Tuy nhiên, đây dường như đang trở thành mốc hỗ trợ vững chắc mới của VN-Index, nên chỉ số này đã bật mạnh trở lại chốt phiên sáng với sắc xanh nhạt.

Tưởng chừng với pha thoát hiểm của phiên sáng, VN-Index sẽ bứt tốc trong phiên chiều để chinh phục các mức đỉnh cao mới, nhưng điều đó đã không xảy ra khi một số mã lớn như VCB, GAS, BHN, HPG... giảm giá.

Trong đợt ATC, lực cầu nhích lên tại một số mã đem lại kỳ vọng VN-Index sẽ thoát phiên giảm điểm hôm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã mừng hụt khi những nỗ lực đó là chưa đủ đển VN-Index tiến lại mức tham chiếu. 

Đóng cửa phiên 2/8, sàn HOSE có 120 mã tăng/157 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,58 điểm (-0,07%) xuống 786,23 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 219 triệu đơn vị, giá trị 4.117,63 tỷ đồng, cùng tăng hơn 6% cả về lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,32 triệu đơn vị, giá trị 446,74 tỷ đồng. Riêng EIB thỏa thuận 15,8 triệu đơn vị, giá trị 172,22 tỷ đồng; SBT thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 78 tỷ đồng…

Diễn biến VN-Index phiên 2/8
Diễn biến VN-Index phiên 2/8

Trong khi đó, nhóm HNX30 giao dịch thiếu tích cực khi có tới 20 mã giảm và chỉ 5 mã tăng, tiếp tục tạo sức ép khiến sàn HNX không thể hồi phục.

Kết phiên, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,35%) xuống 100,97 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 73,85 triệu đơn vị, giá trị 616,96 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,18% về lượng nhưng giảm 5,86% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2,2 triệu đơn vị, giá trị 15,1 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa với BID và CTG lần lượt tăng 1,1% và 0,8%, EIB duy trì sắc tím với mức tăng 6,8%; còn VCB và MBB cùng giảm 0,8%, STB giảm 3,5%, SHB giảm 1,2% và vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch đạt 14,2 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm cổ phiếu dầu khí trên 2 sàn cũng có diễn biến phân hóa. Trên sàn HOSE, GAS điều chỉnh giảm 0,6% sau 3 phiên tăng liên tiếp, PLX tiếp tục duy trì sắc xanh nhạt với mức tăng 0,3%, PVD sau phiên tăng trần hôm qua đã hạ nhiệt với mức tăng 2,1%. Trên sàn HNX, trong khi PVC tiếp tục tăng thì PVS, PVI đảo chiều giảm điểm.

Nhóm cổ phiếu ngành thép tiếp tục giao dịch thiếu tích cực khi hầu hết đều giảm điểm như HSG, HPG, POM, TLH, NKG, VIS. Trong đó, HSG dẫn đầu thanh khoản trong nhóm với hơn 8 triệu đơn vị được khớp lệnh, tuy nhiên cùng với áp lực bán trong nước gia tăng, HSG còn chịu sức ép cung ngoại khá lớn khiến cổ phiếu này lui về mức giá thấp nhất khi kết phiên, giảm 3,8% xuống mức 26.750 đơn vị. Khối ngoại đã bán ròng hơn 1,82 triệu cổ phiếu HSG.

Trên sàn HOSE, lực đỡ chính của thị trường là VNM. Sau 2 phiên giảm liên tiếp, VNM đã hồi phục với mức tăng 0,9% và đã chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị trong phiên hôm nay.

Thêm vào đó, các mã vốn hóa lớn khác cũng nới nhẹ đà tăng điểm như SAB, MSN, ROS cũng phần nào hỗ trợ giúp thị trường không giảm quá sâu trước lực bán gia tăng.

Đáng chú ý trong phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu khoáng sản đua nhau khởi sắc với hàng loạt mã tăng kịch trần như KSA, FCM, KSH, LCM, CMI, KHB...

Trên sàn UPCoM, đà giảm tiếp tục nới rộng trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,78%) xuống 55,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,37 triệu đơn vị, giá trị 90,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 167.825 đơn vị, giá trị 9,84 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn LTG tiếp tục nới rộng biên độ giảm và đang lùi dần về mức giá chào sàn ngày 24/7 (55.000 đồng/CP). Kết phiên, LTG giảm 4,3% xuống mức giá 56.300 đồng/CP, đây là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như GEX, HVN, VIB, FOX, VGT, MCH… cũng đều giảm điểm.

Cổ phiếu PFL tiếp tục tăng trần lên mức giá 2.000 đồng/CP và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 1,8 triệu đơn vị.