Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phát triển dịch vụ vận tải hành khách bằng công nghệ: Cần có cái nhìn đúng đắn và thực tế hơn
Như Loan - 12/08/2017 09:47
 
Hoạt động của “xe công nghệ” vẫn đang tiếp tục là chủ đề “nóng” thời gian qua, trong đó, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận. Từ thực tế đó, cơ quan Nhà nước có liên quan đã có những quan điểm khá rõ ràng và đúng đắn trong quá trình phát triển của dịch vụ, phù hợp và đảm bảo đúng với các quy định trong lĩnh vực vận tải hành khách.

Dịch vụ tốt thì nên ủng hộ

Để rộng đường dư luận, cơ quan chức năng lẫn chuyên gia hàng đầu trong ngành đã có những nhận định, đánh giá về ưu và nhược điểm của dịch vụ này mang lại, từ đó, định hướng dư luận có cái nhìn đúng đắn và khách quan hơn, góp phần vào sự phát triển ngành vận tải hành khách công cộng nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung.

.
.

TP Hồ Chí Minh là một trong nhiều địa phương trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dịch vụ “xe công nghệ” vào hoạt động vận tải hành khách công cộng. Sau hơn 1 năm triển khai dịch vụ này, cuối tháng 7 vừa rồi, báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 tại UBND TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố cho hay, hiện những đơn vị cung cấp dịch vụ đặt xe công nghệ như Grab không chỉ dừng ở việc ứng dụng phần mềm công nghệ mà còn mở rộng dịch vụ đi chung xe, giải quyết nạn ùn tắc của giao thông đô thị.

Theo ông Cường, nếu xét trên góc độ giao thông là tốt, hành khách chia sẻ hành trình, nhưng về pháp lý thì Bộ Giao thông – Vận tải chưa cho phép, vì theo quy định một ôtô chỉ có một hợp đồng, nay một ôtô có thể có hai hợp đồng.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết, do khung pháp lý của các vấn đề này chưa có, nếu TP Hồ Chí Minh không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến kìm hãm sự phát triển. Do vậy, thời gian tới, Nhà nước nên có sự chỉ đạo nhằm chuẩn hoá về mặt pháp lý. Bởi nếu TP Hồ Chí Minh làm tốt thì cả nước sẽ làm theo.

Thực tế, sau hơn 1 năm hoạt động thí điểm, loại hình “xe công nghệ” đã được người dân lẫn Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao. Theo Bộ GT-VT, hiện Bộ đã tiếp nhận đề xuất và đồng thuận cho phép 9 đơn vị gồm: Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car), Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car) để triển khai các Đề án thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Thông qua kết quả thực hiện thí điểm ban đầu cho thấy, hiệu quả của việc ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động vận tải đã được người dân đánh giá cao, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

Là chuyên gia theo dõi rất sát sao quá trình du nhập và phát triển của “xe công nghệ” vào thị trường Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, việc một loại hình dịch vụ mới xuất hiện và đem lại nhiều lợi ích cho người dân (như: cước phí rẻ, dịch vụ di chuyển tốt, an toàn khi di chuyển, tiện lợi lúc gọi xe, phương tiện hiện đại…) thì cần được khuyến khích phát triển. Đặc biệt, khi dịch vụ “xe công nghệ” hoạt động sẽ tạo xung lực để taxi truyền thống thay đổi và hoàn thiện theo hướng tích cực, đáp ứng xu thế ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải. Tuy nhiên, quá trình phát triển này cần phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch giữa “xe công nghệ” với taxi truyền thống.

Cũng theo quan điểm của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiển nhiên trong cạnh tranh của nền kinh tế thị trường thì đương nhiên khó tránh khỏi có bên chịu thua thiệt. Nếu doanh nghiệp nào đầu tư không đạt hiệu quả thì chấp nhận bị thiệt hại, chứ cũng không nên than phiền, bàn cãi hay đổ lỗi cho bất cứ doanh nghiệp khác cạnh tranh trực tiếp làm gì, bởi đó là quy luật chúng của thị trường mà ở đó luật chơi rất sòng phẳng ngay từ đầu. Về phía ứng xử của Nhà nước, thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính, cấm đoán thì hãy để thị trường điều tiết và các cá nhân tham gia thị trường quyết định.

Chia sẻ về quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Vận tải (BGTVT) Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh: "Nếu taxi truyền thống cho rằng, kinh doanh theo hình thức hợp đồng “thoải mái” hơn thì sao họ không chuyển đổi mô hình kinh doanh từ xe truyền thống sang xe hợp đồng? Một người đang kinh doanh xe hợp đồng không thể chuyển sang taxi được nhưng ngược lại, đang kinh doanh taxi hoàn toàn có quyền trở thành xe hợp đồng, không ai cấm. Kinh doanh taxi có lợi thế lớn là đón khách ở ngoài đường không cần đặt trước. Hành khách dễ dàng nhận biết xe taxi, đây lợi thế của xe taxi mà xe hợp đồng muốn cũng không thể có được".

Tương tự, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng nhận định, nếu xét theo phản ánh của taxi truyền thống đang phải chịu những "vòng kim cô" thì do quy định của nhà nước chứ không phải lỗi của Uber hay Grab. “Xe công nghệ” không phải là nguyên nhân trong việc taxi truyền thống phải chịu những "vòng kim cô" đấy, bởi đơn giản mỗi loại hình có một đặc thù hoạt động riêng biệt, không thể quy chụp làm một.

Phát triển sao cho phù hợp?

Trong quá trình du nhập và cạnh tranh giữa “xe công nghệ” với taxi truyền thống, cơ quan Nhà nước cũng cần phải thấy được những điểm chưa được để hoàn thiện và thúc đẩy ngành dịch vụ vận tải hành khách phát triển. Theo nhiều chuyên gia, Nhà nước phải đóng vài trò đầu tàu điều khiển cuộc chơi một cách bình đẳng và lành mạnh. Theo đó, cơ quan Nhà nước cần đưa ra những quyết sách đúng đắn và kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển chung hiện nay. Cụ thể, về phát triển dịch vụ vận tải hành khách, Nhà nước có thể cung cấp những số liệu, thông tin về dung lượng thị trường (lượng cung cầu hiện ra sao) và bản thân doanh nghiệp sẽ tự quyết định việc có nên đầu tư, gia nhập thị trường.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc thừa nhận những tính năng ưu việt của xe hợp đồng điện tử, xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích công cộng và lợi ích môi trường là định hướng hợp thời. Bên cạnh việc khảo sát, nghiên cứu, tính toán thật chi tiết, khoa học để xác định hạn mức, khống chế số lượng xe công nghệ này ở mức độ phù hợp với quy mô, mật độ dân số lẫn hiện trạng hạ tầng giao thông, các cơ quan quản lý cũng cần kết hợp phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân cùng tích hợp các giải pháp liên quan để mang lại hiệu quả cao.

Quyết thay đổi, Mai Linh có cạnh tranh được với Grab, Uber?
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải, không ít lo ngại về khả năng cạnh tranh của taxi truyền thống,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư