Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phía Nam kỳ vọng thu hút nhiều dự án FDI vào sản xuất
Hồng Sơn - 01/02/2019 09:00
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất vào các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều vượt so với kế hoạch đề ra. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy, các địa phương sẽ có tăng tốc thu hút vốn FDI trong năm nay.
.
Năm 2019 được kỳ vọng sẽ có nhiều dự án FDI có quy mô lớn “cập bến” các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam .

Điểm mặt dự án lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm qua, Bình Dương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 2 tỷ 204 triệu USD, vượt 57% so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Trúc, các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp chế biến, chế tạo; thương mại dịch vụ; công nghiệp công nghệ cao… đang thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và đã có nhiều dự án có quy mô vốn lớn được cấp phép.

Chẳng hạn, 2 dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp do Tập đoàn tài chính Warburg Pincus (Mỹ) liên doanh với Tổng công ty Becamex IDC đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng và KCN Mỹ Phước 3 có tổng vốn đăng ký là 135,2 triệu USD.

Hay Dự án sản xuất các sản phẩm màng nhựa của Công ty TNHH Gunze Plastics & Engineering Việt Nam (Nhật Bản) tại KCN VSIP II-A có vốn đăng ký 40 triệu USD...

Trong khi đó, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm qua, Đồng Nai đã thu hút được hơn 1,915 tỷ USD vốn FDI, vượt hơn 91% so với kế hoạch. Trong đó, cấp mới 131 dự án với tổng vốn 1 tỷ 045 triệu USD; 107 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 870 triệu USD.

Về quy mô, trong số dự án cấp mới có 33 dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD, vốn đầu tư đăng ký 741,7 triệu USD chiếm 71% tổng vốn đầu tư mới. Trong đó, đáng chú ý là Dự án của Công ty TNHH KCC Việt Nam (Singapore) tại KCN Nhơn Trạch VI, vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Saitex Fabrics Việt Nam (Trung Quốc) tại KCN Nhơn Trạch VI, vốn đầu tư đăng ký 57 triệu USD…

Dự án lớn nào sẽ “cập bến”?

Theo ông Trúc, trong năm nay, Bình Dương tiếp tục đổi mới thu hút vốn FDI. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giảm dần các ngành nghề thâm dụng lao động.

“Sở sẽ phối hợp với Ban quản lý các KCN và các công ty đầu tư và phát triển hạ tầng KCN tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư, công tác tiếp thị thu hút đầu tư mới, mặt khác rà soát và nắm bắt nhu cầu tăng vốn của các dự án đang triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh”, ông Trúc nói về giải pháp thu hút vốn FDI của Bình Dương trong năm nay.

Việc nước ta đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là cơ hội để thu hút vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất.

Theo tìm hiểu, Dự án Nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (Đài Loan) đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn I và đi vào hoạt động sản xuất từ  cuối năm 2018. Dự án này có vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD, được cấp phép vào cuối năm 2015. Trước đó, chủ đầu tư đã nhiều lần tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước để hỏi và chuẩn bị các thủ tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Nhiều khả năng các thủ tục này sẽ sớm hoàn thành để có thể được cấp phép, với vốn đầu tư tăng thêm khoảng 700 triệu USD.

Theo quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, KCN Lai Hưng tại huyện Bàu Bàng có diện tích 600 ha sẽ được dành để thu hút các doanh nghiệp khoa học công nghệ vào đầu tư. Qua đó, sẽ hình thành một KCN riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Dự án này đã được Bình Dương phối hợp với đối tác Hà Lan để nghiên cứu và triển khai những phần việc đầu tiên trong năm 2018.

Trong khi đó, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, đến cuối năm 2018, Dự án sản xuất pin cung ứng cho xe điện Tesla của một doanh nghiệp Mỹ vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục, nên chưa được cấp phép. Dự án này có mục tiêu hoạt động chuyên sản xuất pin cung ứng cho xe điện Tesla. Nếu được cấp phép, dự án này nhiều khả năng có vốn đầu tư đăng ký khoảng 500 triệu USD.

Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, việc nước ta đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là cơ hội để thu hút vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực được nhìn nhận là có nhiều lợi thế như dệt may, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, linh kiện điện tử… Đó cũng là cơ sở để kỳ vọng trong năm 2019 sẽ có nhiều dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất, trong đó có nhiều dự án có quy mô vốn lớn “cập bến” các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vốn FDI giải ngân hơn 1,5 tỷ USD ngay tháng đầu năm
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước tính đã giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư