểm khác biệt trên thị trường toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng khi hơn 85% xuất khẩu của New Zealand hướng tới các quốc gia có các quy định về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang có hiệu lực hoặc sắp có hiệu lực, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về các thực hành bền vững.

Tại sự kiện, Tổng lãnh sự New Zealand tại Việt Nam cũng chia sẻ thêm những kinh nghiệm từ 3 doanh nghiệp của New Zealand là Boring Oat Milk, T&G, và Zespri.

Với Boring Oat Milk, đây là nơi chuỗi cung ứng địa phương được ưu tiên. Doanh nghiệp cung cấp các giải pháp bao bì có thể tái chế cho khách hàng. Để sản xuất 1 lít sữa yến mạch cần ít hơn 70% diện tích đất và tạo ra ít hơn 93% khí thải nhà kính so với 1 lít sữa bò. Với ngành sữa là trụ cột của nền kinh tế New Zealand, Boring đang tìm cách tích hợp hệ thống sản xuất yến mạch vào khuôn khổ nông nghiệp tái sinh đồng thời mang lại sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

T&G được hướng dẫn bởi tinh thần kaitiakitanga, nghĩa là họ đối xử với đất đai, con người, sản phẩm, tài nguyên và cộng đồng với sự tôn trọng và chăm sóc tối đa, như những người bảo vệ tương lai. Một số bước mà T&G đang thực hiện bao gồm áp dụng quy trình canh tác hoàn toàn thân thiện với môi trường và an toàn sinh thái, sử dụng nhãn có thể phân hủy sinh học, và giảm 5% lượng khí thải của công ty.

Còn Zespri tin tưởng mạnh mẽ rằng trái kiwi có thể tạo ra sự khác biệt cho môi trường và cộng đồng trên toàn thế giới. Dù trái kiwi là một loại cây trồng có tác động thấp, Zespri nhận biết rằng vẫn có những tác động môi trường trong quá trình trồng và vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Công ty đang sử dụng công cụ và công nghệ mới để giảm thiểu tác động môi trường từ người trồng kiwi đến người tiêu dùng cuối.

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, New Zealand xem sự bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội hợp tác. Thông qua việc hợp tác với các quốc gia có cam kết tương tự với tương lai bền vững, New Zealand hy vọng có thể xây dựng một thế giới nơi đổi mới, khả năng chống chịu và sự tôn trọng thiên nhiên cùng song hành.

“New Zealand cam kết một tầm nhìn về sự bền vững phản ánh con người chúng tôi. Từ chính sách của chính phủ đến thực hành của các ngành công nghiệp, chúng tôi đang làm việc để bảo vệ tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy công bằng xã hội và hỗ trợ sự thịnh vượng của cộng đồng khi chúng tôi hướng tới mục tiêu net-zero vào năm 2050. Đối với chúng tôi, bền vững có nghĩa là tạo ra một tương lai nơi tăng trưởng kinh tế, sức khỏe môi trường và sự thịnh vượng xã hội được liên kết và củng cố lẫn nhau”, Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam khẳng định. 

Xu hướng “chuyển đổi kép” của doanh nghiệp logistics
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp logistics áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tiết kiệm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư