Sau phiên tăng mạnh hôm thứ Hai, thị trường gặp chút khó khăn trong phiên thứ Ba, nhưng nhờ sự khởi sắc của cặp đôi MSN và TCB, nên VN-Index vẫn có được phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, chinh phục thành công ngưỡng 955 điểm.

Bước vào phiên giao dịch hôm nay (1/8), áp lực chốt lời diễn ra tại nhiều mã khiến thị trường gặp khó. Tuy nhiên, nhiều mã vẫn hút dòng tiền mạnh, giúp VN-Index giữ được sự thăng bằng, chỉ giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cung gia tăng ngay đầu phiên đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc 950 điểm. Tuy nhiên, mốc điểm này đang trở thành ngưỡng hỗ trợ của VN-Index, nên ngay khi vừa xuyên thủng mốc 950 điểm, lực cầu hoạt động tích cực, kéo VN-Index trở lại và đóng cửa chỉ giảm nhẹ.

Cụ thể, chốt phiên 1/8, VN-Index giảm 3,62 điểm (-0,38%), xuống 952,77 điểm với 126 mã tăng và 169 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 202 triệu đơn vị, giá trị 4.462 tỷ đồng, giảm 16,6% về khối lượng và giảm nhẹ 4,87% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,3 triệu đơn vị, giá trị 922,97 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 1/8
Diễn biến VN-Index phiên 1/8

Thị trường hôm nay có sự phân hóa khá rõ nét, nhưng mức biến động giá của các mã không lớn. Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, các mã chỉ biến động trên dưới 1%, trong đó có 5 mã giảm, 3 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu.

TCB sau phiên khởi sắc hôm qua, hôm nay điều chỉnh nhẹ 0,9%, xuống 27.550 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp. Trong khi mã có thanh khoản tốt nhất nhóm này là CTG với tổng khớp 4,14 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,69%, xuống 23.200 đồng.

Lực cản mạnh nhất với VN-Index hôm nay là VHM khi mất 1,54%, xuống 108.600 đồng, trong khi GAS tăng mạnh nhất nhóm cũng chỉ có thêm 1,03%, lên 88.700 đồng.

Trong Top 30 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, diễn biến cũng tương tự, chỉ có 2 mã giảm hơn 2% là MWG (-2,74%, xuống 113.600 đồng) và PNJ (-2,59%, xuống 94.000 đồng), còn lại chỉ tăng, giảm trên dưới 1%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nhỏ lại có biến động khá lớn. Trong khi HQC, ITA đóng cửa ở mức trần với 10,7 triệu đơn vị và 3 triệu đơn vị được khớp, thì FLC giảm 2,91%, xuống 6.350 đồng với 22,24 triệu đơn vị được khớp (dẫn đầu thị trường), HAG thậm chí có lúc đã chạm sàn 7.090 đồng trước khi đóng cửa ở mức 7.100 đồng, giảm 6,82% với 12,63 triệu đơn vị được khớp, đứng sau FLC và trên HQC.

Trên HNX, diễn biến cũng tương tự khi lực bán gia tăng ngay từ khi bước vào phiên giao dịch chiều, đẩy HNX-Index xuống dưới ngưỡng 105 điểm trước khi hồi trở lại vào cuối phiên, nhưng không thoát khỏi phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,6 điểm (-0,56%), xuống 105,56 điểm với 59 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,18 triệu đơn vị, giá trị 613 tỷ đồng, tăng 17,6% về khối lượng và 33,57% về giá trị so với hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,49 triệu đơn vị, giá trị 41,67 tỷ đồng.

PVS tiếp tục là tâm điểm của sàn HNX khi khớp 10,6 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX và đóng cửa tăng 3,49%, lên 17.800 đồng. Trong khi đó, SHB dù cũng được khớp tốt với 7,53 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,23%, xuống 8.000 đồng. ACB giảm 0,84%, xuống 35.500 đồng với 3,37 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, dù có lúc lên mức trần 2.700 đồng, nhưng KLF không giữ được đà tăng khi đóng cửa ở mức tham chiếu 2.500 đồng với 5,95 triệu đơn vị, đứng sau PVS và SHB về thanh khoản.

Các mã khác cũng chỉ dao động quanh tham chiếu với thanh khoản không quá cao.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index chỉ dao động trong sắc đỏ suốt phiên chiều và đóng cửa giảm 0,18 điểm (-0,36%), xuống 50,29 điểm với 82 mã tăng và 57 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20 triệu đơn vị, giá trị 307 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,37 triệu đơn vị, giá trị 48,5 tỷ đồng.

Trên sàn này, LPB là mã có giao dịch sôi động nhất khi khớp 6,3 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3%, xuống 9.700 đồng.  Tiếp đến là BSR (2,6 triệu đơn vị), HVN (1,25 triệu đơn vị) và VEA (hơn 1 triệu đơn vị), nhưng cả 3 mã này đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, BSR tăng 3,8%, lên 16.400 đồng, HVN tăng 3%, lên 37.300 đồng, VEA tăng 0,87%, lên 23.000 đồng.

Các mã khác có giao dịch không mấy sôi động và tổng khớp dưới 1 triệu đơn vị, trong đó ACV tăng tốt nhất với 5,58%, lên 87.000 đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 loại hợp đồng đều giảm điểm, trong đó VN30F1808 đáo hạn ngày 16/8/2018 có thanh khoản nhất với 97.696 lượt hợp đồng được sang nhượng, đóng cửa giảm 0,48%, xuống 934 điểm.

Tiếp theo, VN30F1809 (đáo hạn ngày 20/9) giảm 0,59%, xuống 933,5 điểm với 240 lượt hợp đồng được chuyển nhượng, VN30F1812 (đáo hạn ngày 20/12) giảm 0,55%, xuống 935,5 điểm với 60 hợp đồng được chuyển nhượng và VN30F1903 (đáo hạn ngày 21/3/2019) giảm 0,43%, xuống 937 điểm với 72 hợp đồng được chuyển nhượng.