Sang đến phiên chiều, lực cầu bắt đáy tồn dư trong phiên sáng tiếp tục kéo VN-Index đi lên ngưỡng 985 điểm, nhưng sau đó lực cầu rụt lại, trong khi lượng cung gia tăng tại các mã lớn đã đẩy chỉ số này trở lại và chỉ có may mắn mới giữ được ngưỡng hỗ trợ 980 điểm khi chốt phiên.
Chốt phiên, VN-Index giảm 6,57 điểm (-0,66%), xuống 981,91 điểm với 113 mã tăng, trong khi có tới 183 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 159,9 triệu đơn vị, giá trị 3.492 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% về khối lượng và 17,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,4 triệu đơn vị, giá trị 614,97 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 10/4 |
Trong phiên hôm nay, nhóm bluechip đa số giảm giá, trong nhóm VN30, chỉ có 5 mã tăng giá, 2 mã đứng giá, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Tính về vốn hóa, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ còn GAS và SAB may mắn có sắc xanh, nhạt còn đều giảm với mức giảm trên dưới 1%. Cụ thể, VIC giảm 1,06% xuống 111.800 đồng, VHM giảm 1,39% xuống 92.500 đồng, VNM chỉ giảm nhẹ 0,07% xuống 135.300 đồng, BID giảm 1,54% xuống 35.200 đồng, mức thấp nhất ngày, MSN giảm 0,91% xuống 86.700 đồng, TCB giảm 0,99% xuống 25.100 đồng và CTG giảm 1,13% xuống 21.900 đồng. Trong đó, CTG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 2,24 triệu đơn vị, tiếp đến là TCB với 1,49 triệu đơn vị.
Cũng có sắc đỏ còn có nhiều mã lớn khác như PLX, HPG, BVH, VPB, MBB, MWG, FPT, POW, HBD, STB, EIB…
Trong khi đó, ROS lại bất ngờ đảo chiều thành công với mức tăng tốt 2,56% lên 32.100 đồng, mức giá cao nhất ngày với 7,18 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau AAA với 7,74 triệu đơn vị, nhưng mã này không giữ được sắc xanh nhạt của phiên sáng, mà đóng cửa ở mức tham chiếu 18.500 đồng.
Cổ phiếu VJC sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với hoạt động kinh doanh chính tiếp tục tăng trưởng gần 50%, đã đảo chiều tăng điểm trở lại với thanh khoản tốt. Cụ thể, chốt phiên, VJC tăng 0,36% lên 112.900 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018, năm qua, doanh thu của Vietjet đạt 53.577 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.816 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chia ở mức rất cao tới 55%.
Cổ phiếu CTD không có nhiều biến động trong phiên chiều do không có lực cầu mới và đóng cửa ở mức sàn 121.800 đồng với 698.410 đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.
Tuy nhiên, tâm điểm trong phiên giao dịch hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu nhỏ, từ sắc tím lẻ tẻ tại VHG, PPI trong phiên sáng, đã lan rộng ra nhiều mã khác như VHG, PXS, AGF, PIT, NAV và lan sang cả nhiều cổ phiếu vừa như FMC, CMX, SRC, cùng với ACL có sắc tím từ phiên sáng…
Trong đó, đáng chú ý là HVG nhận được lực cầu lớn trong phiên chiều, kéo thẳng lên mức trần 7.590 đồng với 2,28 triệu đơn vị được khớp.
PPI lại dao động khá mạnh giữa mức trần và mức sàn, nhưng cuối cùng lực cầu đã thắng thế, giúp mã này đóng cửa với mức trần 1.000 đồng với 2,41 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, do không có lực cung thêm, VHG vẫn còn dư mua giá trần gần 3 triệu đơn vị và mức khiêm tốn, dưới 0,4 triệu đơn vị.
Dù nhiều cổ phiếu nhỏ hôm nay nổi sóng, nhưng lịch sử của thị trường trong thời gian qua cho thấy, các con sóng này tồn tại rất ngắn, thậm chí chỉ một phiên, do đó khá rủi ro cho nhà đầu tư đua theo, dù các mã này có thị giá rất thấp, như PPI hôm nay khớp hơn 2,4 triệu đơn vị, nhưng giá trị của chỉ gần 2,4 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản đột biến của mã này và là mức khớp cao nhất kể từ ngày 7/7/2017.
Trên sàn HNX, HNX-Index thậm chí có lúc đã lên trên mức tham chiếu, nhờ sự trở lại của VCG, ACB và PVS nới rộng đà tăng, nhưng chỉ số này lại đuối sắc trong đợt ATC khi ACB trở lại sắc đỏ, SHB không giữ được sắc xanh.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,25%), xuống 107,43 điểm với 64 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,2 triệu đơn vị, giá trị 455 tỷ đồng, giảm 30,7% về khối lượng và 31,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,5 triệu đơn vị, giá trị 59,6 tỷ đồng.
Trong phiên chiều nay, VCG đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng 1,51% lên 26.900 đồng, PVS nới rộng đà tăng, chốt phiên tăng 3,11% lên 23.200 đồng với 6,4 triệu đơn vị được khớp. VCS và PVI cũng đảo chiều tăng 0,15% và 1,03% lên 67.700 đồng và 39.200 đồng.
Trong khi đó, ACB vẫn giảm 0,98% xuống 30.200 đồng, mức thấp nhất ngày, SHB cũng trở lại mức tham chiếu 7.500 đồng với 2,46 triệu đơn vị được khớp.
Trong các mã nhỏ, ART tăng tốt 6,67% lên 3.200 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp, đứng sau PVS về thanh khoản.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp dưới giá tham chiếu trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%), xuống 56,56 điểm với 96 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,78 triệu đơn vị, giá trị 230 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 14,67 tỷ đồng.
Trên thị trường này, chỉ có BSR và HVN là 2 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị (1,35 triệu và hơn 1 triệu đơn vị) và cả 2 đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, BSR giảm 2,99% xuống 13.400 đồng, HVN giảm 2,95% xuống 39.500 đồng.