Mở cửa, dư âm tư phiên giảm trước đó khiến VN-Index sớm giảm điểm. Tuy nhiên, ngay sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, VN-Index đã nhanh chóng bứt lên khi nhóm cổ phiếu bluechips đồng loạt tăng, trước khi có nhịp nghỉ khi trước giờ trưa.

Tiếp đà tích cực từ phiên sáng, đa phần cổ phiếu bluechips tiếp tục tăng trong phiên chiều, giúp VN-Index nới rộng đà tăng, áp sát mốc 990 điểm - cũng là mức cao nhất ngày. Cùng với đó, việc nhóm cổ phiếu bluechips hút tiền cũng giúp thanh khoản sàn HOSE được cải thiện.

Mặc dù thị trường tăng điểm khá mạnh, song việc số mã tăng không thực sự áp đảo so với số mã giảm phần nào cho thấy sự phân hóa mạnh của thị trường ở thời điểm hiện tại.

Đóng cửa, với 161 mã tăng và 146 mã giảm, VN-Index tăng 7,42 điểm (+0,76%) lên 989,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 184,83 triệu đơn vị, giá trị 4.701 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 22/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với hơn 50 triệu đơn vị, giá trị 1.611,5 tỷ đồng, đáng chú ý có 7,93 triệu cổ phiếu VRE trị giá 291,3 tỷ đồng; 2,29 triệu cổ phiếu MWG, giá trị 206,2 tỷ đồng; 9,4 triệu cổ phiếu ROS, giá trị gần 300 tỷ đồng...

Diễn biến VN-Index phiên 13/7
Diễn biến VN-Index phiên 13/7

Trong rổ VN30, giá trị giao dịch chiếm 58% tổng giá trị giao dịch của HOSE. Trong đó, chỉ có 6 mã giảm nhẹ, còn lại đều tăng. Tương tự, tại Top 30 mã vốn hóa lớn nhất, cũng chỉ có 5 mã giảm, BID và BVH là 2 mã giảm mạnh nhất, lần lượt -1,4% về 35.250 đồng và -1,9% về 84.200 đồng, còn lại là tăng. BID khớp lệnh 2,13 triệu đơn vị.

Hôm qua, BID công bố chào bán hơn 603,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 15%/vốn điều lệ cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, giá trị thương vụ hơn 20.295 tỷ đồng. Thông thường, những thông tin này sẽ giúp tăng thị giá cổ phiếu, nên việc BID giảm khá mạnh ở phiên này có phần gây bất ngờ. Không chỉ BID, việc nhóm cổ phiếu ngân hàng không đồng thuận cũng là nguyên nhân khiến VN-Index chưa thể bứt phá.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ VIC ghi nhận đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của chỉ số. VHM +1,4% lên 85.800 đồng, VRE +1,6% lên 37.300 đồng, còn VIC +2,8% lên 119.000 đồng.

Ngoài ra, các mã HPG +4,6% lên 21.700 đồng, MWG +2,2% lên 108.900 đồng,  MBB +2,3% lên 22.700 đồng, cùng nhiều mã tăng từ hơn 1% như HVN, ROS, NVL, HVN, PNJ... giúp Index tăng vững.

Về thanh khoản, ROS khớp lệnh 9,77 triệu đơn vị - dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp đến là HPG với 9,01 triệu và MBB với 7,26 triệu đơn vị. VIC và VRE khớp 1,5 triệu và 1,3 triệu đơn vị.

Với nhóm cổ phiếu thị trường, áp lực chốt lời khiến nhóm này đa phần giảm điểm, trong đó có DLG, FLC, HBC, ITA, KBC, SCR, HQC, HAG...

Không còn giảm sàn như 5 phiên liên tục trước đó, nhưng đà giảm của GAB chưa dừng lại khi tiếp tục giảm 4,8% trong phiên này về .11.000 đồng, thanh khoản tăng vọt lên 1,43 triệu đơn vị. Tương tự, YEG giảm phiên thứ 5 liên tiếp về 74.000 đồng (-4%), khớp lệnh 55.920 đơn vị.

Ngược lại, YBM tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 11.700 đồng và khớp lệnh cũng đột biến, đạt 1,4 triệu đơn vị, cao nhất trong 6 tháng qua.

Trên sàn HNX, diễn biến trái ngược so với HOSE khi sàn này liên tục lắc mạnh quanh tham chiếu và chìm hẳn trong sắc đỏ ở phiên chiều. Dẫu sao đà giảm của HNX cũng hạn chế đáng kể trước khi đáng kể nhờ sức cầu tốt.

Đóng cửa, với 90 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 0,05điểm (-0,05%) về 106,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,42 triệu đơn vị, giá trị 416 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên 22/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,93 triệu đơn vị, giá trị 60,5 tỷ đồng.

Mặc dù số mã tăng chiếm ưu thế, nhưng việc nhiều mã vốn hóa lớn giảm điểm như ACB, VCG, SHS, CEO, TNG, OCH... hay đứng giá như SHB, NVB, PHP, DL1, VNR..., nên HNX chưa thể về được tham chiếu. Trong đó, ACB -0,7% về 30.800 đồng, SHS -1% về 9.600 đồng, VCG -0,4% về 26.400 đồng.

Ngược lại, các mã VCS, PVI, DGC, NTP, MBS... đều tăng từ 2-5%. Nhóm dầu khí cũng đồng loạt tăng, trong đó PVS tăng 0,4% lên 22.900 đồng.

Về thanh khoản, SHB khớp lệnh 3,12 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đó là PVS với 2,69 triệu đơn vị. ACB và CEO khớp 1,94 triệu và 1,65 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, diễn biến tương đã tích cực hơn trong phiên chiều, dù chịu không ít rung lắc, thậm chí bứt lên mức cao nhất ở cuối phiên, thanh khoản tăng mạnh.

Đóng cửa, với 108 mã tăng và 88 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,77%) lên 58,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,17 triệu đơn vị, giá trị 461 tỷ đồng, tăng 107% về khối lượng và 104% về giá trị so với phiên 22/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,87 triệu đơn vị, giá trị gần 105 tỷ đồng, đáng chú ý có 2,1 triệu cổ phiếu GEG, giá trị 49,88 tỷ đồng và 2,7 triệu cổ phiếu XMC, giá trị 29,35 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn trên UPCoM cũng ghi nhận sự phân hóa rõ nét. Các mã  LPB, GVR, VGI, VRG, CTR, VEA, MFS… tăng điểm. Trong đó, LPB tăng mạnh 6,3% lên 8.400 đồng, khớp lệnh 1,9 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Ngược lại, các mã giảm điểm có BSR, ACV, MSR, DVN... Trong đó, BSR giảm 2,6% về 11.100 đồng, khớp lệnh 1,62 triệu đơn vị. Đây cũng là 2 mã có lượng khớp vượt trội so với phần còn lại.

Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có hợp đồng nào được giao dịch ở phiên này.

Ngược lại, hợp đồng phái sinh VN30 giao dịch khá tích cực mạnh, nhất là mã VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 với 106.424 đơn vị, khối lượng mở 19.703 đơn vị. Cả 4 hợp đồng phái sinh VN30 đều tăng điểm phiên này.

Trên thị trường chứng quyền, có 14 chứng quyền tăng, 3 chứng quyền giảm và 1 đứng giá. Về thanh khoản, CMBB1903 dẫn đầu với 16.129 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CVNM1901 với 14.202 đơn vị. CHPG1902 bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 7.370 đơn vị.